Các thuốc hạ cholesterol máu

Tuy nhiên quá nhiều cholesterol lại có thể gây tắc động mạch và dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết này liệt kê các nhóm thuốc hạ cholesterol đang được sử dụng trong điều trị.

Có hai dạng cholesterol chính: lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) và lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL). HDL cholesterol được coi là loại cholesterol tốt. Nó giúp loại bỏ cholesterol trong thành mạch máu và vận chuyển tới gan để đào thải ra ngoài qua nước tiểu. Trái lại, LDL cholesterol là loại cholesterol xấu do nó có thể bám vào thành mạch và cản trở lưu thông máu. Tình trạng tắc mạch do tích lũy quá nhiều cholesterol sẽ khiến tim phải làm việc vất vả hơn. Do vậy, những người có mức nồng độ LDL cao cũng có nguy cơ bị mắc các bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Đây là lý do tại sao chúng ta cần duy trì nồng độ LDL ở mức thấp trong máu.

Áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh và tăng cường hoạt động thể lực là bước đầu tiên trong việc cải thiện cholesterol máu. Tuy nhiên, chế độ ăn và điều chỉnh lối sống đôi khi không hiệu quả với một số người. Trong trường hợp này, bác sỹ có thể kê cho bạn một số thuốc giúp hạ LDL cholesterol hoặc tăng HDL cholesterol. Dưới đây là một số thuốc thường được kê phổ biến.

 

Các statin

Các statin ức chế tổng hợp cholesterol tại gan và giúp loại bỏ cholesterol thừa khỏi thành mạch máu. Mặc dù các statin có hiệu quả rất tốt trong việc làm giảm LDL cholesterol nhưng chúng chỉ làm tăng nhẹ nồng độ HDL cholesterol. Một số thuốc thuộc nhóm này gồm có:

  • atorvastatin (Lipitor)
  • fluvastatin (Lescol)
  • lovastatin (Altoprev and Mevacor)
  • pitavastatin (Livalo)
  • pravastatin (Pravachol)
  • rosuvastatin Calcium (Crestor)
  • simvastatin (Zocor)

Không nên sử dụng statin nếu bạn đang mắc bệnh gan hoặc đang mang thai. Bạn cũng nên tránh dùng chung thuốc với nước ép bưởi chùm.

Các tác dụng phụ của statin gồm có:

  • táo bón
  • tiêu chảy
  • hoa mắt
  • đầy bụng
  • đau đầu
  • đau dạ dày
  • đau cơ

Các statin cũng có mặt trong một số loại thuốc kết hợp với các thuốc hạ cholesterol máu khác để thu được tác dụng hiệp đồng như:

  • lovastatin với niacin (Advicor)
  • simvastatin với ezetimibe (Vytorin)
  • atorvastatin với amlodipine (Caduet)

Cần lưu ý phụ nữ mang thai, cho con bú  hoặc người đang mắc bệnh gan không nên sử dụng Vytorin hay Advicor. Cũng không nên sử dụng các loại thuốc kết hợp này với nước ép bưởi chùm. Các tác dụng phụ bao gồm:

  • đau đầu
  • đau bụng
  • ban đỏ trên mặt và cổ
  • loạn nhịp tim
  • vã mồ hôi
  • ớn lạnh

 

Các resin liên kết với acid mật

Resin tạo phức chelat với acid mật, cản trở việc nhũ hóa các lipid ở ruột dẫn đến giảm hấp thu và tăng thải trừ các lipid qua phân. Khi sử dụng các thuốc nhóm này, cơ thể sẽ đáp ứng bằng cách tăng sử dụng cholesterol để sản xuất acid mật. Do vậy, nồng độ cholesterol trong máu sẽ hạ xuống. Các thuốc nhóm này bao gồm:

  • cholestyramine (Locholest, Prevalite và Questran)
  • colesevelam (Welchol)
  • colestipol (Colestid)

Những người mắc bệnh về gan và túi mật nên tránh sử dụng nhóm thuốc này. Các tác dụng phụ bao gồm:

  • táo bón
  • đầy hơi
  • ợ nóng
  • khó tiêu
  • buồn nôn

 

Chất ức chế hấp thu chọn lọc cholesterol

Chất ức chế hấp thu chọn lọc cholesterol giúp giảm nồng độ LDL cholesterol bằng cách ức chế hấp thu tại ruột. Chúng có tác dụng trung bình đối với khả năng làm tăng nồng độ HDL cholesterol. Thuốc đầu tiên thuộc nhóm này, ezetimibe (Zetia) được chấp nhận lần đầu tiên vào năm 2002. Những người mắc bệnh gan không nên sử dụng loại thuốc này. Các tác dụng phụ bao gồm:

  • Đau dạ dày
  • Mệt mỏi
  • Đau khớp
  • Tiêu chảy
  • Hoa mắt
  • Đau đầu
  • Đau họng
  • Sổ mũi
  • Hắt hơi

 

Các fibrate

Các fibrate được sử dụng đơn độc hay kết hợp với các thuốc khác. Chúng giúp làm giảm nồng độ triglyceride và tăng mức nồng độ HDL cholesterol. Một số thuốc nhóm này bao gồm:

  • Clofibrate (Atromid-S)
  • Gemfibrozil (Lopid)
  • Fenofibrate (Antara, Lofibra, và Triglide)

Những người đang mắc bệnh thận, bệnh túi mật hay bệnh gan đều không nên sử dụng fibrate. Các tác dụng không mong muốn của nhóm thuốc này bao gồm:

  • Táo bón
  • Tiêu chảy
  • Hoa mắt
  • Đau đầu
  • Đau dạ dày

Lưu ý: khi sử dụng kèm với statin, các fibrate có thể làm nặng thêm các tác dụng phụ trên cơ.

