✴️ Điều trị dự phòng phơi nhiễm với HIV

A. Điều trị dự phòng cho người bị phơi nhiễm với HIV trong nghề nghiệp

I. Nguyên tắc chung

Tư vấn cho người bị phơi nhiễm với máu, dịch cơ thể có nguy cơ lây nhiễm của người HIV(+).

Cần lấy máu thử ngay HIV và điều trị ngay không cần chờ kết quả xét nghiệm.

Thử lại HIV sau khi dùng thuốc 1 tháng; 3 tháng và 6 tháng.

Không điều trị tổn thương không làm xây xát da mà chỉ cần rửa sạch da.

II. Đánh giá mức độ phơi nhiễm và xử trí vết thương tại chỗ

1. Đánh giá tính chất phơi nhiễm

Kim đâm

Cần xác định vị trí tổn thương.

Xem kích thước kim đâm (nếu kim to và rỗng thì nguy cơ lây nhiễm cao).

Xem độ sâu của vết kim đâm

Nhìn thấy chảy máu khi bị kim đâm.

Vết thương do dao mổ, do ống nghiệm đựng máuchất dịch của bệnh nhân nhiễm HIV bị vỡ đâm vào da, cần xác định độ sâu và kích thước của vết thương.

Da bị tổn thương từ trước và niêm mạc.

Da có các tổn thương do: Chàm, bỏng hoặc bị viêm loét từ trước.

Niêm mạc mắt hoặc mũi họng.

2. Xử trí ngay tại chỗ

Da: Rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch, sau đó sát trùng bằng dung dịch Dakin hoặc nước Javel pha loãng 1/10 hoặc cồn 70o, để tiếp xúc nơi bị tổn thương ít nhất 5 phút.

Mắt: Rửa mắt với nước cất hoặc dung dịch natri clorid đẳng trương (0,9%), sau đó nhỏ mắt bằng nước cất liên tục trong 5 phút.

Miệng, mũi: Rửa mũi bằng nước cất, súc miệng bằng dung dịch natri clorid đẳng trương (0,9%).

III. Điều trị dự phòng

Thời gian điều trị tốt nhất là ngay từ những giờ đầu tiên (2- 3 giờ sau khi xảy ra tai nạn), muộn nhất không quá 7 ngày.

Nếu tổn thương chỉ xây xước da không chảy máu hoặc máu, dịch của bệnh nhân bắn vào mũi  họng thì phối hợp 2 loại thuốc trong thời gian 1 tháng (có phác đồ riêng).

Nếu tổn thương sâu, chảy máu nhiều thì phối hợp 3 loại thuốc trong thời gian 1 tháng (có phác đồ riêng).

 

B. Điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con

Điều trị người mang thai nhiễm HIV với mục đích làm giảm lây nhiễm từ mẹ sang con, nếu người mẹ và gia đình sau khi được tư vấn vẫn muốn giữ thai.

1. Điều trị trước khi và trong khi đẻ

Tùy điều kiện có thể chọn một trong hai phác đồ sau:

Phác đồ sử dụng nevirapin

Chỉ định: Khi bắt đầu chuyển dạ thực sự hoặc trước khi mổ lấy thai.

Điều trị: Uống một lần duy nhất 1 viên nevirapin 200 mg.

Theo dõi cuộc chuyển dạ và tiếp tục đỡ đẻ như bình thường.

Phác đồ sử dụng zidovudin

Zidovudin 600 mg/ngày, chia 2 lần, uống bắt đầu từ tuần thai thứ 36 đến khi chuyển dạ. Trong trường hợp thai phụ đến muộn (sau tuần thứ 36), cũng cho uống với liều trên cho đến khi chuyển dạ.

Trong khi chuyển dạ đẻ, tiếp tục dùng zidovudin 300 mg/lần, cứ 3 giờ cho uống 1 lần đến lúc cặp và cắt dây rốn thì ngừng uống thuốc.

Cần cho thêm thuốc chống thiếu máu bằng cách bổ sung viên sắt hoặc acid folic.

Nếu người mẹ có nhiễm khuẩn cơ hội kèm theo thì điều trị như những người bệnh nhiễm khuẩn cơ hội khác hoặc gửi đi khám chuyên khoa để có chỉ định dùng thuốc đúng và hợp lý.

2. Các điểm cần thực hiện đúng khi đỡ đẻ

Đối với sản phụ

Đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối khi đỡ đẻ.

Lau âm đạo nhiều lần bằng bông tẩm dung dịch benzalkonium clorid hay clorhexidin 0,2%.

Không cạo lông vùng vệ.

Chỉ mổ lấy thai khi có chỉ định sản khoa.

Tư vấn cho người mẹ về lợi ích của việc nuôi trẻ bằng sữa thay thế nếu có điều kiện, để giảm bớt nguy cơ lây truyền bệnh.

Đối với trẻ mới sinh

Không đặt điện cực vào đầu thai nhi.

Không lấy máu da đầu thai nhi làm pH.

Tắm cho trẻ ngay sau khi sinh.

Ngay sau khi trẻ được sinh ra, cán bộ y tế buồng đẻ phải thông báo cho cho khoa Nhi để trẻ được chăm sóc đặc biệt tại khoa Sản và khoa Nhi của bệnh viện.

3. Điều trị sau khi sinh

Nếu người mẹ uống nevirapin thì cho con uống duy nhất một lần siro nevirapin 2 mg/kg cân nặng, trong vòng 72 giờ sau khi sinh.

Nếu người mẹ uống zidovudin thì cho con uống siro zidovudin 2 mg/kg/6 giờ, bắt đầu khoảng 8 - 10 giờ sau khi sinh, kéo dài trong 6 tuần. Trường hợp không có siro zidovudin thì sử dụng siro nevirapin như trên.

Với những thai còn nhỏ (dưới 3 tháng), sau khi được tư vấn, nếu thai phụ và gia đình đồng ý phá thai thì giải quyết hút hay nạo thai tùy theo tuổi thai. Những trường hợp này sẽ được thực hiện ở nơi có cơ sở phẫu thuật (có bác sĩ chuyên khoa sản, phòng mổ).

Sau khi phá thai, tiếp tục điều trị như các trường hợp bệnh nhân nhiễm HIV khác.

Nếu thai phụ muốn giữ thai thì y tế cơ sở nên gửi đến khoa sản bệnh viện tỉnh hoặc tuyến kỹ thuật cao hơn để được quản lý.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top