✴️ Trẻ sốt phát ban: Tổng quan và cách xử trí

Khái niệm sốt phát ban ở trẻ

Sốt phát ban ở trẻ là tình trạng hay gặp ở trẻ trong độ tuổi từ 6 – 36 tháng tuổi. Thời gian này trẻ có sức đề kháng kém, dễ bị virus tấn công gây tình trạng nổi ban đỏ như virus sởi, virus Rubella (bệnh sởi Đức) hoặc virus đường ruột ECHO gây ra.

Người lớn chưa từng bệnh nếu tiếp xúc với trẻ bị sốt phát ban có thể sẽ ảnh hưởng về sau. Tuy nhiên, đối với người lớn khỏe mạnh, bệnh sẽ không nặng.

Nếu không bị phát ban hoặc chỉ sốt nhẹ, bạn vẫn có nguy cơ nhiễm virus qua con cái của mình và các thành viên khác trong gia đình thông qua dịch tiết hô hấp hoặc nước bọt. Tuy nhiên, đối với người lớn khỏe mạnh, bệnh sẽ không nặng.

Dấu hiệu nhận biết trẻ sốt phát ban

Trước khi bị sốt phát ban, trẻ thường có biểu hiện quấy khóc. Sau đó, trẻ có biểu hiện sốt. Bố mẹ có thể biết con bị sốt phát ban khi trẻ xuất hiện các triệu chứng sốt nhẹ 37,5 °C -38 °C hoặc sốt cao đến 39,4 °C.

Với từng loại nguyên nhân gây sốt phát ban thì lại có các biểu hiện sốt khác nhau:

Các nốt phát ban đỏ do virus sởi gây ra: trẻ có các triệu chứng sốt, nốt ban nổi khi sốt giảm dần. Ban đầu nốt sởi sẽ xuất hiện ở sau tai, sau đó lan ra mặt, lan dần xuống ngực, bụng và ra toàn thân trẻ. Sau đó ban sởi lặn mất theo thứ tự xuất hiện. Các nốt ban sởi là dạng ban sẩn, khi biến mất sẽ để lại những vết thâm trên da đặc trưng. Trẻ bị sốt phát ban dạng này có thể có các triệu chứng khác kèm theo như chảy nước mũi, ho, đỏ mắt. Cha mẹ cần chú ý virus sởi này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ như biến chứng về viêm phổi, viêm não do virus.

Các nốt phát ban đỏ do virus rubella gây ra (còn gọi là ban đào): Loại phát ban này ban đầu xuất hiện ở mắt sau đó lan dần xuống dưới chân, thời gian phát kéo dài trong khoảng 3 ngày. Loại ban này thường dày hơn ban sởi. Trẻ có thể có dấu hiệu kèm theo như tình trạng sưng hạch sau tai, hạch cổ, một số trẻ sẽ có triệu chứng đau khớp. Tình trạng sốt phát ban này được xem là lành tính đối với trẻ, không gây ra biến chứng hay nguy hiểm như sốt phát ban sởi trên.

Thời gian ủ bệnh sốt phát ban trung bình khoảng 1 tuần, tùy vào thể trạng và nguyên nhân gây ra bệnh ở trẻ. Khi tình trạng sốt giảm thì trẻ bắt đầu xuất hiện các nốt phát ban trên người, thông thường là một đến vài ngày từ khi trẻ có biểu hiện sốt. Lúc này, trẻ sẽ có các biểu hiện khác kèm theo như tiêu chảy, hoặc phân hơi lỏng. Ban thường lan từ mặt xuống cổ, ngực, bụng và các chi hình thành các bọc nước màu đỏ, số lượng từ vài chục đến hàng trăm. Nếu được chăm sóc và điều trị tốt ban thường lưu lại ở trẻ trung bình 3-5 ngày.

Sau phát ban nếu được chăm sóc đúng cách sẽ không để lại các vết thâm trên da cho trẻ (ngoại trừ sởi). Trong trường hợp nhiễm khuẩn có thể để lại vết lở loét hình thành sẹo. Chăm sóc trẻ bị phát ban đúng cách sẽ không để lại các vết thâm sau này.

Chú ý cho bố mẹ là thời gian ủ bệnh sốt phát ban vào khoảng 1 tuần vì vậy cần quan tâm đến bé để ngăn chặn khỏi các tác nhân gây bệnh cũng như là phát hiện kịp thời lúc có những triệu chứng mới.

Sự lây nhiễm sốt phát ban ở trẻ

Sốt phát ban là bệnh lây nhiễm do virus human herpes 6 hoặc trong một số trường hợp là do virus human herpes 7 gây ra. Virus lây từ người sang người thông qua tiếp xúc cơ thể với người nhiễm bệnh hoặc các vật dụng cá nhân của họ. Bệnh không lây truyền qua giao tiếp.

Sốt phát ban ở trẻ dễ lây nhiễm trong cộng đồng, đặc biệt là ở môi trường nhà trẻ, trường học. Môi trường này phù hợp cho việc lây nhiễm bệnh qua đường hô hấp khi trẻ bệnh hắt hơi, sổ mũi, ho làm phát tán những tia nước bọt nhỏ chứa virus bệnh sang cho các trẻ khác. Và đây là con đường cơ bản khiến trẻ bị mắc bệnh sốt phát ban.

Bệnh sốt phát ban vô cùng phổ biến ở trẻ em trong độ tuổi từ 6 tháng đến 2 tuổi và hiếm gặp ở trẻ trên 4 tuổi. Phần lớn trẻ bị nhiễm sốt phát ban khi đi nhà trẻ.

