✴️ Thực phẩm, Môi trường và Vật dụng: Xác định và Kiểm soát các yếu tố gây kích ứng

Nội dung

THỰC PHẨM VÀ DỊ ỨNG THỰC PHẨM CÓ PHẢI LÀ NGUYÊN NHÂN GỐC CỦA BỆNH CHÀM?

Nhiều bậc cha mẹ đã chú ý hơn đến chế độ ăn uống khi tìm kiếm các phương pháp điều trị toàn diện để kiểm soát bệnh chàm của con mình. Một chủ đề tranh luận nóng hiện nay là liệu có thể xác định được thực phẩm “gây dị ứng” và tránh sử dụng ở trẻ em bị bệnh chàm hay không. Dị ứng thực phẩm được định nghĩa là một ảnh hưởng xấu đến sức khỏe luôn xuất hiện sau khi ăn một loại thực phẩm nhất định và phát sinh do phản ứng của hệ thống miễn dịch (1). Các triệu chứng dị ứng (từ thở khò khè đến sốc phản vệ) có thể xảy ra ngay lập tức hoặc vài giờ đến vài ngày sau khi ăn.

Bác sĩ và bệnh nhân có thể nhận thấy một số loại thực phẩm cụ thể có liên quan đến các đợt bùng phát bệnh chàm nặng và thường xuyên hơn. Hiện vẫn chưa rõ liệu dị ứng thực phẩm có là nguyên nhân trực tiếp gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh chàm. Bệnh chàm phát triển do nhiều yếu tố bao gồm yếu tố di truyền và môi trường; do đó, vẫn không chắc thức ăn là nguyên nhân gốc rễ. Tuy nhiên, sự thật là trẻ bị chàm thường dễ bị dị ứng thức ăn hơn trẻ không bị chàm.

 

CÁC YẾU TỐ KÍCH ỨNG CÓ THỂ LIÊN QUAN THỰC PHẨM

Khoảng 30% trẻ em bị chàm có các yếu tố kích ứng liên quan đến thực phẩm (1). Trong bệnh chàm, phát ban dạng chàm do thức ăn kích ứng thường chậm đến 2 ngày sau đó, gây khó khăn cho việc xác định thực phẩm cụ thể dẫn đến phản ứng (2). Cần lưu ý một bệnh da khác là viêm da tiếp xúc dị ứng toàn thân có thể do dị ứng thức ăn và dễ bị nhầm lẫn với bệnh chàm. Thực phẩm thường liên quan đến viêm da tiếp xúc dị ứng toàn thân là loại thực phẩm có hàm lượng niken cao (đậu, động vật có vỏ) và thực phẩm có chứa Balsam of Peru (quế, họ cam quýt và cà chua) (3). Mặc dù hiếm gặp, cũng có báo cáo 2-20% trẻ em bị bệnh chàm cũng tăng bị viêm da tiếp xúc dị ứng toàn thân với một số loại thực phẩm cụ thể.

Chàm vs. Viêm da tiếp xúc dị ứng

Ở trẻ em bị chàm mức độ trung bình hoặc nặng, mặc dù sử dụng liên tục các phương pháp điều trị tại chỗ thích hợp nhưng vẫn tiếp tục bị các đợt bùng phát, việc kiểm tra vấn đề dị ứng thực phẩm là phù hợp (5). Xét nghiệm máu kiểm tra dị ứng thông thường không có giá trị, phương pháp thường dùng là đo lường phân tử miễn dịch đặc hiệu IgE, được tạo ra ngay sau khi tiếp xúc yếu tố gây dị ứng. Tuy nhiên, trong phát ban chàm do thức ăn, phản ứng thường không phải là đáp ứng qua trung gian IgE.

Mặt khác, xét nghiệm dị ứng da và đánh giá thực phẩm qua đường ăn có thể là những lựa chọn có giá trị để xem xét ở những trẻ bị bệnh chàm nặng có nghi ngờ do thực phẩm kích ứng gây ra. Hạn chế của phương pháp đánh giá dị ứng thực phẩm bao gồm nguy cơ phản ứng dị ứng nghiêm trọng với thực phẩm khi kiểm tra bằng đường ăn uống, phương pháp này tốn thời gian và kết quả có tỷ lệ dương tính cao ngay cả khi thực sự không có dị ứng ( “dương tính giả”).

