✴️ Điều trị viêm giác mạc do herpes

Nội dung

1. Nguyên tắc điều trị

Viêm giác mạc uống thuốc gì? điều trị viêm giác mạc mắt như thế nào?

Viêm giác mạc do nhiều căn nguyên gây ra khác nhau và có nhiều dạng, trong đó có viêm giác mạc do vi khuẩn, viêm giác mạc do nấm, hay viêm giác mạc do herpes…Với mỗi loại tác nhân khác nhau lại có cách điều trị và dùng thuốc khác nhau.

Bệnh nhân bị viêm giác mạcBệnh nhân bị viêm giác mạc (nguồn: internet)

Viêm giác mạc mắt do herpes là bệnh do virus gây ra với các biểu hiện đau nhức mắt, loét giác mạc, viêm giác mạc hình đĩa, viêm nhu mô kẽ, viêm màng bồ đào…Do đó, để điều trị, cần tiêu diệt virus và điều trị các dấu hiệu viêm, loét. Cụ thể:

  • Dùng thuốc ức chế tổng hợp acid nhân của virus với đường dùng: tra hoặc uống.
  • Sử dụng phối hợp các thuốc chống viêm, dùng kháng sinh để chống bội nhiễm.
  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, nước và điện giải.
  • Xử trí và điều trị biến chứng.

Viêm giác mạc chấm

Viêm giác mạc chấm hay còn gọi là viêm giác mạc đốm, do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, có thể gặp trong các bệnh nhân bị khô mắt, hở mi và nhiễm độc, hay khi bệnh nhân nhiễm virus như adeno hay herpes.

Viêm giác mạc chấm bao lâu thì khỏi là thắc mắc của không ít bệnh nhân.

Để biết viêm giác mạc điều trị bao lâu cần dựa vào nguyên nhân gây bệnh.

  • Viêm giác mạc do virus adeno thì bệnh thường nhẹ, có thể tự lành và không để lại nhiều ảnh hưởng cho mắt sau này.
  • Viêm giác mạc chấm do virus herpes: nếu không điều trị dứt điểm rất dễ bị tái phát, tái phát nhiều lần làm bệnh trở nên nặng hơn và để lại những biến chứng xấu cho mắt.
  • Viêm giác mạc do bệnh khô mắt, hở mi, nhiễm độc: chỉ cần điều trị dứt điểm thì sẽ ngăn không cho bệnh tái phát trở lại.

Như vậy, về thời gian điều trị, viêm giác mạc chấm do herpes có thời gian điều trị lâu hơn và dễ bị tái phát hơn so với các dạng còn lại.

2. Thuốc điều trị

Thuốc điều trị viêm giác mạc mắt được phân loại tùy theo dạng điều trị

Điều trị đặc hiệu

Có 2 dạng dùng thuốc

Thuốc tra mắt

Dùng 1 trong số các thuốc:

  • Acyclovir 3%: tra mắt 5 lần/ ngày.
  • IDU (5 Iodo 2 Dezoxyuridin): thuốc có dạng nước hoặc mỡ. Do thuốc không ngấm sâu vào giác mạc nên thường được dùng khi có tổn thương nông. Tra thuốc 5 lần/ngày (không nên dùng quá 15 ngày do có thể gây độc biểu mô giác mạc).
  • TFT (Trifluoro Thymidin): dạng nước hoặc mỡ. Thuốc có khả năng ngấm sâu, nhanh vào giác mạc. Tra mắt 5 lần/ngày.

Nhỏ thuốc nhỏ mắt điều trị viêm giác mạc

Nhỏ thuốc nhỏ mắt điều trị viêm giác mạc (ảnh minh họa)

Thuốc uống

Acyclovir viên 200 mg (thường dùng hơn) , 800mg. uống ngày 5 viên chia 5 lần trong 7-10 ngày.