Trẻ nhỏ khi đi mẫu giáo thường là đối tượng dễ nhiễm virus nhất vì hệ miễn dịch chưa phát triển toàn diện. Hơn nữa, trong cùng một môi trường lớp học có thể làm tăng nguy cơ lây lan virus từ trẻ này sang trẻ khác. Ví dụ như, một đứa trẻ khỏe mạnh có thể sẽ nhiễm virus nếu dùng chung cốc với trẻ khác bị bệnh.

Sự lây nhiễm sốt phát ban ở trẻ

Biến chứng của sốt phát ban ở trẻ

Sốt phát ban ở trẻ thường sẽ diễn ra 1 năm/lần tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và sức đề kháng của mỗi bé, nhiều trường hợp trẻ bị sốt nhiều lần. Tác nhân gây sốt phát ban ở trẻ đa số là các virus lành tính, và sẽ tự khỏi trong thời gian từ 5-7 ngày nếu được phát hiện và chăm sóc tốt. 

Căn bản sau khi sốt phát ban trẻ sẽ trở lại vui chơi bình thường không để lại biến chứng nào nghiêm trọng nếu như được chăm sóc và điều trị cẩn thận. 

Ngược lại, nếu bố mẹ không nắm rõ nguyên nhân gây/lây bệnh, cách chăm sóc đúng cách khi trẻ mắc bệnh thì có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như có thể gây viêm phổi, viêm tai giữa, đi ngoài ra máu hoặc nặng hơn là viêm não hoặc khiến trẻ thường xuyên bị tái sốt, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ sau này.

Điều trị sốt phát ban ở trẻ

Chăm sóc trẻ bị sốt phát ban tại nhà

Những việc nên làm khi chăm sóc trẻ bị sốt phát ban

  • Luôn nới lỏng quần áo cho trẻ để con có cảm giác thoải mái nhất, không cảm thấy khó chịu vì những nốt ban nổi.
  • Không để trẻ dùng tay gãi lên da.
  • Chườm ấm cho trẻ không quá 10 phút/giờ. Theo dõi nhiệt độ và hạ sốt cho trẻ khi cần thiết.
  • Luôn cặp nhiệt độ và hạ sốt cho trẻ.
  • Thận trọng khi tắm rửa. Khi bị sốt phát ban, cơ thể con còn rất yếu. Nếu tắm rửa không cẩn thận, trẻ sẽ dễ bị cúm hoặc chuyển sang các bệnh nghiêm trọng khác.
  • Cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt hoặc đặt thuốc hạ nhiệt dạng đặt hậu môn cho trẻ. 
  • Trong trường hợp trẻ vẫn tiếp tục sốt, cho trẻ uống paracetamol liều 10mg – 15/1kg/lần, cách nhau ít nhất 6 tiếng.
  • Khuyến khích trẻ uống nước lọc, nước gừng, soda chanh, nước luộc thịt, các loại nước khoáng, oresol hoặc nước uống thể thao như Gatorade hoặc Powerade để ngăn chặn mất nước.Cách ly trẻ để tránh nhiễm khuẩn cũng như lây nhiễm với các trẻ khác.

Sau khi đã bù đầy đủ nước điện giải và hạ sốt cho trẻ, phụ huynh cần tiếp tục theo dõi nếu trẻ tiến triển xấu thì nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.

Những việc không nên làm khi chăm sóc trẻ bị sốt phát ban

  • Không để trẻ ở nơi chật kín, tù túng và ẩm ướt.
  • Không đưa trẻ đến những nơi công cộng, đông người.
  • Không cho trẻ tiếp xúc với các loại nước tẩy rửa, sữa tắm, môi trường ô nhiễm từ khói bụi, hóa chất, lông thú nuôi trong nhà để bệnh không có cơ hội tiến triển nặng.
  • Không để trẻ mặc quần áo bó sát người, chất liệu vải dễ gây kích ứng da.
  • Không cho trẻ ăn trứng, thực phẩm khó tiêu, nước lạnh, nước đá và kem.

Cho trẻ nhập viện kịp thời

Những trường hợp trẻ bị sốt phát ban cần được điều trị tại bệnh viện

  • Trẻ bị sốt không kiểm soát được nhiệt độ dù đã được dùng thuốc hạ sốt.
  • Trẻ bị sốt cao trên 39,4°C.
  • Phát ban không thấy chuyển biến tốt sau 3 ngày.
  • Bé có hệ miễn dịch yếu.
  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi.
  • Trẻ bị mất nước do tiêu chảy.

Khi được nhập viện, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh của con. Điều bố mẹ cần làm lúc này là nêu rõ những biểu hiện, nghi ngờ về tình trạng của bé để cung cấp đầy đủ thông tin cho bác sĩ chẩn đoán bệnh và hướng xử lý kịp thời. 

Sau đó, bé sẽ được tiến hành xét nghiệm máu theo chỉ định của bác sĩ để xác định kháng thể chống lại sốt phát ban trong cơ thể trẻ. Một số chỉ định thường được đưa ra trong quá trình điều trị như thuốc hạ sốt, thuốc bù nước điện giải. Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc để kiểm soát sốt cao. Một số loại thuốc phổ biến bao gồm acetaminophen (Tylenol) và ibuprofen (như Advil hoặc Motrin). Bạn cũng nên lau người cho trẻ để hạ sốt. Các chỉ định phức tạp hơn sẽ dành cho trẻ có biểu hiện nặng.

Nếu bố mẹ tự chăm sóc trẻ bị sốt phát ban tại nhà  không đúng cách có thể gây nguy hiểm cho con. Bố mẹ cần cập nhật thông tin về bệnh cũng như cách phòng bệnh và chữa sốt phát ban cho trẻ kịp thời, nhanh chóng.

Xem thêm: Sốt phát ban ở người lớn - Triệu chứng, nguyên nhân và biến chứng

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top