1. Phụ huynh cần nhận biết dấu hiệu viêm tai ngoài của trẻ
Viêm tai ngoài là một căn bệnh nhiễm trùng niêm mạc của ống tai phía bên ngoài, nơi nối màng nhĩ với bên ngoài tai. Các triệu chứng viêm tai ngoài lúc đầu thường diễn tiến nhẹ, nhưng chúng có thể trở nên trầm trọng hơn nếu tình trạng nhiễm trùng để lâu không được điều trị. Bệnh viêm tai ngoài được chia thành 3 mức độ chính với các biểu hiện khác nhau.
Với những trẻ lớn và đã biết nói thì phụ huynh có thể nhận biết bệnh qua việc trẻ mô tả những triệu chứng đang gặp phải như:
1.1. Viêm tai ngoài mức độ nhẹ
– Bệnh nhân cảm thấy ngứa ở trong tai.
– Quan sát bên trong ống tai ngoài thấy bị đỏ nhẹ.
– Cảm giác khó chịu trong tai trở nên nặng hơn khi kéo tai ngoài hoặc ấn vào vị trí sưng ở trước tai.
– Có dịch trong suốt, không mùi chảy ra ở ngoài lỗ tai.
1.2. Viêm tai ngoài mức độ vừa
– Bệnh nhân cảm thấy ngứa ngáy dữ dội.
– Mức độ đau trong tai nhiều hơn.
– Chảy nhiều dịch ra ở ngoài ống tai.
– Cảm giác tai tắc nghẽn một phần do bị sưng tấy, dịch.
– Khả năng nghe kém hoặc có cảm giác bị bóp nghẹt ở trong tai.
1.3. Viêm tai ngoài mức độ nặng
– Đau tai dữ dội và có thể lan ra mặt, cổ hoặc 1 bên đầu.
– Ống tai hoàn toàn bị tắc nghẽn.
– Bị đỏ hoặc sưng ở tai ngoài
– Hạch bạch huyết vùng cổ bị sưng to.
– Bệnh nhân bị sốt.
Còn với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa biết nói thì phụ huynh sẽ gặp khó khăn hơn vì trẻ không thể nói cho chúng ta biết những triệu chứng mà bé đang cảm thấy. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể nhận biết triệu chứng viêm tai ngoài ở bé như:
– Trẻ có phản ứng lại hoặc khóc thét khi bạn xoa hay kéo tai của trẻ.
– Trẻ không có phản ứng với một số âm thanh.
– Trẻ có thể cáu kỉnh hoặc thấy bồn chồn.
– Trẻ bỏ ăn
– Trẻ mất thăng bằng.
– Khi kiểm tra tai bé, bạn có thể thấy ống tai ngoài bị đỏ hoặc đóng vảy, hoặc thấy hiện tượng chảy mủ vàng.
2. Một số biến chứng của viêm tai ngoài ở trẻ em
Nếu tình trạng nhiễm trùng tai ngoài của trẻ không được phụ huynh tiến hành điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến một số biến chứng khá nguy hiểm như:
– Áp xe: Áp xe có thể phát triển ở xung quanh vùng bị ảnh hưởng trong tai. Áp xe tai có thể tự lành hoặc có trường hợp bác sĩ cần phải dẫn lưu.
– Chít hẹp ống tai: Viêm tai ngoài lâu ngày có thể gây tình trạng chít hẹp ống tai của trẻ. Việc thu hẹp ống tai này có thể ảnh hưởng đến thính giác và trong một số trường hợp nghiêm trọng có thể gây điếc cho trẻ.
– Thủng màng nhĩ: Đây thường là biến chứng của tifnhtrangj nhiễm trùng tai ngoài do bị các vật dụng nhét vào tai.
– Viêm tai ngoài hoại tử: Trong một số ít trường hợp, viêm tai ngoài sẽ có thể dẫn đến tình trạng hoại tử. Đây là một biến chứng cực kỳ nghiêm trọng khi sự nhiễm trùng lan đến vùng sụn và xương bao quanh ống tai.
3. Điều trị và phòng ngừa viêm tai ngoài ở trẻ như thế nào?
3.1. Cách điều trị viêm tai ngoài ở trẻ em
Sau khi kiểm tra và đánh giá được mức độ viêm tai ngoài của trẻ, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Một số điểm chung trong điều trị viêm tai ngoài ở trẻ có thể kể đến là:
– Giữ cho tai của trẻ luôn được khô ráo.
– Bác sĩ có thể kê cho trẻ thuốc nhỏ tai có kết hợp các loại thuốc giảm viêm và giúp tiêu diệt vi khuẩn.
– Trường hợp trẻ gặp tình trạng nhiễm trùng nặng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh hoặc thuốc steroid.
– Phụ huynh hãy tham khảo ý kiến bác sĩ xem có thể cho bé dùng Ibuprofen (đối với bé từ 6 tháng tuổi trở lên) hoặc thuốc Acetaminophen để giảm đau hay không.
– Không cho bé dùng Aspirin để giảm đau hạ sốt vì nó có thể khiến bé có nguy cơ mắc hội chứng Reye – căn bệnh hiếm gặp nhưng có khả năng đe dọa tính mạng của bé.
– Tiến hành chườm gạc ấm vào tai cũng có thể giúp giảm đau cho bé.
3.2. Cách phòng tránh viêm tai ngoài ở trẻ em
Phụ huynh nên thực hiện 1 số việc làm đơn giản dưới đây để có thể giúp phòng tránh viêm tai ngoài cho trẻ:
– Làm sạch và giữ cho tai của bé luôn khô ráo. Lau khô tai một cách kỹ càng sau khi bé đi bơi hoặc tắm.
– Không dùng tăm bông để làm sạch sâu bên trong tai của bé.
– Dùng khăn mềm/vải mềm để lau phần bên ngoài tai.
– Cố gắng giảm thiểu lượng nước lọt vào tai khi bé tắm hoặc đi bơi.
– Nếu trẻ dễ bị bệnh viêm tai ngoài, hãy trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng thuốc nhỏ phòng ngừa cho bé.
– Tránh không để trẻ đưa các vật lạ vào bên trong của tai.
Hy vọng bài viết trên đã giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về căn bệnh viêm tai ngoài của trẻ. Để kịp thời phát hiện và phòng ngừa căn bệnh này, bạn đừng quên chú ý theo dõi các dấu hiệu ở tai của bé và tham khảo ý kiến bác sĩ ngay nếu nhận thấy con em mình có dấu hiệu bất thường nhé!
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh