Sởi là căn bệnh có khả năng lây lan cao khá phổ biến ở trẻ em, với các triệu chứng chính là phát ban, sốt, sổ mũi, ho và đau mắt đỏ. Các biến chứng mà trẻ em mắc bệnh sởi có thể gặp phải bao gồm nhiễm trùng tai, tiêu chảy, viêm phổi, co giật, viêm não, tổn thương não và tử vong.
Bệnh sởi đã từng là dịch bệnh nguy hiểm tại Mỹ. Trước khi vaccin sởi được đưa vào sử dụng vào năm 1963, mỗi năm ở Mỹ có khoảng 3-4 triệu người bị nhiễm sởi, 48.000 người phải nhập viện, 400 - 500 ca tử vong do sởi, 1.000 bệnh nhân tàn tật vĩnh viễn do biến chứng viêm não.
Sởi cũng vẫn là căn bệnh phổ biến ở những quốc gia khác, bao gồm cả châu Âu. Theo Tổ chức Y tế thế giới - WHO, sởi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em trong số những căn bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccin. Tuy nhiên, nhờ vào những nỗ lực hết sức mình của cộng đồng trong công tác chủng ngừa sởi ở trẻ em, số ca tử vong do sởi trên toàn cầu đã giảm khoảng 79% kể từ năm 2000.
Gần đây, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sự quay lại của dịch sởi là một mối lo ngại sức khỏe toàn cầu. Trong năm 2018, dịch sởi đã xảy ra tại một số nước ở châu Âu, thậm chí việc ghi nhận sự lây truyền bệnh sởi xảy ra liên tục ở cả một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi (Đức và Nga) đã làm dấy lên mối lo ngại dịch bệnh sởi có thể quay trở lại thành dịch lưu hành ở những nước này.
Ngay trong những tuần đầu năm 2019, dịch bệnh sởi tiếp tục có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt tại Uraina và Hoa Kỳ. Tại Ucraina số mắc tiếp tục tăng cao với 8.498 trường hợp mắc, đây là số mắc lớn nhất ghi nhận trong tháng 1 của những năm gần đây, trong khi cả năm 2018 nước này ghi nhận 54.481 trường hợp mắc. Tại Hoa Kỳ, sau gần 20 năm công bố loại trừ bệnh sởi, ngay trong đầu năm 2019 đã ghi nhận các ổ dịch sởi tại nhiều thành phố như: Atlanta, New Jersey, NewYork, Oregon, Rockland County, Rochester, Vancouver. Chính quyền bang Washington đã công bố tình trạng khẩn cấp nhằm huy động các nguồn lực và nỗ lực của người dân trong việc khống chế dịch sởi.
Theo các nhà khoa học, việc dịch sởi bùng phát tại một số nước hiện nay là do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi không đạt yêu cầu tại nhiều nước và sẽ để lại hậu quả lớn cho sức khỏe người dân cũng như tăng chi phí điều trị so với việc chỉ phải tiêm vắc xin sởi thông thường.
Ở Việt Nam, trong nhiều năm qua, vaccin sởi đã được tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng: tiêm mũi thứ nhất cho trẻ 9 tháng tuổi và mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi. Tuy nhiên, năm 2014, dịch sởi bùng phát trở lại, nên Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã chính thức đưa vaccin sởi - Rubella trong tiêm chủng thường xuyên cho tất cả trẻ em từ 1 tuổi đến 14 tuổi được tiêm vắc-xin phối hợp sởi - Rubella. Ở nước ta, tại một số nơi vùng sâu, vùng xa và những đô thị có số trẻ di biến động lớn có nhiều trẻ còn chưa được tiêm vắc xin sởi đầy đủ như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La ... nên có nguy cơ cao ghi nhận các trường hợp mắc và các ổ dịch sởi tại cộng đồng.
Bệnh quai bị (còn được gọi là viêm tuyến nước bọt mang tai) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính hay gặp ở lứa tuổi học đường, lây trực tiếp bằng đường hô hấp, hay gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên, do virus quai bị gây nên. Bệnh quai bị có những triệu chứng điển hình là sốt, đau đầu và viêm tuyến nước bọt.
Quai bị có thể dẫn tới viêm màng não, viêm não, và đôi khi gây tử vong. Bệnh cũng có thể gây sưng và đau tuyến tinh hoàn hay buồng trứng. Khoảng 20-50% nam giới bị mắc quai bị sau lứa tuổi dậy thì có triệu chứng viêm ở một hoặc cả hai bên tinh hoàn. Trong một số trường hợp, viêm tình hoàn có thể dẫn tới vô sinh.
