✴️ Xử lý đúng cách trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em

Nội dung

Một trong những vấn đề liên quan đến việc chăm sóc con nhỏ mà nhiều bậc phụ huynh quan tâm đó là trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em. Nhiều người vẫn lầm tưởng tình trạng này chỉ xảy ra ở người lớn mà không biết rằng trẻ nhỏ cũng có thể gặp phải thậm chí là rất thường xuyên. Chính vì vậy, nhiều bậc cha mẹ không chú ý nhận biết bệnh và có hướng xử lý đúng cách, kịp thời.

 

1. Tổng quan trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em

1.1. Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em là bệnh gì?

Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng mà thức ăn từ dạ dày trở ngược lại lên thực quản. Đây là loại tình trạng thường gặp ở người lớn và cả ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Trào ngược dạ dày ở trẻ em có thể là biểu hiện sinh lý khi không ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt bình thường của trẻ hoặc cũng có thể là bệnh lý khi gây ra các biến chứng như viêm thực quản, suy dinh dưỡng và biến chứng lên đường hô hấp.

Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em

Trà ngược dạ dày thực quản là tình tràng thường gặp ở người lớn và ở cả trẻ em, kể cả trẻ sơ sinh

1.2. Nguyên nhân gây trào ngược

Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ có nhiều nguyên nhân gây ra, có thể kể đến như:

– Dạ dày của trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, phát triển chưa hoàn thiện cùng với các đặc điểm là dạ dày nhỏ, dạ dày nằm ngang ở vị trí cao hơn so với người trưởng thành nên sữa và thức ăn sẽ dễ bị trào ngược.

– Bình thường, cơ thắt thực quản dưới sẽ đóng lại khi dạ dày co bóp nhưng ở trẻ em thì cơ chế này chưa được hiệu quả nên thức ăn dễ bị trào ngược lên mỗi khi dạ dày co bóp.

– Trẻ em nằm nhiều nên thức ăn ứ lại tại dạ dày khá lâu nên dễ bị trào ngược lên thực quản.

– Thức ăn của trẻ em chủ yếu là các loại thức ăn ở dạng lỏng, mềm nên dễ đi qua các khe hở và trào ngược lại.

 

2. Cha mẹ cần nhận biết sớm các dấu hiệu trào ngược ở trẻ

Như đã nói trước đó, rất nhiều người nhầm tưởng trào ngược dạ dày thực quản chỉ xảy ra ở người lớn mà không biết rằng tình trạng này cũng có thể xảy ra ở trẻ em thậm chí là rất thường xuyên. Không chỉ vậy, các dấu hiệu nhận biết bệnh ở trẻ khó nhận biết hơn ở người lớn nên các bậc cha mẹ càng cần đặc biệt quan tâm vấn đề này.

Trào ngược dạ dày ở trẻ em thường xuất hiện theo kèm những triệu chứng thường gặp sau đây:

– Trẻ ói hoặc ọc sữa nhiều, có thể qua đường miệng hoặc qua cả mũi.

– Trẻ thường xuyên quấy khóc, thường biếng ăn, đêm ngủ không tròn giấc.

– Chậm tăng cân, nghiêm trọng hơn là suy dinh dưỡng cùng tình trạng thiếu máu kéo dài

– Với những trẻ lớn hơn, có thể xuất hiện cơn đau phía sau xương ức, triệu chứng ợ nóng khó chịu.

– Khi bệnh trở nặng có biến chứng ở đường hô hấp sẽ kèm theo các biểu hiện như ho, khò khè, có khi là thở tím tái. Nếu tình trạng nghiêm trọng, trẻ có thể phải nhập viện vì viêm phổi hoặc các cơn ngừng thở đe dọa trực tiếp tới tính mạng nếu không xử lý kịp thời.

Nhận biết trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em

Cha mẹ cần nhận biết sớm các dấu hiệu trào ngược ở trẻ để có cách xử lý kịp thời

Dấu hiệu nhận biết trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em

– Đối  với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Trẻ bỏ bú, quấy khóc nhiều, ho, khò khè thường xuyên, nôn mạnh thành vòi, trẻ không tăng cân.

– Đối với trẻ lớn: Trẻ thường xuyên buồn nôn, nôn, ở hơi, ợ nóng, cảm nhận được vị chua tại cổ họng, cảm giác nóng rát phía sau xương ức, đôi khi có thể đau bụng hoặc đau khi nuốt, đau bụng vào ban đêm làm trẻ thức giấc, cơn đau có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ.

 

3. Cách cha mẹ xử lý trào ngược dạ dày ở trẻ em

Tùy thuộc vào tuổi của trẻ, tình trạng sức khỏe và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mà cha mẹ sẽ cần có những cách xử lý trào ngược dạ dày phù hợp.

Xử lý trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em

Gợi ý cha mẹ cách xử lý khi trẻ gặp phải tình trạng trào ngược dạ dày thực quản

3.1. Với trẻ lớn

Hãy chia nhỏ thức ăn thành nhiều bữa sẽ giúp cho dạ dày của trẻ thích nghi dần với lượng thức ăn nạp vào của mỗi bữa.

3.2. Với trẻ nhỏ còn bú bình

Cha mẹ hãy giữ núm vú luôn đầy sữa khi cho trẻ bú để tránh việc trẻ nuốt không khí vào. Đồng thời nên lưu ý khi lựa chọn núm vú bình sữa phù hợp với trẻ, tránh những núm vú quá to để sữa chảy nhanh sẽ dễ khiến trẻ bị sặc.

Có thể thêm một lượng nhỏ ngũ cốc pha lẫn sữa mẹ hoặc sữa công thức sẽ giúp tăng độ đặc của sữa và góp phần ngăn chặn dịch axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản.

Bên cạnh đó, tư thế cho bé bú cũng rất quan trọng trong việc hẹn chế tình trạng trào ngược dạ dày. Khi cho bé bú, nên để đầu bé cao hơn khoảng 30 độ so với mặt phẳng đặt bé nằm để thực quản sẽ cao hơn so với dạ dày. Nhờ vậy khi bú, ăn cũng như khi ngủ thì sữa và thức ăn sẽ hạn chế bị trào ngược lên thực quản.

Trong trường hợp đã thực hiện tất cả các biện pháp nêu trên nhưng tình trạng trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em không có dấu hiệu thuyên giảm thì cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chuyên khoa tiến hành thăm khám, tư vấn và điều trị.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top