✴️ Dấu hiệu sỏi bàng quang là gì?

Dấu hiệu sỏi bàng quang là gì?

Những viên sỏi xuất hiện ở bàng quang quá nhỏ có thể tự động rơi ra ngoài khi bạn đi tiểu mà không gây ra bất cứ vấn đề gì. Khi các viên sỏi phát triển lớn hơn, bệnh nhân phải đối mặt với một số triệu chứng như:

Đau bụng dưới: Khi sỏi bàng quang hình thành và lăn qua lăn lại trong bàng quang, người bệnh sẽ cảm thấy đau bụng dưới âm ỉ hoặc dữ dội.

Đau hoặc khó chịu trong dương vật ở nam giới

Hình ảnh mô tả sỏi bàng quang.

Tiểu khó, tiểu buốt hoặc gián đoạn dòng nước tiểu: Là hiện tượng tia nước tiểu tắc lại kèm theo triệu chứng đau buốt bộ phận sinh dục. Tình trạng này thường tăng khi người bệnh đi lại, vận động nhiều và giảm khi nghỉ ngơi.

Tiểu rắt, tiểu nhiều lần: Sự tồn tại của sỏi trong bàng quang có thể gây tắc nghẽn đường tiểu, từ đó gây ra hiện tượng tiểu són, tiểu nhiều lần trong ngày.

Tiểu máu hoặc nước tiểu sậm: Tình trạng nhiễm trùng tại thận, bàng quang chính là nguyên nhân khiến nước tiểu có màu đục. Khi chúng ta tiểu tiện, những viên sỏi bàng quang nhỏ có thể theo ra bên ngoài và cọ xát vào đường tiểu gây chảy máu, từ đó gây ra hiện tượng tiểu lẫn máu.

Ngay cả những người không có triệu chứng sỏi bàng quang, cũng có thể dẫn đến biến chứng, như:

Rối loạn chức năng bàng quang mạn tính: nếu không được điều trị, sỏi bàng quang có thể gây ra các vấn đề tiết niệu dài hạn, chẳng hạn như: tiểu đau hay đi tiểu thường xuyên..

Nhiễm trùng đường tiểu.

Ung thư bàng quang: sỏi bàng quang tạo kích thích mạn tính vào thành bàng quang, làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên liên hệ với bác sĩ, nếu có bất cứ triệu chứng nào bên trên, đặc biệt là khi gặp tình trạng đau bụng kéo dài, hoặc có máu trong nước tiểu. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

 

Đối tượng có nguy cơ mắc sỏi bàng quang?

Giới tính: sỏi bàng quang chủ yếu xảy ra ở nam giới.

Tuổi: sỏi bàng quang có xu hướng xảy ra ở những người từ 50 tuổi trở lên

Người mắc các bệnh: phì đại, u xơ tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo do nhiễm trùng, hay do phẫu thuật khiến bàng quang bị cản trở lối thoát.

Người có di chứng của đột quỵ, tổn thương tủy sống, bệnh Parkinson, thoát vị đĩa đệm, tiểu đường,…

 

Chẩn đoán sỏi bàng quang bằng cách nào?

Bệnh sỏi bàng quang cần được chẩn đoán sớm để có biện pháp điều trị kịp thời, tránh gây những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Thăm khám lâm sàng có thể phát hiện sỏi bàng quang bằng cách dùng ống thông sắt có tiếng chạm sỏi. Hoặc thăm trực tràng có thể sờ thấy sỏi to, khi bàng quang hết nước tiểu .

Soi bàng quang, sẽ giúp bác sĩ biết được chính xác số lượng, hình dáng, kích thước và màu sắc sỏi. Ngoài ra, còn có thể phát hiện được các nguyên nhân của sỏi bàng quang như: hẹp niệu đạo, u tuyến tiền liệt hay túi thừa bàng quang.

Chụp Xquang vùng chậu hông cho thấy có hình sỏi bàng quang. Các xét nghiệm nước tiểu cũng cho biết thêm được những thông tin cần thiết như: có hồng cầu, bạch cầu trong nước tiểu.

 

Điều trị sỏi bàng quang như thế nào?

Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser được thực hiện bằng cách dùng tia laser để “bắn phá” làm vỡ sỏi thành những viên rất nhỏ, từ đó sỏi sẽ được lấy ra ngoài. Đây là phương pháp điều trị đang ngày càng được ưa chuộng, bởi những ưu điểm nổi trội như: ít xâm lấn, hiệu quả điều trị cao, không để lại sẹo, thời gian nằm viện ngắn, phục hồi nhanh chóng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top