✴️ Triệu chứng bệnh sỏi thận phổ biến nhất là gì? – Góc giải đáp

1. Các triệu chứng bệnh sỏi thận thường gặp nhất

1.1. Triệu chứng bệnh sỏi thận thường là cơn đau quặn thận

Biểu hiện rõ rệt nhất không thể không nhắc đến khi mắc sỏi  thận đó là cơn đau quặn thận. Nhiều bệnh nhân khi gặp cơn đau này thường ví như cơn đau của phụ nữ sắp sinh đủ để biết rằng mức độ nghiêm trọng như thế nào.

Sỏi thường gây đau từ 1 bên thắt lưng, lan rộng ra phía trước bụng và phần dưới cơ quan sinh dục. Cơn đau xuất hiện đột ngột, thường đến khi người có sỏi đang vận động mạnh. Người bệnh thường đi nằm ngay để mong dễ chịu hơn tuy nhiên tình trạng không được cải thiện mấy.

Nếu cơn đau quặn thận kéo dài, bệnh nhân có sỏi cần được cấp cứu kịp thời, thực hiện các biện pháp giảm đau do bác sĩ chỉ định chứ không tự ý điều trị.

 

1.2. Lưu ý về cơn đau quặn thận

Cơn đau dữ dội thường được chia làm 2 nguyên nhân khác nhau tùy thuộc vào vị trí của sỏi.

– Nếu sỏi gây tắc nghẽn tại bể thận và đài thận thì cơn đau sẽ xuất hiện ở hố thắt lưng, vị trí dưới xương sườn 12, lan ra vùng bụng phía trước và hố chậu

– Nếu sỏi bị kẹt ở niệu quản thì cơn đau sẽ xuất phát ở hố thắt lưng và dần xuống dưới theo vị trí của niệu quản, lan xuống cơ quan sinh dục và cả mặt trong của đùi.

Cơn đau có thể đi kèm một số triệu chứng nguy hiểm và khó chịu như buồn nôn, nôn mửa, chướng bụng… Nếu kết hợp  các vấn đề viêm nhiễm thì bệnh nhân có thể bị sốt hoặc rét run. Sau khi nhập viện, cơn đau do sỏi dù chấm dứt rồi thì sờ vào vị trí có sỏi vẫn thấy đau, kích thước thận to hơn bình thường.

Cơn đau xuất hiện khi sỏi di chuyển hoặc gây tác động đến hệ tiết niệu. Cũng có một số trường hợp tuy sỏi to nhưng không di chuyển hoặc không tác động cụ thể thì người bệnh sẽ hoàn toàn không biết mình mắc sỏi.

Ngoài cơn đau quặn thận thì triệu chứng bệnh sỏi thận phổ biến là các vấn đề đường tiểu

 

1.2. Các vấn đề về đường tiểu cũng là triệu chứng bệnh sỏi thận

Tiểu máu cũng là hiện tượng phổ biến thứ hai khi bệnh nhân mắc sỏi tiết niệu. Trường hợp này xảy ra khi sỏi có góc cạnh, sỏi nhám, sỏi rắn va vào lớp niêm mạc gây tổn thương chảy máu. Từ đó, khi nước tiểu được bài tiết ra ngoài sẽ kèm theo máu và các lắng cặn khác. Đặc biệt, hiện tượng này xảy ra khi bệnh nhân vận động mạnh hoặc hoạt động nhiều khiến sỏi cọ xát thêm.

Các cơ quan trong hệ tiết niệu đều có mối quan hệ mật thiết với nhau và kết nối với nhau như ống nước. Nếu xuất hiện sỏi làm chặn dòng đi của nước tiểu thì sẽ xuất hiện việc tiểu khó, ứ nước tại thận, bí tiểu… Do đó, nếu gặp các vấn đề về đường tiểu, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán cụ thể.

 

2. Các giai đoạn nguy hiểm của triệu chứng bệnh sỏi thận

Khi xuất hiện các triệu chứng ở mục 1, cần xác định rằng sỏi đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường tiết niệu. Bệnh nhân cần hiểu rõ các giai đoạn nguy hiểm gây ra bởi sỏi như sau:

– Giai đoạn 1: Nếu hệ tiết niệu bị vướng sỏi, phản ứng tự nhiên xảy ra đó là các cơ quan sẽ tăng cường co bóp để đẩy sỏi ra ngoài. Khi đó, dù tích cực co bóp tuy nhiên niệu quản và đài bể thận vẫn còn tính đàn hồi, chưa bị giãn nở quá mức. Cơn đau quặn thận sẽ xuất hiện trong giai đoạn này do áp lực đột ngột lên thận và niệu quản.

– Giai đoạn 2: Hệ quả đã bắt đầu xảy ra do quá trình tăng cường co bóp xảy ra ở giai đoạn 1. Trong 1 thời gian nếu không đẩy được sỏi ra ngoài thì việc tăng cường đẩy sỏi quá mức sẽ khiến đài bể thận bị giãn quá mức, nhu động niệu quản giảm.

– Giai đoạn 3: Biến chứng sẽ ngày một nguy hiểm hơn khi viên sỏi không ra ngoài được và bám vào lớp niêm mạc. Niệu quản có thể bị hẹp lại. Chức năng thận cũng bị suy giảm nghiêm trọng, tình trạng viêm nhiễm nếu có sẽ nặng nề. Tình trạng này nếu để lâu ngày thì sẽ dẫn đến suy thận mạn. Bệnh nhân có thể phải lọc máu duy trì tính mạng.

 

3. Phòng bệnh sỏi thận ngay từ đầu

Để ngăn ngừa các triệu chứng nguy hiểm của sỏi thận, người bệnh nên có ý thức phòng ngừa bệnh bằng những thói quen đơn giản nhất.

– Cần ăn cân đối 4 nhóm cần thiết đó là bột, đường, mỡ và vitamin. Nên lên thực đơn hằng ngày chứ không nên ăn lệch.

– Uống ít nhất 2 lít nước chia đều lượng trong 1 ngày.

– Xử lý ngay các vấn đề đường niệu làm tăng nguy cơ gây nên sỏi thận như u xơ tuyến tiền liệt, dị dạng đường tiểu, hẹp niệu bẩm sinh…

– Đối với phụ nữ cần giữ gìn vệ sinh hệ tiết niệu sạch sẽ, nhất là trong thời kỳ đèn đỏ.

– Vận động nhẹ nhàng và uống nhiều nước là cách rất tốt để đẩy được sỏi ra ngoài theo đường tiểu, nhất là đối với những viên sỏi ở đài dưới.

Chế độ ăn uống phù hợp có thể giúp phòng ngừa bệnh sỏi thận

Theo đó, sỏi thận là bệnh phổ biến nhưng không phải ai cũng có thói quen thăm khám sức khỏe để phát hiện ra sỏi. Lưu ý rằng khi có các triệu chứng bệnh sỏi thận, tức là sỏi đã gây tác động xấu đến cơ thể và cần điều trị ngay. Hãy quan tâm đúng mực đến sức khỏe, duy trì lối sống khoa học để ngăn ngừa sỏi ngay từ đầu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top