Tiêm vắc xin cho trẻ để tránh 14 loại bệnh sau đây

Nội dung

14 loại bệnh tật nguy hiểm đối với trẻ em có thể bị hạn chế hoặc loại trừ nếu như con bạn được tiêm chủng đầy đủ, đó là khuyến cáo của các chuyên gia y tế.

Bệnh bạch hầu

Phần lớn mọi người vẫn còn nhớ đây là căn bệnh đã được thanh toán từ lâu nhờ có vắc xin bạch hầu dành cho trẻ sơ sinh. Vắc xin bạch hầu thường được kết hợp trong 1 loại vắc xin bảo vệ con bạn khỏi ba loại vi khuẩn nguy hiểm gây ra bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván hoặc có trong thành phần của các vắc xin 5 trong 1 hay 6 trong 1 như Quinvaxem,  ComBE Five, Pentaxim, Infarix...

Mặc dù được coi là đã được thanh toán nhưng vi khuẩn bạch hầu vẫn có thể tồn tại và gây bệnh ở một số vùng nào đó trên thế giới. Vì vậy việc tiêm phòng vẫn là một điều vô cùng cần thiết để bảo vệ con bạn khỏi nguy cơ mắc bệnh.

Các bác sỹ khuyến cáo rằng trẻ em nên được tiêm khoảng 5 lần để đạt đủ hiệu giá miễn dịch cần thiết bảo vệ cơ thể. Thời gian tiêm của vắc xin này vào lúc 2 tháng tuổi, 4 tháng, 6 tháng, nhắc lại vào 15-18 tháng và 4-6 tuổi.

 

Ho gà

Ho gà là một bệnh lây nhiễm cực cao và có thể gây ra tử vong cho trẻ nhỏ. Ho gà là tình trạng ho dữ dội không kiểm soát được dẫn đến khó thở, thậm chí nguy hiển đến tính mạng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ chưa có miễn dịch. Các bà mẹ nên được tiêm vắc xin phòng ho gà trước khi mang thai để bảo vệ được em bé khỏi mầm bệnh. Nhưng quan trọng hơn là con bạn vẫn cần phải được tiêm vắc xin phòng bệnh sớm chứ không phải là chỉ cần những kháng thể từ mẹ truyền sang cho. Trước năm 2010, người ta ghi nhận được từ 10.000 cho đến 50.000 ca ho gà mỗi năm tại Mỹ. Sau khi vắc xin ho gà được tiêm chủng rộng rãi tại Mỹ, tỷ lệ này đã giảm xuống đáng kể.

Ở Việt Nam, hiện nay vắc xin bạch hầu, ho gà là một thành phần của vắc xin 5 trong 1 ComBE Five, được tiêm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho trẻ em. Ngoài ra, các loại vắc xin Pentaxim, Infarix được tiêm chủng dịch vụ cũng chứa thành phần vắc xin bạch hầu, ho gà.

 

Thủy đậu

Thủy đậu là một bệnh gây ra sốt và nổi những mụn nước vô cùng khó chịu cho người mắc. Một người bị thủy đậu có thể xuất hiện rất nhiều mụn nước, thậm chí có thể đến 500 mụn trên khắp cơ thể. Thủy đậu là một bệnh nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng đặc biệt là trẻ nhỏ, người lớn có miễn dịch kém, thậm chí cả những trẻ khỏe mạnh cũng có thể ốm rất nặng. Vắc xin phòng bệnh nên được tiêm sớm để giúp trẻ có sự đề kháng tối ưu.

Các bác sỹ khuyến cáo trẻ nên nhận đủ hai mũi vắc xin thủy đậu vào lúc 12-15 tháng tuổi và nhắc lại vào 4-6 tuổi để có tác dụng miễn dịch tốt nhất.

