✴️ Viêm loét dạ dày ở trẻ em nguyên nhân do đâu?

Nội dung

Trước đây viêm loét dạ dày ở trẻ em không phải là một bệnh phổ biến, tuy nhiên hiện nay số tỷ lệ trẻ em bị viêm loét dạ dày ngày càng tăng lên. Vậy nguyên nhân nào gây tình trạng viêm loét dạ dày ở trẻ em và biện pháp điều trị hiệu quả bệnh viêm loét dạ dày ở trẻ là như thế nào? Mời các bậc phụ huynh cùng tham khảo dưới bài viết sau.

viêm loét dạ dày ở trẻ em

Bệnh viêm loét dạ dày ở trẻ em ngày càng phổ biến do chế độ ăn uống không khoa học, nhiễm vi khuẩn HP, stress,…(ảnh minh họa)

Nguyên nhân viêm loét dạ dày ở trẻ em

Y học chưa có kết luận chính xác về các nguyên nhân gây viêm loét dạ dày ở trẻ em. Tuy nhiên phần lớn các trường hợp trẻ bị viêm loét dạ dày là do chế độ ăn uống không khoa học, bị nhiễm vi khuẩn HP (loại vi khuẩn ký sinh trong niêm mạc dạ dày gây tình trạng viêm, loét dạ dày), stress trong học tập, cuộc sống,… Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do trẻ bị nhiễm vi khuẩn HP.

nguyên nhân viêm loét dạ dày ở trẻ em

Vi khuẩn HP có thể gây viêm, loét dạ dày, chảy máu dạ dày và có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư dạ dày. (ảnh minh họa)

Đây là một loại vi khuẩn có khả năng sống trong môi trường kỵ khí (thiếu khí oxy) như niêm mạc dạ dày. Chúng tiết ra chất làm trung hòa axit bên trong dạ dày và gây ra các tác hại như:

  • Gây loét dạ dày, loét hành tá tràng

  • Chảy máu dạ dày

  • Tiềm ẩn khả năng gây ung thư dạ dày

Vi khuẩn HP có thể lây qua thói quen ăn, uống, sinh hoạt dùng chung bát, đũa và các vật dụng cá nhân với người bị nhiễm vi khuẩn HP. Tuy nhiên không phải trẻ cứ bị nhiễm vi khuẩn HP là sẽ gây viêm loét dạ dày. Có hơn 70% dân số nước ta bị nhiễm vi khuẩn HP tuy nhiên “vẫn chung sống hòa bình” với loại vi khuẩn này nếu như chúng không gây ra các biến chứng như viêm, loét dạ dày, chảy máu dạ dày,…

Như vậy, chỉ những trường hợp vi khuẩn HP gây tình trạng đau, viêm dạ dày, loét dạ dày, chảy máu dạ dày hay tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư dạ dày thì mới cần can thiệp để tiêu diệt loại bỏ loại vi khuẩn HP này.

Các yếu tố như chế độ ăn uống không khoa học (ăn nhiều các thức ăn nhanh, ăn không đủ bữa, đúng giờ, vừa ăn vừa xem tivi,…) hay trẻ bị stress do áp lực học tập, hoàn cảnh sống cũng có thể gây viêm loét dạ dày nhưng chủ yếu là viêm nhẹ.

 

Điều trị viêm loét dạ dày ở trẻ em bằng cách nào?

Mục đích điều trị viêm loét dà dày ở trẻ em hay các bệnh lý khác nói chung đều phải căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu trẻ bị viêm loét dạ dày không do vi khuẩn HP (âm tính với HP) thì cần xét đến các yếu tố như chế độ ăn uống của bé có khoa học không (ăn uống thất thường, để quá đói mới ăn, ăn nhiều đồ ăn nhanh,… dễ gây viêm loét dạ dày ở trẻ) hay bé có bị stress hoặc tác động tâm lý gì nào không, cấu trúc hệ tiêu hóa của con có bình thường không (có các dị tật hoặc dị vật đường tiêu hóa nào không) và từ đó có biện pháp điều chỉnh phù hợp, cũng như điều trị giảm nhẹ các triệu chứng viêm loét cho trẻ.

Nếu trẻ xét nghiệm mà “dương tính” với vi khuẩn HP. Khi này cần điều trị loại bỏ loại vi khuẩn này vì chúng chính là nguyên nhân chính gây tình trạng viêm loét dạ dày ở trẻ.

Việc điều trị vi khuẩn HP chủ yếu là dùng kháng sinh đồ. Tuy nhiên đây cũng là một loại vi khuẩn dễ kháng kháng sinh do đó, trong quá trình điều trị ba mẹ cần đặc biệt tuân thủ các chỉ định của bác sĩ về việc sử dụng kháng sinh như loại kháng sinh, liều lượng, cách dùng, thời gian sử dụng kháng sinh để tránh vi khuẩn bị kháng thuốc.

Bên cạnh đó cần kiểm soát tốt chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt của trẻ và cả các hoạt động tinh thần của con. Tránh để cho bé bị căng thẳng về mặt tinh thần như lo lắng, kích động, tổn thương. Chế độ ăn uống cũng cần phải kiểm soát thật tốt như: hạn chế cho trẻ ăn các đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ, chất béo, không nên cho trẻ uống các đồ uống gây kích thích như cafe, bia, nước ngọt có ga,… Khuyên trẻ khi ăn nên ăn chậm nhai kỹ; không nên vừa ăn vừa xem tivi, nghịch điện thoại.

 

Phòng ngừa viêm loét dạ dày ở trẻ em

Viêm loét dạ dày ở trẻ em có thể được hạn chế nếu các bậc phụ huynh:

  • Duy trì một chế độ ăn uống khoa học cho con

  • Tránh để bé bị stress, lo lắng, kích động

  • Cho con thăm khám với bác sĩ khi bé có các biểu hiện về đường tiêu hóa như: đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, …

  • Khuyên con nên rèn luyện thể dục thể thao

  • Giữ gìn vệ sinh cơ thể, vệ sinh ăn uống

  • Thăm khám sức khỏe định kỳ cho bé

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top