✴️ Tiếp cận sốt ở trẻ em

1. ĐỊNH NGHĨA

- Sốt là tình trạng tăng nhiệt độ của cơ thể lên mức giới hạn bình thường của mỗi cá thể.

- Sốt khi nhiệt độ hậu môn > 38°C hoặc nhiệt độ nách, trán >37,5°C.

- Khi nhiệt độ >40°C gọi là sốt rất cao, > 41°C gọi là sốt nguy kịch.

- Sốt kéo dài chưa rõ nguyên nhân khi sốt >14 ngày.

- Sốt co giật lành tính: thường gặp từ 6 tháng - 6 tuổi, cơn co giật toàn thể, ngắn < 5 phút, sau cơn giật thì tỉnh táo, không có dấu thần kinh khu trú.

 

2. NGUYÊN NHÂN

- Sốt có dấu hiệu chỉ điểm, thường gặp là đường hô hấp, sốt xuất huyết, tay chân miệng, nhiễm trùng tiêu hóa. Một số dấu hiệu chỉ điểm khác cũng có thể phát hiện như trong viêm màng não, viêm khớp …

- Sốt không tìm thấy dấu hiệu chỉ điểm:

  • < 3 tháng: 40-60% là do siêu vi, 10-15% có nguy cơ nhiễm khuẩn huyết
  • 3 tháng - 36 tháng: phần lớn là nhiễm siêu vi, thường tự hết, 1 - 2% có nguy cơ nhiễm khuẩn nặng.

- Sốt kéo dài chưa rõ nguyên nhân

- Sốt nguy kịch: thường do tổn thương vùng hạ đồi (xuất huyết não, tổn thương hệ thần kinh) hoặc do tăng tạo nhiệt. Những trường hợp này chuyển ngay phòng cấp cứu khoa Khám bệnh hoặc khoa Cấp cứu chống độc để xử trí kịp thời.

 

3. KHÁM BỆNH

3.1. Bệnh sử

* Đặc điểm sốt:

- Xác định sốt: ai đo, nhiệt kế loại nào, vị trí đo, lúc nào.

- Tính chất sốt có thể gặp:

+ Sốt dao động: gia tăng theo nhịp ngày đêm.

+ Sốt liên tục: hằng định, dao động <0,5°C trong ngày.

+ Sốt liên tục dao động: hằng định nhưng dao động > 0,5°C trong ngày.

+ Sốt cơn: có lúc về bình thường.

* Triệu chứng đi kèm:

- Các cơ quan: hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, thần kinh, tai mũi họng,…

- Toàn thân: ớn lạnh, đổ mồ hôi, chán ăn, lừ đừ, bứt rứt, co giật.…

3.2. Tiền sử

- Sản khoa

- Tiêm chủng

Bệnh tật:

+ Nhiễm trùng các cơ quan

+ Các bệnh có sốt, bệnh mạn

+ Cơ địa co giật, từng đặt ống trong cơ thể

+ Dùng thuốc hạ sốt, kháng sinh, kháng viêm

- Dịch tễ các bệnh địa phương cư trú (sốt rét, sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm,…)

- Du lịch

3.3. Khám thực thể: khám toàn diện tất cả các cơ quan.

3.4. Xét nghiệm

- Sốt có dấu hiệu chỉ điểm: xét nghiệm tùy theo nguyên nhân nghĩ đến.

- Sốt không tìm thấy dấu hiệu chỉ điểm và trẻ < 5 tuổi, không có các nguy cơ bệnh nặng phải nhập viện ngay.

Các chỉ định xét nghiệm cần thiết:

+ Công thức máu, CRP

+ Sinh hóa máu, Điện giải đồ

+ Tổng phân tích nước tiểu

+ X-quang ngực thẳng, Nsoi Tai mũi họng

+ Soi dịch đờm, Soi phân (khi có tiêu chảy)...

+ Cấy máu, nước tiểu...

 

4. TIÊU CHUẨN NHẬP VIỆN

- Trẻ sốt cao có nguy cơ co giật hoặc giật.

- Trẻ sốt cao liên tục, không đáp ứng với thuốc hạ sốt.

- Trẻ sốt không rõ nguyên nhân.

- Trẻ sốt kèm theo bệnh lí khác...

 

5. ĐIỀU TRỊ

5.1. Hạ sốt

- Paracetamol: 15 mg/kg/lần uống hoặc đặt hậu môn 4-6 giờ khi nhiệt độ >38,5°C hoặc Ibuprofen: 5-10 mg/kg/lần uống / 6 giờ khi nhiệt độ >38,5°C.

- Nếu trẻ sốt > 39°C, có thể lau cơ thể trẻ (nách, cổ, bẹn...) bằng nước ấm. Kiểm tra thân nhiệt sau 30-60 phút, ngưng lau cơ thể trẻ khi nhiệt độ <38,5°C.

5.2. Điều trị theo nguyên nhân (nếu trẻ có thể điều trị ngoại trú).

5.3. Xử trí ban đầu biến chứng co giật

- Nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến phòng cấp cứu.

- Thở oxy, đảm bảo thông thoáng đường thở.

- Seduxen hoặc midazolam thụt hậu môn.

- Thiết lập đường truyền, lấy máu làm các xét nghiệm cần thiết, chuyển sang tiêm tĩnh mạch midazolam hoặc sedexen nếu sau 5-10 phút còn co giật.

- Hoàn tất hồ sơ nhập viện khi tình trạng co giật ổn định.

 

6. ĐIỀU TRỊ NGOẠI TRÚ NẾU TRẺ

- Sốt <38.5°C và:

+ Toàn trạng tốt.

+ Dễ tái khám, dễ theo dõi.

+ Không tiền sử co giật, sinh non, dùng kháng sinh trước đó.

+ Các XN cận lâm sàng trong giới hạn bình thường:

- Bạch cầu máu từ 4- 11 G/l, BCĐNTT< 70%.

- XN nước tiểu, XN phân (nếu có): không có nhiễm khuẩn nặng.

- X-quang, TMH (nếu có): không có tình trạng viêm nhiễm nặng.

 

7. PHÒNG BỆNH

- Sốt là một triệu chứng chứ không phải bệnh. Biểu hiện lâm sàng là quan trọng, tiên lượng diễn biến cơn sốt để người nhà bệnh nhân yên tâm.

- Cần theo dõi sát trẻ trong 72 giờ, tái khám sau 1 ngày và khám lại ngay khi có bất kì dấu hiệu bất thường nào.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top