 

Rotavirus

Rotavirus là một bệnh truyền nhiễm gây ra tình trạng tiêu chảy nghiêm trọng, thường xuyên đi kèm với việc nôn, sốt, đau bụng đặc biệt là ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Trẻ con bị nhiễm virus có thể gây ra tình trạng mất nước đặc biệt nghiêm trọng và cần được điều trị tại bệnh viện. Nếu không được nhận sự chăm sóc y tế đặc biệt trẻ có thể tử vong do mất nước. Vắc xin phòng chống rotavirus là vắc xin đầu tiên mà trẻ sơ sinh nên được tiêm, đó là cách tốt nhất để bảo vệ con bạn khỏi bị bệnh.

Tùy thuốc vào nhãn hiệu vắc xin mà con bạn có thể được nhận hai hay ba mũi để được bảo vệ một cách toàn diện. Hai tháng tuổi là thời điểm con bạn nên được nhận mũi vắc xin đầu tiên. Với cả hai loại vắc xin thì mũi thứ hai là vào lúc 4 tháng và nếu như trẻ cần thêm mũi thứ ba thì đó là lúc 6 tháng.

 

Bệnh do phế cầu khuẩn

Những bệnh khi nhiễm phế cầu có thể gây ra đó là nhiễm trùng tai, nhiễm trúng xoang, viêm phổi và thậm chí là cả viêm màng não - rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Mầm bệnh có thể xâm chiếm rất nhiều bộ phận cơ thể như ở não, tủy sống (những nơi hoàn toàn vô trùng). Hãy đảm bảo là con bạn được bảo vệ bởi vắc xin chống lại phế cầu khuẩn.

Bác sỹ khuyến cáo trẻ nên được nhận đủ bốn mũi vắc xin phế cầu liên hợp (hay còn gọi là  PVC13) để có hiệu quả tốt nhất. Lịch tiêm chủng vắc xin này là : 2 tháng tuổi, 4 tháng, 6 tháng và nhắc lại khi trẻ từ 12-15 tuổi.

 

Quai bị

Quai bị là một căn bệnh được biết đến là nguyên nhân gây ra viêm tuyến nước bọt dẫn đến sưng má và sưng hàm. Các triệu chứng khác của quai bị là sốt, đau đầu đau cơ và mệt mỏi. Quai bị là một bệnh truyền nhiễm và không có phương pháp điều trị đặc hiệu. Ngày nay vẫn có rất nhiều người mắc ở khắp nơi trên thế giới.

Vắc xin MMR giúp bảo vệ bạn và gia đình bạn khỏi ba căn bệnh đó là sởi, quai bị và rubella. Hiệu quả bảo vệ tốt nhất khi mọi người được tiêm đủ hai lần vào lúc 12-15 tháng tuổi và nhắc lại vào lúc 4-6 tuổi.

 

Bệnh sởi

Bạn có biết rằng chỉ cần trong phòng có một trẻ bị sởi thì con bạn cũng có nguy cơ cao mắc loại bệnh này, thậm chí ngay cả khi trẻ mắc bệnh rời khỏi căn phòng đó sau 2 tiếng. Sởi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với trẻ nhỏ. Sởi là một bệnh truyền nhiễm phổ biến, do chúng rất dễ lây lan giữa người với người. Những ông bố bà mẹ không được tiêm vắc xin sởi nên được cách ly cho đến khi nào con của họ được tiêm vắc xin sởi để đảm bởi sự tiếp xúc tối thiểu của con trẻ với người có nguy cơ cao.

Vắc xin MMR giúp bảo vệ con bạn khỏi bệnh sởi. Trẻ em nên được tiêm vắc xin vào khoảng sinh nhật tròn 1 tuổi với hai mũi vắc xin, mỗi mũi cách nhau tối thiểu 28 ngày.

Hiện nay, ở Việt Nam, vắc xin sởi được tiêm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho trẻ em. Từ năm 2014,  vắc xin sởi đã chính thức được tiêm cho trẻ từ 1 đến dưới 18 tuổi trong mũi tiêm kết hợp Sởi - Rubella của Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

 

Hib

Vi khuẩn Hib (Heamophilus influenza typ B) là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh. Hib có thể phá hủy hệ thống miễn dịch của trẻ và là nguyên nhân gây ra tổn thương cho não, thính lực, và thậm chí là tử vong ở trẻ nhỏ (trẻ dưới 5 tuổi). Nhờ có vắc xin phòng Hib, chúng ta được bảo vệ khỏi những bệnh nguy hiểm do Hib gây ra. Trước khi có vắc xin, mỗi năm có 20.000 trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng do Hib, thậm chí là có 1/20 ca mắc Hib được điều trị nhưng vẫn tử vong do bị viêm màng não.

