Tại sao cần uống vitamin A?
Bổ sung vitamin A mỗi 6 tháng giúp phòng tránh các bệnh lý về mắt (quáng gà, khô mắt, giảm thị lực) và chậm lớn. Từ năm 1995, Việt Nam đã khống chế thành công thiếu vitamin A nặng. Tuy nhiên, tỉ lệ thiếu vitamin A không biểu hiện triệu chứng còn khoảng 16-19%.
Uống vitamin A mỗi 6 tháng vẫn nằm trong chương trình phòng chống thiếu vi chất của nước ta.
Uống vitamin A liều cao mỗi 6 tháng tại phường, xã không gây quá liều vitamin A (dù trước đó trẻ không thiếu).
Tác dụng phụ có thể gặp?
Ở trẻ 6-60 tháng tuổi, sau uống vitamin A có thể có các tác dụng phụ nhẹ và thoáng qua như: khó chịu, quấy, đau đầu, tiêu chảy, buồn nôn và nôn hoặc thóp đầy (ở trẻ còn thóp).
Như đã nói ở trên, các tác dụng phụ này hiếm gặp và trùng lặp với các dấu hiệu của bệnh nặng.
Vì thế, luôn hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa khi con có các biểu hiện đó sau uống vitamin A. Chúng tôi sẵn sàng tư vấn.
Tại sao thóp lại phồng?
Thóp phồng khi trẻ không quấy khóc là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm và là bất thường ở trẻ nhỏ còn thóp. Dấu hiệu này có khi tăng thể tích trong hộp sọ (dịch não tuỷ hoặc máu hoặc mủ hoặc nhu mô não). Do đó, nhắc lại, luôn gọi bác sĩ khi thấy thóp đầy, phồng. Chúng tôi có nguyên tắc: luôn nghĩ đến những tình huống xấu trước tiên.
Với trường hợp sau uống vitamin A hoặc quá liều vitamin A kéo dài, sau khi được loại trừ các bệnh lý nguy hiểm, ta có thể nghĩ đến nguyên nhân do vitamin A.
Cơ chế của hiện tượng này như sau:
- Vitamin A (các retinoid) có liên quan đến hội chứng tăng áp lực trong sọ thoáng qua ở cả trẻ em và người lớn.
- Cơ chế chưa hoàn toàn rõ ràng.
- Một trong các cơ chế: vitamin A chuyển hoá trong cơ thể qua nhiều dạng trung gian, tạm gọi là các chất X, Y, Z. Trong đó, chất trung gian Y của các retinoid tăng tổng hợp phân tử Z ở các tế bào hạt màng nhện có ở màng não tuỷ. Các tế bào này vốn có vai trò hấp thụ dịch não tuỷ. Phân tử Z tăng cao làm giảm tái hấp thu dịch, làm tăng lượng dịch não tuỷ. Từ đó tăng áp lực trong khoang sọ não. Ở trẻ còn thóp, tăng áp lực này làm thóp phồng và nôn, quấy. Ở trẻ lớn hơn, thóp đã đóng, tăng áp lực làm trẻ đau đầu, buồn nôn - nôn và quấy khóc.
- Riêng với tăng áp lực nội sọ thoáng qua sau uống vitamin A, thì tình trạng này là lành tính.
- Rõ nhất trong 24 giờ đầu.
- Giảm dần sau 48 - 72 giờ sau uống.
Cần theo dõi gì?
Thứ nhất, nhắc lại là luôn hỏi ý kiến bác sĩ nhi nếu có triệu chứng này.
Nếu trẻ không sốt và vẫn chơi ngoan, tỉnh táo, bố mẹ có thể tiếp tục theo dõi sát con tại nhà. Chú ý các vấn đề sau:
- Thân nhiệt: con có sốt hay hạ nhiệt độ không?
- Tỉnh thức: con có ngủ nhiều, li bì hay có động tác, hành động bất thường, “lạ lạ” không?
- Ăn và nôn: nôn khan, nôn vọt hay nôn sau ăn hay chỉ buồn nôn?
- Ăn, bú có đủ không?
- Da có ban không?
Khi nào đưa đi viện?
Đi viện gần nhất, không trì hoãn nếu triệu chứng thóp phồng, buồn nôn - nôn, đau đầu KÈM THEO bất kì dấu hiệu nào sau đây:
- Có ngã, chấn thương đầu trước đó
- Sốt cao
- Thở nhanh hoặc có ngừng thở
- Li bì, ngủ nhiều, không hóng
- Co giật hoặc nghi ngờ co giật
- Nôn vọt, nôn nhiều
- Bỏ bú, bỏ ăn
- Có ban trên da
- Tím tái hoặc da nhợt nhạt
- Mẹ (bố) linh cảm bất thường hay lo lắng
Chỉ cần có 1 trong các vấn đề trên, đưa con tới cơ sở y tế gần nhất để được khám, đánh giá loại trừ các bệnh lý nguy kịch như viêm não màng não, chảy máu não, chấn thương sọ não tình cờ cùng bị vào thời điểm đó.
Nếu không có các dấu hiệu kèm theo trên, nhưng sau 72 giờ sau uống vitamin A, trẻ vẫn có các triệu chứng thóp phồng, buồn nôn - nôn - quấy, không thuyên giảm, bố mẹ có thể đưa con đi khám (không cần khám cấp cứu).
Quá liều vitamin A
Chưa từng ghi nhận quá liều vitamin A do uống vitamin A theo kế hoạch quốc gia.
Theo FDA-US, các báo cáo ca bệnh hoặc loạt ca bệnh ghi nhận các ca quá liều vitamin A trong các tình huống sau:
- Uống sai liều vitamin A hàng ngày;
- Vừa uống vitamin A vừa uống thêm multivitamin (cũng có vitamin A);
- Ăn gan gà quá nhiều và quá sớm;
Các ca bệnh đều giảm triệu chứng sau khi giảm liều hoặc dừng uống.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp