✴️ Trẻ bị rối loạn giấc ngủ biểu hiện như thế nào?

1. Rối loạn giấc ngủ ở trẻ là gì?

Rối loạn giấc ngủ ở trẻ được mô tả là một giai đoạn khi trẻ đang ngủ đột nhiên thức dậy nhiều vào ban đêm, hoặc ngủ ngắn hơn mà không có lý do rõ ràng. Giai đoạn này thường kéo dài trong vòng một tháng, một số trường hợp kéo dài tới vài tháng.

Đối với từng độ tuổi, nhu cầu về thời gian ngủ của trẻ sẽ khác nhau:

– Đối với trẻ sơ sinh thì có thể kéo dài từ 18 – 20 giờ mỗi ngày. Giấc ngủ ở trẻ sơ sinh cũng không theo quy luật, thường ngủ vào ban ngày nhiều hơn so với ban đêm.

– Trẻ dưới 6 tháng: Lúc này, trẻ đã bắt đầu hình thành chu kỳ thức – ngủ, giấc ngủ đêm có thể kéo dài từ 9 – 11 tiếng rưỡi. Giấc ngủ ngày ngắn hơn, chỉ khoảng 3 – 5 tiếng rưỡi.

– Trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi: Trẻ ngủ theo nhu cầu và nhịp sinh học, giấc ngủ ban ngày giảm xuống chỉ còn 1 – 2 giấc. Tổng số thời gian ngủ trong ngày chỉ khoảng 14 tuổi.

– Trẻ từ 18 tháng: Thời điểm này, trẻ ít có nhu cầu ngủ vào ban ngày, chỉ ngủ một giấc vào buổi trưa.

– Trẻ từ 2 – 5 tuổi: Đây là thời điểm trẻ bắt đầu khám phá thế giới xung quanh, hầu như rất ít ngủ vào ban ngày và có thể tự ngủ vào ban đêm.

Tuy nhiên, nếu do một nguyên nhân nào đó khiến trẻ ngủ ít hơn số thời gian này hoặc thức cả ngày lẫn đêm thì đồng nghĩa với việc trẻ đang phải đối mặt với tình trạng rối loạn giấc ngủ.

Rối loạn giấc ngủ ở trẻ là gì

Rối loạn giấc ngủ có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và cảm xúc của trẻ

 

2. Trẻ bị rối loạn giấc ngủ biểu hiện như thế nào?

Khi trẻ xuất hiện các biểu hiện sau, hay suy nghĩ ngay tới việc trẻ bị rối loạn giấc ngủ:

– Sụp mí mắt

– Ngáp nhiều, hay ngủ gật

– Chơi đùa ít, giảm linh hoạt

– Mệt mỏi, lờ đờ

Ngoài ra, trẻ bị rối loạn giấc ngủ biểu hiện theo nhiều kiểu khác nhau như: Xuất hiện cơn ngừng thở kèm ngáy khi ngủ, ngủ ngày quá nhiều, mộng du, mất ngủ, cơn hoảng sợ vào ban đêm… Đặc biệt, cơn hoảng sợ vào ban đêm và mộng du là hai biểu hiện phổ biến nhất.

2.1. Trẻ bị rối loạn giấc ngủ biểu hiện mộng du

Mộng du là tình trạng rối loạn giấc ngủ phổ biến khi trẻ đột ngột choàng dậy từ giấc ngủ sâu. Lúc này, trẻ có thể làm một số động tác đơn giản như ngồi tại giường, thậm chí phức tạp hơn như: đi lại, mặc quần áo, ăn uống. Mộng du có thể xảy ra vào khoảng 1 đến 2 tiếng sau khi ngủ, trong cơn miên man, trẻ mặc dù mở mắt nhưng nói chuyện với trẻ thì không thể hiểu được.

Mộng du thường kéo dài dưới 30 phút, sau đó trẻ tiếp tục ngủ và sáng ra khi ngủ dậy trẻ sẽ không nhớ gì vào đêm qua. Tình trạng mộng du khá phổ biến, có khoảng 10 – 15% trẻ từ 5 – 12 tuổi xuất hiện cơn mộng du, ở bé nam nhiều hơn bé nữ.

Trẻ bị rối loạn giấc ngủ biểu hiện như thế nào?

Mộng du là biểu hiện phổ biến ở trẻ bị rối loạn giấc ngủ

2.2. Trẻ bị rối loạn giấc ngủ biểu hiện ở cơn hoảng sợ vào ban đêm

Cơn hoảng sợ vào ban đêm thường xảy ra ở trẻ nhỏ từ 1 đến 8 tuổi và có thể kèm theo mộng du. Cơn hoảng sợ cũng xuất hiện theo thời gian tương tự như mộng du.

Khi gặp cơn hoảng sợ vào ban đêm, trẻ sẽ có những biểu hiện như: Đột nhiên ngồi dậy, vùng vẫy la hét, khóc lóc sau khi đã ngủ được một thời gian. Trẻ biểu lộ sự căng thẳng, sợ hãi, bồn chồn, mắt mở to nhưng vẫn như đang thiếp ngủ, mẹ khó có thể dỗ dành trẻ hoặc đánh thức cho trẻ tỉnh hẳn. Cơn hoảng sợ có thể kéo dài khoảng 15 phút, sau đó trẻ sẽ lại ngủ thiếp đi và sáng hôm sau tỉnh dậy không nhớ gì về đêm qua.

 

3. Làm thế nào để phòng ngừa rối loạn giấc ngủ ở trẻ?

Như đã đề cập phía trên, trẻ bị rối loạn giấc ngủ biểu hiện theo nhiều cách khác nhau. Do vậy, các bậc phụ huynh cần để ý và theo dõi để sớm nhận biết và có hướng điều trị phù hợp. Ngoài ra, để phòng ngừa rối loạn giấc ngủ ở trẻ, phụ huynh cũng có thể áp dụng một số phương pháp như:

– Hạn chế cho trẻ nằm giường cao, không để các vật sắc nhọn hay dễ vỡ gần giường tủ

– Đóng chặt lối đi ở cầu thang, cửa nhà và cửa sổ và ban đêm để trẻ không ra khỏi nhà

– Vỗ về, an ủi, giúp trẻ trở lại giấc ngủ khi trẻ trải qua cơn mộng du hay hoảng sợ vào ban đêm,

– Đối với trẻ thường xuyên bị rối loạn giấc ngủ, cần ghi chép lại khoảng thời gian trẻ bắt đầu ngủ đến khi xuất hiện cơn mộng du hay hoảng sợ vào ban đêm trong một tuần để tìm ra quy luật. Sau đó chủ động đánh thức trẻ dậy trước khi xuất hiện các biểu hiện khoảng 15 phút. Để trẻ tỉnh khoảng 5 phút sau đó cho ngủ tiếp.

– Sử dụng thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ trong trường hợp bệnh nặng hơn.

Phòng ngừa rối loạn giấc ngủ ở trẻ

Phụ huynh nên chú ý theo dõi trẻ để chủ động phòng ngừa tình trạng rối loạn giấc ngủ xảy ra

Tóm lại, trẻ bị rối loạn giấc ngủ biểu hiện sẽ rất khác nhau. Để đảm bảo sức khỏe của bé, người nhà nên chủ động đưa bé đến thăm khám tại các chuyên khoa ngay khi có những dấu hiệu nghi ngờ để được chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị phù hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top