Cha mẹ không nên hạn chế một số loại thực phẩm trong khẩu phần ăn của con mình khi chưa có bằng chứng chẩn đoán xác định việc dị ứng thực phẩm cụ thể và chế độ ăn loại trừ chỉ nên được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ (6). Đã có những trường hợp trẻ bị thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng khi một số nhóm thực phẩm bị loại khỏi chế độ ăn.

Thực phẩm thường gây kích ứng trong bệnh chàm

Sữa bò.

Trứng gà.

Đậu phộng.

Lúa mì.

Đậu nành.

Hạt điều.

 

ẢNH HƯỞNG CỦA MÔI TRƯỜNG ĐẾN BỆNH CHÀM

Hút thuốc

Các bệnh lý dị ứng, bao gồm chàm, có thể bị ảnh hưởng nhiều bởi những tiếp xúc môi trường ngoài trong giai đoạn đầu đời như thuốc lá. Tiếp xúc khói thuốc lá thụ động, cả trước và sau khi sinh, có thể đóng vai trò trong sự phát triển bệnh hen suyễn, viêm mũi dị ứng và chàm ở trẻ em (9). Cha mẹ hút thuốc lá trong suốt thời kỳ con còn nhỏ có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh chàm của con. Hơn nữa, ảnh hưởng của việc tiếp xúc với khói thuốc đối với sự phát triển của bệnh chàm thậm chí có thể ảnh hưởng trong những năm ở tuổi thiếu niên của trẻ (9). Hút thuốc lá cũng có thể là một yếu tố trong sự phát triển của bệnh chàm ở bàn tay.

Các mùa và khí hậu

Bệnh chàm thường thay đổi theo mùa, các đợt bùng phát xuất hiện thường xuyên hơn vào mùa đông hoặc mùa hè so với các mùa khác có thời tiết dễ chịu hơn. Tỷ lệ mắc bệnh chàm cao hơn đáng kể và kiểm soát kém ở các vùng khí hậu nóng, ẩm, mưa nhiều với nắng gắt, trong khi tỷ lệ mắc bệnh chàm thấp hơn ở những vùng có khí hậu khô, nóng và nắng.

Một giả thuyết cho rằng thời tiết ấm và ẩm ướt dẫn đến tăng tiết mồ hôi, gây ra tác dụng kích ứng trên da. Kích ứng có thể thúc đẩy viêm. Nhiệt độ cao có thể thúc đẩy đổ mồ hôi, gây ra các cơn bùng phát do kích ứng; tuy nhiên, thời tiết lạnh cũng có thể dẫn đến bùng phát. Tiếp xúc với môi trường lạnh có thể dẫn đến các thay đổi làm kích ứng da như da khô, đóng vảy.

Có một mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa độ ẩm trong nhà và tỷ lệ mắc bệnh chàm ở trẻ em (16). Nói cách khác, độ ẩm cao có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh chàm thấp hơn và độ ẩm thấp liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh cao hơn và tăng bùng phát (17). Thời tiết cần có sự cân bằng giữa nhiệt độ và độ ẩm.

Hơn nữa, nhiệt độ, độ ẩm và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể ảnh hưởng đến hàng rào bảo vệ da (13). Điều thú vị là, các yếu tố môi trường trong nhà bao gồm nấm mốc, nước ô nhiễm, và nấm mốc từ máy tạo độ ẩm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh chàm.

Sự ô nhiễm

Trong khi các yếu tố khí hậu theo mùa có thể ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của bệnh chàm, các khía cạnh khác của môi trường, bao gồm ô nhiễm không khí, cũng có thể có vai trò nào đó (12). Các chất ô nhiễm có thể thay đổi theo mùa cùng với các yếu tố khí hậu, như nhiệt độ và độ ẩm (12). Ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm tác động chính trên da (19,20). Một ví dụ cụ thể, những người sống ở khu vực gần các cơ sở tái chế, nơi có mức độ ô nhiễm cao, có liên quan đến việc từng bị chàm (19). Da đóng vai trò là hàng rào bên ngoài cơ thể, các chất ô nhiễm không khí có thể làm tổn hại hàng rào này bằng cách gây ra các phản ứng oxy hóa (20).