Trước khi vaccin đặc hiệu phòng quai bị ra đời, quai bị là căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, trẻ độ tuổi nhi đồng và thanh thiếu niên. Vaccin phòng quai bị được chấp thuận sử dụng kể từ năm 1976. Cho tới năm 2009, vaccin đã giúp làm giảm tỷ lệ mắc bệnh quai bị tới 99%.
Rubella (hay còn được gọi là bệnh sởi Đức), là căn bệnh được đặc trưng bởi các ban đỏ từng đốm lan tỏa xuất hiện trên mặt, sốt nhẹ và sưng hạch bạch huyết. Tuy nhiên, có khi người mắc rubella không biểu hiện triệu chứng gì.
Rubella là một bệnh lây nhiễm không nguy cấp thường chỉ kéo dài khoảng 3 ngày nhưng lại khá nghiêm trọng ở phụ nữ mang thai do khả năng gây sẩy thai hoặc những dị tật bẩm sinh ở bào thai như điếc, dị tật về mắt, dị tật tim, chậm phát triển trí tuệ. Trong đại dịch rubella năm 1964-1965 tại Mỹ, đã ghi nhận 12,5 triệu ca bệnh và có tới 20.000 trẻ khi sinh ra bị mắc các dị tật bẩm sinh như mù lòa, điếc hay khuyết tật về trí tuệ.
Kể từ khi vaccin rubella đầu tiên ra đời vào năm 1969, số ca mắc rubella đã giảm đáng kể với chỉ một số ít trường hợp mắc bệnh được báo cáo mỗi năm.
Số liều khuyến cáo: 2 mũi tiêm
Độ tuổi khuyến cáo:
Những trẻ có phản ứng dị ứng nặng đối với gelatin, kháng sinh neomycin hoặc với mũi vaccin MMR trước không nên tiêm vaccin này.
Hãy hỏi ý kiến bác sỹ trước khi tiêm vaccin MMR cho trẻ nếu:
Do vaccin sởi và quai bị được sản xuất từ virus nuôi trong các tế bào phôi thai gà nên trước đây các nhà khoa học khuyến cáo những trẻ em bị dị ứng với trứng không nên tiêm vaccin này. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới đây đã chứng minh ngay cả khi trẻ bị dị ứng nặng với trứng thì vẫn có thể tiêm vaccin mà không gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng nào.
Những trẻ đang bị ốm được khuyến cáo nên đợi đến khi hồi phục hẳn rồi mới tiêm vaccin.
Vaccin MMR thường gây ra các phản ứng sau tiêm nhẹ. Cứ 6 trẻ thì có 1 trẻ bị sốt nhẹ, 20 trẻ thì có 1 trẻ bị phát ban nhẹ. Trong một số trường hợp hiếm gặp, trẻ có sưng hạch bạch huyết ở cổ hay má. Các phản ứng này thường xuất hiện sau khi trẻ tiêm khoảng từ 6-14 ngày và thường sau mũi tiêm đầu tiên.
Các phản ứng sau tiên mức độ vừa hiếm khi xảy ra: 3.000 trẻ thì mới có 1 trẻ tiêm MMR bị co giật do sốt cao, tuy nhiên, hiện tượng co giật này hầu như không gây hại nhiều cho sức khỏe của trẻ. Cứ 30.000 ca tiêm thì có 1 trường hợp bị giảm tiểu cầu tạm thời có thể dẫn đến xuất huyết.
Các phản ứng sau tiêm nặng rất hiếm gặp nhưng có thể xảy ra với bất kỳ vaccin nào. Nếu con bạn xuất hiện phản ứng dị ứng với bất kỳ vaccin nào, hãy thông báo với bác sỹ, cán bộ tiêm chủng và đưa trẻ đi bệnh viện ngay.
Theo CDC và Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, không có một bằng chứng khoa học nào chứng minh có mối liên hệ giữa việc tiêm vaccin MMR với chứng tự kỷ ở trẻ em.
Tuy nhiên, trước đây chủ đề này đã từng được các nhà khoa học và các chuyên gia tranh luận khá sôi nổi. Vào năm 1988, một tờ báo về y khoa của Anh là The Lancet đã công bố một bài báo có đề cập đến mối liên quan giữa vaccin MMR và bệnh tự kỷ. Theo đó, 8 trong số 12 trẻ em mắc chứng tự kỷ được nghiên cứu đã bắt đầu xuất hiện các triệu chứng bệnh kể từ khi chúng được tiêm vaccin MMR. Do vậy, các nhà nghiên cứu giả thiết rằng các triệu chứng bệnh là do phản ứng sau tiêm vaccin.
Trên thực tế, đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên và nghiên cứu này đã bị bác bỏ bởi hầu hết các nhà khoa học và đã bị chính tạp chí The Lancet rút lại. Đồng thời chính tác giả của nghiên cứu này cũng bị tước bỏ các danh hiệu và học vị của mình.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh