✴️ Viêm mũi và viêm mũi dị ứng ở trẻ em

Nội dung

Khi nào gọi là viêm mũi

Viêm mũi thường sẽ bắt đầu bằng triệu chứng như hắt hơi liên tục, ngứa mũi, rồi sau đó là sổ mũi nước trong, nặng hơn là nghẹt mũi. Đó là các triệu chứng của tình trạng viêm mũi. Triệu chứng viêm mũi cũng rất thường hay đi chung với tình trạng ngứa mắt, chảy nước mắt mà BS hay gọi và viêm kết mạc đáp ứng với tình trạng viêm mũi.

Tại sao em bé bị viêm mũi?

Bên trong khoang mũi chúng ta được lót bằng 1 lớp niêm mạc, trong lớp đó có rất nhiều mạch máu và các tế bào tiết chấy nhầy, đồng thời cũng có các tế bào miễn dịch nằm bên dưới. Khi có một tác nhân kích thích tế bào niêm mạc, hoặc một tác nhân dị ứng kích thích tế bào miễn dịch, các tế bào này sẽ sản sinh ra các chất làm cho mạch máu trong niêm mạc mũi dãn ra, làm niêm mạc mũi sưng lên, gây nghẹt mũi. Các chất đó cũng làm cho tế bào niêm mạc tiết ra rất nhiều chất nhầy và trong gây nên tình trạng chảy mũi hay sổ mũi. Đồng thời, cũng do tác dụng của các chất đó làm cho chúng ta có cảm giác ngứa mũi nên phải hắt hơi nhiều lần.

Những nguyên nhân nào thường gặp gây ra tình trạng viêm mũi.

Như vậy, dựa theo cơ chế ở trên mà viêm mũi được chia ra thành viêm mũi không dị ứng và viêm mũi dị ứng.

Viêm mũi không dị ứng là do các yếu tố kích thích từ môi trường như khói thuốc lá, khói nhang, khói đốt, bụi, mùi nồng mạnh như nước hoa, hoặc các yếu tố về khí hậu như nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng, ngoài ra nhiễm siêu vi đường hô hấp cũng là nguyên nhân gây viêm mũi thường gặp và trong trường hợp đó, em bé sẽ có thêm các triệu chứng khác như sốt, mệt mỏi, đau họng… Nếu tình trạng trên kèm với sốt cao, nước mũi có màu vàng hoặc xanh, thì có thể là tình trạng viêm mũi – xoang do vi trùng, và cần điều trị bằng kháng sinh thích hợp. Ở trẻ lớn thì viêm mũi còn có thể xảy ra khi bé ăn và đặc biệt là khi ăn thức ăn cay, hoặc có thể do thay đổi nội tiết tố trong các chu kỳ kinh nguyện ở những bé gái đã dậy thì. Các nguyên nhân gây viêm mũi không dị ứng này rất dễ nhận biết và thường không cần một xét nghiệm đặc hiệu nào để xác định nguyên nhân. 

Viêm mũi dị ứng gây ra bởi các yếu tố dị ứng trong môi trường mà hằng ngày chúng ta hít phải. Các tác nhân như mạt bụi nhà, nấm mốc, con gián, lông thú nuôi, các hạt phấn nhỏ của các loại hoa, các loại cỏ dại là các nguyên nhân thường gây ra viêm mũi. Một số loại dị ứng nguyên xuất hiện nhiều hơn trong các mùa đặc biệt, ví dụ như mạt nhà, nấm mốc, con gián thường có nhiều vào mùa hè nhiều mưa, ẩm, còn phấn hoa, phấn cỏ thì thường tăng lên vào cuối năm, gần Tết. Điều này giải thích tại sao triệu chứng viêm mũi dị ứng của các bé có thể nặng lên vào một số dịp trong năm. Các dị nguyên này rất nhỏ trong không khí và rất khó để chúng ta xác định được chính xác loại dị nguyên nào gây ra tình trạng viêm mũi của em bé, vì thế các BS sẽ có các xét nghiệm dị ứng đặc biệt để giúp bố mẹ tìm ra nguyên nhân.

các nguyên nhân gây dị ứng không khí thường gặp

 

Các xét nghiệm nào có thể giúp tìm ra nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng?

Đối với các bé bị viêm mũi mà bố mẹ không rõ nguyên nhân, thì thường là các tình trạng viêm mũi dị ứng. Khi đến gặp BS, bé sẽ được làm test lẩy da, tức là nhỏ các giọt chiết xuất dị ứng nguyên thường gặp lên da của bé và xem loại nào khiến da em bé phản ứng thì đó rất có thể là nguyên nhân gây viêm mũi. Ngoài ra, có thể làm một xét nghiệm khác là xác định một loại kháng thể đặc hiệu trong máu của em bé, kháng lại với dị ứng nguyên của môi trường. Các xét nghiệm này cần phải đưa bé tới bệnh viện. Nếu bố mẹ quá bận rộn hoặc lo ngại vấn đề quá tải của các bệnh viện thì có thể sử dụng các dịch vụ lấy màu và làm xét nghiệm tại nhà.

Chẩn đoán và điều trị viêm mũi dị ứng có quan trọng không?

Chẩn đoán đúng và điều trị viêm mũi dị ứng tích cực là rất quan trọng vì các lý do sau đây:

  • Triệu chứng viêm mũi khiến các bé khó chịu, mất ngủ, làm giảm khả năng tập trung và ghi nhớ, ảnh hưởng đến việc khám phá thế giới xung quanh cũng như khả năng học tập.
  • Viêm mũi nếu không điều trị tốt có thể dẫn đến viêm tai giữa, viêm xoang, khi đó điều trị sẽ vất vả hơn.
  • Trẻ bị viêm mũi dị ứng cũng có thể có những bệnh lý dị ứng khác như hen suyễn, hay viêm da cơ địa (chàm thể tạng). Các nghiên cứu đều cho thấy 40-50% trẻ bị viêm mũi dị ứng có kèm với hen, và 80% trẻ em bị hen suyễn có kèm theo viêm mũi dị ứng. Điều này khiến chúng ta suy nghĩ, có khi nào em bé không chỉ có viêm mũi dị ứng, mà còn có kèm theo hen suyễn, viêm da cơ địa mà chúng ta chưa biết hay không?

Như vậy khi em bé có triệu chứng viêm mũi kéo dài mà bố mẹ không rõ nguyên nhân thì nên đưa bé đến gặp một bác sĩ chuyên gia về nhi khoa, hoặc dị ứng để em bé được khám kỹ lưỡng, tầm soát các bệnh lý dị ứng khác có thể đồng mắc và để bé được điều trị thật đúng và đầy đủ.

Khi bé bị viêm mũi, có thể xịt các loại thuốc mua ở các tiệm thuốc tây hay không?

Có rất nhiều loại thuốc bán không kê toa có thể giúp giảm nhẹ tình trạng viêm mũi cho bé. Tuy nhiên, khi sử dụng bố mẹ nên chú ý một số điều sau:

  • Một số loại thuốc trị nghẹt mũi, sổ mũi có chứa Oxymethazoline hoặc Xylomethazoline chỉ có thể xài ngắn hạn khoảng 3-5 ngày mà thôi, nếu xài kéo dài sẽ dẫn tình trạng phản ứng dội là nghẹt mũi nặng them. Việc xài các loại thuốc này cũng chỉ dành cho các bé thường là trên 6 tuổi. Bố mẹ nhớ hỏi kỹ dược sĩ về thông tin sử dụng khi mua thuốc cho bé.
  • Một số loại thuốc xịt mũi có chứa corticoid, đây là loại thuốc chính để điều trị viêm mũi, tuy nhiên, cần sử dụng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để không bị tác dụng phụ và hiệu quả tốt nhất
  • Khi sử dụng các dụng cụ xịt mũi, các đầu xịt phải hướng ra phía ngoài để tránh làm tổn thương vách mũi. Vì mục đích để thuốc tác dụng lên niêm mạc mũi, nên khi xịt thuốc nên cho bé ngồi ở trạng thái đầu hơi cúi ra trước, tránh ngửa cổ ra sau để tránh thuốc chảy ra sau họng.
  • Hiện nay, tình trạng ô nhiễm không khí tại các Tp lớn như TpHCM ngày một tăng, và các chất ô nhiễm khi đọng lại trên niêm mạc mũi cũng là tác nhân làm nặng hơn tình trạng viêm mũi. Do đó việc rửa mũi mỗi ngày ít nhất một lần cho các bé lớn vừa giúp tẩy sạch các chất ô nhiễm trong không khí, và cũng giúp rửa sạch các chất kích thích hay dị ứng nguyên gây viêm mũi. Có rất nhiều sản phẩm rửa mũi và mỗi sản phẩm có tính năng riêng của nó. Nước muối đẳng trương là loại dung dịch thông thường dùng để rửa mũi, nước muối ưu trương với nồng độ cao hơn giúp giảm nghẹt mũi tạm thời, nước muối có bổ sung mangan giúp giảm tình trạng chảy mũi và viêm mũi, phù hợp với viêm mũi dị ứng, và nước nước chứa đồng giúp sát khuẩn niêm mạc mũi cho các trường hợp viêm mũi xoang nhiễm trùng (Hình 3).

cách rửa mũi cho trẻ

Như vậy, tóm lại các bố mẹ cần nhớ các điều sau đây:

1.     Viêm mũi biểu hiện bằng các triệu chứng ngứa mũi, hắt hơi liên tục, chảy mũi, nghẹt mũi, có thể kèm ngứa mắt, đỏ mắt và chảy nước mắt.

2.     Viêm mũi có thể do các chất kích thích hoặc có thể do dị ứng với loại dị nguyên nào đó.

3.     Cần phải chẩn đoán đúng loại viêm mũi, và điều trị thích hợp để tránh diễn tiến thành các bệnh hô hấp khác, và để không ảnh hưởng đến khả năng học tập, sinh hoạt của bé

4.     Khi bé bị viêm mũi cấp, có thể điều trị tạm thời 3-5 ngày nếu không khỏi thì nhất định phải đưa bé đến khám các BS có chuyên ngành Nhi, tai mũi họng hoặc dị ứng để được điều trị thích hợp

Tài liệu tham khảo

1.     Skoner DP. J Allergy Clin Immunol 2001; 108:S2-S8

2.     Peroni GD, et al. Clin Exp Allergy 2003; 33:1349-1354

3.     Fireman P. J Allergy Clin Immunol 2000; 105:S616-S621

4.     Egan M, et al. J Fam Pract 2009; 58:29-32

5.     Rabago D, Zgierska A. Am Fam Physician 2009; 80:1117-1119

6.     Pham V, Sykes K, Wei J. Laryngoscope 2015; 124:1000-1007

TS.BS Phạm Lê Duy

 

Xem thêm: Viêm mũi xoang ở trẻ em

return to top