Vật nuôi

Dường như có quan niệm sai về ảnh hưởng của vật nuôi trong gia đình đối với bệnh chàm ở trẻ em. Một nghiên cứu cho thấy rằng việc nuôi thú cưng trong thời gian đầu đời của trẻ không làm tăng nguy cơ mắc các bệnh dị ứng như bệnh chàm. Thậm chí còn có bằng chứng hỗ trợ tác dụng bảo vệ khỏi bệnh chàm của việc tiếp xúc với vật nuôi trong năm đầu đời của trẻ (22). Các triệu chứng bệnh chàm ở trẻ tiếp xúc với vật nuôi trong nhà trong năm đầu đời thực sự thấp hơn so với trẻ không tiếp xúc với vật nuôi.

 

CÁC BIỆN PHÁP CAN THIỆP ĐỂ TRÁNH CÁC YẾU TỐ KÍCH ỨNG

Các yếu tố kích ứng có khả năng gây ra bệnh chàm bao gồm:

Xà phòng gây kích ứng (bao gồm cả những loại làm tan dầu và mỡ), chất tẩy rửa, nước hoa.

Nhiễm trùng.

Quá nóng.

Căng thẳng tâm lý.

Thành phần gây dị ứng trong không khí: phấn hoa, cỏ, mạt bụi nhà.

Thực phẩm gây dị ứng: trứng, đậu phộng và sữa bò.

Can thiệp thực tế

Bệnh chàm được đặc trưng bởi các giai đoạn bùng phát xen kẽ với giai đoạn được kiểm soát tốt sau điều trị. Một phương pháp tiếp cận sử dụng các biện pháp phòng ngừa càng nhiều càng tốt và các biện pháp phản ứng khi bệnh chàm mất kiểm soát để giúp kiểm soát bệnh nhanh chóng trở lại. Bệnh chàm là một tình trạng phức tạp đòi hỏi nhiều hướng tiếp cận. Đôi khi bệnh chàm sẽ bùng phát mặc dù đã cố gắng hết sức để duy trì sự kiểm soát. Đây không phải là lỗi của cha mẹ hoặc người chăm sóc mà là một phần trong chu kỳ tự nhiên của một bệnh lý mãn tính như bệnh chàm.

Trong y học thay thế, như y học Ayurvedic và y học cổ truyền Trung Quốc, ở trẻ em hoặc người lớn mắc bệnh chàm có xu hướng tự nhiên dẫn đến các đợt bùng phát, điều này được ghi nhận trong y học phương Tây, Ayurvedic hoặc cổ truyền Trung Quốc, bệnh chàm sẽ có giai đoạn có thể bùng phát.

Một phần quan trọng trong việc kiểm soát bệnh chàm của trẻ là nhận biết các yếu tố kích ứng có thể dẫn đến bùng phát. Cha mẹ có thể học cách nhận biết và tránh các yếu tố kích ứng gây ra các đợt bùng phát nghiêm trọng để ngăn ngừa các đợt tái phát trong tương lai. Ghi nhật ký triệu chứng và ghi chú các yếu tố kích ứng gây ngứa dữ dội có thể giúp ích cho quá trình này.

Một điều cũng quan trọng là ghi lại các loại thực phẩm có thể gây ra đợt bùng phát. Nhật ký triệu chứng nên bao gồm thông tin thực phẩm để ghi nhận vai trò của các yếu tố dinh dưỡng. Nhớ mang theo cuốn nhật ký này khi đến gặp chuyên gia y tế hoặc bác sĩ.

Giúp trẻ tránh các chất gây kích ứng như len, axit, và các yếu tố kích ứng đã được xác định. Ý tưởng tránh mạt bụi nhà để tránh bùng phát bệnh chàm còn hạn chế về bằng chứng. Sử dụng bọc nệm để bảo vệ trẻ khỏi mạt bụi gây dị ứng là một phương pháp can thiệp có giá trị.

Các biện pháp can thiệp khác

Steroid đã bị nhìn nhận một cách bất công, chúng thực sự có hiệu quả và an toàn khi được sử dụng đúng cách. Cách sử dụng đúng của steroid là dùng khi chàm bị mất kiểm soát và sử dụng steroid tác dụng mạnh trong thời gian ngắn để giúp kiểm soát bệnh chàm. Nếu không, các đợt sử dụng steroid có thể kéo dài dẫn đến việc trẻ tăng tiếp xúc với steroid không cần thiết. Chìa khoá là phải “đánh mạnh và mạnh vào chàm” khi sử dụng steroid.

Việc thiếu kiến thức về corticosteroid và dán nhãn các mức độ tác dụng khác nhau dẫn đến chứng sợ corticosteroid. Việc tránh hoàn toàn sử dụng steroid có thể dẫn đến những chịu đựng không cần thiết cho trẻ, như ngứa và thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến tinh thần, khả năng tập trung và khả năng học của trẻ ở trường.

Chủ động dùng corticosteroid tại chỗ hai đến ba lần mỗi tuần trên các vị trí bị tổn thương trước đó có thể làm giảm số lượng các đợt bùng phát.

Dị ứng thực phẩm có thể tác động như một yếu tố khởi phát ở một nhóm những người bị bệnh chàm, nhưng dị ứng thực phẩm không phải là nguyên nhân gốc rễ của bệnh chàm. Chế độ ăn kiêng hạn chế một số thực phẩm cần được thực hiện cẩn thận. Không nên bắt đầu chế độ ăn kiêng loại trừ chỉ dựa trên sự xuất hiện của bệnh chàm.

Ăn kiêng hạn chế và kéo dài chỉ nên bắt đầu với những trường hợp dị ứng thực phẩm đã được ghi nhận có liên quan đến lâm sàng sau khi thảo luận với chuyên gia y tế có kinh nghiệm hoặc bác sĩ da liễu. Nếu không, chế độ ăn quá hạn chế ở trẻ em bị bệnh chàm có thể dẫn đến dinh dưỡng kém, sụt cân, tăng trưởng kém, thiếu canxi, và thậm chí có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể dẫn đến nhập viện.

 

 

KIỂM SOÁT LÀN DA ĐỂ GIẢM THIỂU NGUY CƠ BÙNG PHÁT TỪ CÁC YẾU TỐ KÍCH ỨNG

Thực phẩm, các yếu tố môi trường và lối sống đều có khả năng gây bùng phát bệnh chàm ở trẻ em. Nhiều yếu tố trong số này có thể thay đổi được, và việc tránh xa các yếu tố này có thể giảm thiểu đáng kể nguy cơ bùng phát. Nếu một đứa trẻ có yếu tố kích ứng đã được biết, như dị ứng thực phẩm đã được chứng minh, điều quan trọng là phải tuyệt đối tránh yếu tố kích ứng để giảm thiểu các đợt bùng phát. Tiếp xúc với khói thuốc thụ động, cả sau khi sinh và thậm chí trước khi sinh, có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh chàm cùng với mức độ nghiêm trọng và tăng tần suất bùng phát. Việc tránh khói thuốc thụ động một cách nghiêm ngặt là cực kỳ quan trọng.

Tuy nhiên, rất khó để tránh tất cả các yếu tố kích ứng đã biết, điều quan trọng là phải củng cố hàng rào bảo vệ da càng mạnh càng tốt. Khi da được dưỡng ẩm và điều trị một cách thích hợp và nhất quán, điều này có thể giúp tăng “ngưỡng kích ứng” hoặc làm cho các yếu tố kích ứng đã biết khó gây ra đợt bùng phát hơn. Tuy nhiên, khi hàng rào bảo vệ da bị tổn hại, như khi da khô, làm giảm ngưỡng này và khiến việc tiếp xúc dễ gây ra các đợt bùng phát.

Do đó, điều cần thiết là trẻ em bị bệnh chàm phải được chăm sóc da hàng ngày bằng kem dưỡng ẩm và thuốc bôi cần thiết trong các đợt bùng phát. Ngoài ra, điều quan trọng nhất là thực hiện các biện pháp để giảm căng thẳng và đảm bảo ngủ đủ giấc ở trẻ bị chàm. Những thói quen lành mạnh này có thể giúp giữ cho hàng rào bảo vệ da vững chắc và ít bị ảnh hưởng bởi các tác nhân gây bệnh chàm trong trường hợp tiếp xúc.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top