Hãy bảo vệ con bạn bởi những căn bệnh nguy hiểm do Hib gây ra bằng vắc xin. Bác sỹ khuyến cáo con bạn cần tiêm tối thiểu là 3 lần vào lúc 2 tháng, 4 tháng, 6 tháng (tùy từng loại vắc xin) và nhắc lại vào lúc 12 đến 15 tháng.

Ở Việt Nam, trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, vắc xin Hib là một thành phần trong vắc xin ComBE Five (5 trong 1), tiêm cho các bé lúc 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng và nhắc lại vào lúc 15 đến 18 tháng. Các vắc - xin dịch vụ như Pentaxim, Infarix cũng có thành phần vắc xin Hib.

 

Rubella

Rubella lây lan từ ho và hắt hơi. Rubella đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ có thai và với thai nhi. Bệnh gây ra sảy thai hoặc trẻ có thể tử vong sau khi sinh hoặc gây dị dạng thai nhi, hãy đảm bảo là cả bạn và con bạn đều có miễn dịch chống lại rubella.

Bác sỹ khuyến cáo trẻ em nên được nhận hai mũi vắc xin Rubella và được nhắc lại vào lúc 12-15 tháng và 4-6 tuổi.

Hiện nay, ở Việt Nam, trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, từ năm 2014,  vắc xin Rubella đã chính thức được tiêm cho trẻ từ 1 đến dưới 18 tuổi trong mũi tiêm kết hợp Sởi - Rubella.

 

Viêm gan A

Vắc xin viêm gan A ra đời từ những năm 1995 và đã làm giảm số ca mắc bệnh một cách ấn tượng. Viêm gan A là một bệnh viêm gan lây truyền từ người nay qua người khác thông qua việc tiếp xúc với thực phẩm và nguồn nước bị nhiễm mầm bệnh. Vắc xin viêm gan A là một cách hữu hiệu đẻ bảo vệ con bạn khỏi viêm gan A.

Bác sỹ khuyến cáo rằng trẻ em nên được tiêm hai mũi viên gan A, mũi đầu tiên vào lúc 12 - 23 tháng và mũi thứ hai sau mũi đầu tiên từ 6 đến 18 tháng.

 

Viêm gan B

Bạn có biết mỗi năm có khoảng 78.000 người chết mỗi năm do các biến chứng của viêm gan B. Viêm gan B lây truyền thông qua dịch tiết của cơ thể, nhưng nó có thể sống đấn 7 ngày trong môi trường tự nhiên mà không cần đến vật chủ. Người mẹ không biết mình có nhiễm viêm gan B không rất nguy hiểm vì có thể bệnh sẽ lây sang cho thai nhi. Cứ 9 trên 10 trẻ bị lây viêm gan từ mẹ đều chuyển sang tình trạng viêm gan mạn tính đó là lý do tại sao mà trẻ nên được tiêm viêm gan B càng sớm càng tôt ngay sau khi sinh, trước khi rời bệnh viện về nhà. Hãy đảm bảo việc con bạn được tiên phòng viêm gan B để bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh nguy hiểm này.

Vắc xin viêm gan B được khuyến cáo tiêm cho trẻ ngay sau khi sinh, mũi thứ hai là sau khi sinh 1-2 tháng và mũi thứ ba sau đó 6 tháng.

Ở Việt Nam, Vắc xin viêm gan B đã chính thức trở thành 1 trong những vắc xin của Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em từ năm 1997.