Điều trị bổ sung

  • Chống bội nhiễm vi khuẩn: tra mắt bằng các kháng sinh phổ rộng như tobramycin, ofloxacin: tra mắt 5 lần/ngày
  • Thuốc giãn đồng tử, liệt cơ thể mi: tra atropin 1-4% (khi có phản ứng màng bồ đào).
  • Thuốc chống viêm steroid: dùng trong các trường hợp Viêm giác mạc hình đĩa hay Viêm nhu mô kẽ khi có phản ứng màng bồ đào. Thuốc corticoid dùng dạng tra mắt,thận trọng khi sử dụng và giảm dần liều khi bệnh có dấu hiệu giảm bớt.
  • Điện di dionin: giúp làm giảm thẩm lậu và hạn chế hình thành sẹo giác mạc.
  • Tăng bổ sung dinh dưỡng

Điều trị chống tái phát

Dùng liều acyclovir 200 mg ngày uống 4 viên chia 2 lần trong 1 đến 2 năm để phòng tái phát.

Bên cạnh dùng thuốc, bệnh nhân cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh, vệ sinh sạch sẽ để hạn chế nguy cơ tái phát bệnh.

Chữa viêm giác mạc tại nhà

  • Để chữa khỏi và dứt điểm viêm kết mạc, người bệnh cần tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị mà bác sĩ đã kê, lưu ý dùng đúng loại thuốc, đúng liều và thời gian sử dụng.
  • Dùng một số biện pháp giúp làm giảm các cơn đau mắt, làm dịu mắt hơn bằng các phương pháp dễ thực hiện tại nhà như chườm bên ngoài mắt bằng khăn lạnh, trà đen túi lọc, chườm trà hoa cúc túi lọc, dưa chuột…
  • Trong quá trình điều trị viêm giác mạc tại nhà, không cần kiêng ăn loại thực phẩm nào, chỉ cần đảm bảo nấu chín thực phẩm trước khi sử dụng.
  • Hạn chế đồ uống có cồn và các chất kích thích.
  • Sử dụng nước muối sinh lý để rửa mắt thường xuyên, để mắt nghỉ ngơi, hạn chế để mắt phải điều tiết nhiều như ngồi nhiều trước màn hình tivi, máy tính, chơi game,…

3. Cách vệ sinh và chăm sóc mắt bị bệnh

Với bệnh nhân bị viêm giác mạc, dù là điều trị viêm giác mạc mắt tại nhà hay tại bệnh viện, vấn đề vệ sinh và chăm sóc mắt rất quan trọng, giúp hạn chế các biến chứng nặng như mù lòa, rách giác mạc… và đẩy nhanh quá trình khỏi bệnh.

  • Hạn chế sử dụng kính áp tròng, vệ sinh kính sạch sẽ bằng các dung dịch chuyên dụng, vô khuẩn, không đeo kính áp tròng trong thời gian dài, vệ sinh tay sạch sẽ trước khi đeo kính
  • Tránh để nhiễm bẩn vào mắt, không đi bơi ở bể bơi công cộng, đi lại nơi có nhiều bụi bẩn cần đeo kính bảo vệ
  • Không dụi mắt, chạm tay vào mắt khi tay bẩn
  • Khi có dị vật bay vào mắt, không lấy tay dụi mắt, nên nhúng mắt vào nguồn nước sạch và chớp mắt nhiều lần để đẩy dần dị vật ra
  • Rửa mắt, tra thuốc theo chỉ định của bác sĩ, sử dụng đúng cách, không tự ý sử dụng thuốc tra mắt. Rửa mắt bằng nước muối sinh lý, nhỏ nhiều giọt liên tục, chớp mắt nhiều lần để nước chảy dần ra bên khóe mắt, dùng khăn hứng và thấm sạch, không để nước rửa vướng vãi ra xung quanh. Khi tra mắt bằng thuốc, hạn chế chớp mắt để tăng thời gian lưu của thuốc trên mắt, giúp tăng hiệu quả điều trị.

4. Theo dõi và tái khám 

Bệnh nhân cần lưu theo dõi tình trạng bệnh và tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Sau khi khỏi bệnh, khi thấy bất kì các dấu hiệu bất thường của mắt như đau, ngứa mắt, mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt, mắt nhìn mờ hay cộm… thì cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám cụ thể và có biện pháp điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top