 

Acid béo omega-3 (dầu cá)

Một acid béo omega-3 kê đơn có tên là Lovaza có thể được sử dụng để điều trị tình trạng tăng triglyceride máu rất cao (trên 500 ml/dL). Acid béo omega-3 cũng sẵn có dưới dạng thực phẩm chức năng nhưng với liều thấp hơn. Các tác dụng không mong muốn bao gồm:

  • Đau lưng
  • Ợ hơi
  • Các triệu chứng giống cúm
  • Đau bụng
  • Ban da
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng

 

Niacin (Acid nicotinic)

Các thuốc chứa niacin kê đơn (vitamin B3) giúp cải thiện nồng độ cholesterol máu bằng cách tăng nồng độ HDL và giảm nồng độ LDL và triglyceride. Khi sử dụng kết hợp với các statin, niacin có thể làm tăng nồng độ HDL lên tới hơn 30%. Mặc dù các thuốc chứa niacin dưới dạng không kê đơn rất sẵn có tại các hiệu thuốc nhưng những thuốc này không có hiệu quả trong điều trị cholesterol máu cao. Niacin chủ yếu được kê cho những người không thể dung nạp các statin do tác dụng phụ. Một số biệt dược của niacin trên thị trường:

  • Niacor
  • Niaspan
  • Slo-Niacin

Những người mắc bệnh tiểu đường nên tránh sử dụng niacin do thuốc có thể làm tăng đường huyết. Những tác dụng phụ khác bao gồm:

  • Đỏ bừng mặt và cổ
  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Tiêu chảy
  • Vàng da, vàng mắt
  • Tăng men gan
  • Loét dạ dày
  • Ngứa
  • Cảm giác ngứa ran ở chân và bàn chân

 

Chất ức chế PCSK9

Chất ức chế PCSK9 là các kháng thể đơn dòng, một dạng thuốc sinh học. Đây là nhóm thuốc mới được sử dụng để điều trị cho những người bị cholesterol máu cao. Chúng giúp hạ cholesterol theo cơ chế bất hoạt một protein tên gọi là proprotein convertase subtilisin kexin 9. Loại protein đặc biệt này làm giảm số lượng receptor ở gan làm nhiệm vụ loại bỏ LDL cholesterol khỏi máu. Khi PCSK9 bị bất hoạt bởi chất ức chế PCSK9, các receptor đặc hiệu tại gan sẽ có thể loại bỏ các LDL cholesterol khỏi máu. Kết quả là nồng độ cholesterol máu giảm xuống. Nhóm thuốc này được sử dụng trong những trường hợp tăng cholesterol máu nặng, như chứng tăng cholesterol máu có tính chất gia đình.

Vào năm 2015, Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ FDA đã chấp nhận sự lưu hành của các thuốc ức chế PCSK9 đầu tiên: Praluent (alirocumab) và Repatha (evolocumab). Cả hai thuốc này đều ở dạng tiêm và có thể được sử dụng để điều trị cho những người không đáp ứng với những thuốc hạ mỡ máu khác. Các nghiên cứu chỉ ra rằng cả hai chất ức chế PCSK9 này đều rất hiệu quả trong việc làm giảm mức nồng độ cholesterol máu và cải thiện tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân.

Tuy nhiên các PCSK9 đều có nhược điểm của chúng. Cả hai thuốc trên cần phải được tiêm sau mỗi 2-4 tuần, nên gây bất tiện cho khá nhiều người. Chúng cũng là những thuốc rất đắt tiền.

Một số tác dụng không mong muốn của các chất ức chế PCSK9 bao gồm:

  • Ngứa, sưng, đau, bầm tím ở vị trí tiêm
  • Đau lưng
  • Lú lẫn
  • Khó tập trung
  • Các triệu chứng cảm lạnh
  • Cúm
  • Phản ứng dị ứng như phát ban và mày đay

 

Tóm lại

Hầu hết các thuốc hạ cholesterol máu đều có tác dụng khá tốt và ít gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên, hiệu quả của mỗi phương pháp điều trị lại phụ thuộc vào tùy từng đối tượng. Bạn cần trao đổi với bác sỹ để tìm ra nhóm thuốc điều trị phù hợp nhất cho bản thân bạn. Bạn cũng cần thông báo cho bác sỹ về bất cứ loại thuốc nào khác hiện đang sử dụng để hạn chế tương tác với thuốc hạ cholesterol máu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top