 

Bệnh cúm

Cúm là tình trạng bệnh xảy ra khi nhiễm trùng đường hô hấp do virus influenza gây ra. Mỗi người có những biểu hiện cúm khác nhau tùy thuộc vào hệ miễn dịch, tuổi, và tình trạng sức khỏe. Cúm ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em ở bất cứ độ tuổi nào. Các triệu chứng của cúm bao gồm: ho, sốt, đau nhức, mệt mỏi, nôn, tiêu chảy chưa kể đến, có rất nhiều trẻ em phải nhập viện điều trị cúm và tử vong do các biến chứng của cúm.

Biến chứng hay gặp nhất của cúm đó là viêm phổi, điều này thực sự rất nguy hiểm bởi trẻ dưới 6 tháng tuổi rất dễ mắc cúm nhưng lại chưa đủ tuổi để tiêm vắc xin. Cách tốt nhất để bảo vệ cho trẻ sơ sinh đó là người mẹ phải được tiêm phòng cúm trước khi mang thai và những người chăm sóc hoặc thân cận với trẻ cũng phải được tiêm phòng cúm. Trẻ lớn hơn 6 tháng tuổi sẽ được tiêm phòng vắc xin cúm mỗi năm để bảo vệ bản thân trẻ và những người xung quanh.

Bác sỹ khuyến cáo khi trẻ được 6 tháng tuổi bạn nên cho trẻ đi tiêm phòng vắc xin cúm và tiêm nhắc lại vào mỗi năm. Trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi chưa từng tiêm vắc xin cúm sẽ cần tới hai mũi vắc xin trong lần tiêm đầu tiên để có hiệu qủa bảo vệ tối ưu.

Bà mẹ chuẩn bị mang thai, người lớn hay mắc bệnh hô hấp, người cao tuổi cũng nên tiêm Vắc xin Cúm hàng năm. 

 

Uốn ván

Uốn ván gây ra tình trạng căng cứng cơ cơ bắp và tình trạng đau đớn, sau đó bệnh nhân tử vong do liệt các cơ hô hấp. Vi khuẩn uốn ván xâm nhập qua vết cắt, cứa, chấn thương do kim loại vào máu và gây bênh cho toàn cơ thể. Vắc xin phòng chống uốn ván được tích hợp trong vắc xin có tên gọi là DTaP có thể phòng một lúc ba bệnh đó là bạch hầu, ho gà, uốn ván.

Các bà mẹ mang thai nên tiêm vắc xin phòng uốn ván theo chỉ định của bác sỹ.

 

Bại liệt

Là bệnh truyền nhiễm gây ra liệt và tử vong do nhiễm virus polio. Virus có thể truyền từ người này qua người khác và xâm nhập vào não và tủy sống của một người. Bại liệt hầu như đã được thanh toán trên phạm vi toàn thế giới nhờ có chiến dịch tiêm chủng mở rộng. Nhưng vẫn có một số vùng lãnh thổ vẫn còn tồn tại mầm bệnh này nên con bạn vẫn cẩn phải được tiêm chủng.

Ở Việt Nam, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã sử dụng vắc xin bại liệt đường uống OPV 3 tuýp  1,2 và 3 (tOPV) từ năm 1987. Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận thanh toán bệnh bại liệt trên toàn quốc vào năm 2000. Tháng 9/2015, Tổ chức Y tế thế giới công bố thanh toán vi rút bại liệt hoang dại týp 2 trên toàn cầu vì vậy thành phần típ 2 trong vắc xin không thực sự còn cần thiết nữa và cũng là để giảm thiểu nguy cơ gây liệt dù rất thấp của bại liệt týp 2 có trong vắc xin. Cùng với các nước khác trên thế giới, Việt Nam cũng quyết định dừng sử dụng vắc xin bại liệt uống 3 týp và chuyển sang sử dụng vắc xin bại liệt uống 2 týp (loại bỏ típ 2) trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Lịch uống vắc xin bại liệt 2 típ (bOPV) tương tự như đối với vắc xin bại liệt uống (tOPV) trong tiêm chủng mở rộng đã được triển khai từ những năm trước đây, cụ thể mỗi trẻ sẽ được uống 3 lần vắc xin bOPV lúc 2, 3, 4 tháng tuổi cùng với tiêm vắc xin 5 trong 1.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top