✴️ Chlorhexidin digluconat

Nội dung

DƯỢC LỰC

Chlorhexidin, một bisbiguanid sát khuẩn và khử khuẩn, có hiệu quả trên phạm vi rộng đối với các vi khuẩn Gram dương và Gram âm, men, nấm da và các virus ưa lipid (kể cả HIV). Thuốc không có hoạt tính trên các bào tử vi khuẩn trừ khi ở nhiệt độ cao.

Chlorhexidin được dùng để khử khuẩn ở da, vết thương, vết bỏng, đường âm đạo, làm sạch dụng cụ và các mặt cứng (mặt bàn bằng gạch men hoặc thép không rỉ).

Ngoài ra, chlorhexidin có thể phòng ngừa việc tạo thành cao răng và bảo vệ chống lại viêm lợi, thậm chí ở nồng độ rất thấp. Thuốc có tác dụng phòng ngừa sâu răng. Cũng đã xác định được là sau một lần súc miệng, hoạt tính kháng khuẩn còn duy trì được đến 8 giờ.

 

DƯỢC ĐỘNG HỌC

Chlorhexidin rất ít hấp thu vào cơ thể qua đường tiêu hóa khi rà miệng, qua da cũng như sau khi rửa âm đạo.

Lau toàn bộ âm đạo trong một phút bằng bông gạc tẩm dung dịch chlorhexidin gluconat 4%, không phát hiện thấy có chlorhexidin trong máu (phương pháp có độ nhạy 0,1 microgam/ml). Với phương pháp nhạy gấp 10 lần (độ nhạy 0,01 microgam/ml), sau khi rửa âm đạo với dung dịch 0,2%, nồng độ chlorhexidin trung bình trong máu là 0,01 - 0,08 microgam/ml. Không thấy chlorhexidin tích lũy trong máu người mẹ sau khi rửa âm đạo lần thứ hai sau 6 giờ và lần thứ ba sau 6 giờ nữa.

 

CHỈ ĐỊNH

Dung dịch súc miệng: Dùng tại chỗ khi miệng và họng cần phải điều trị chống nhiễm khuẩn và chống viêm. Súc miệng thật kỹ sẽ cho kết quả tốt đặc biệt là viêm miệng, viêm lợi.

Trong điều trị bệnh loét áp tơ, dùng dung dịch súc miệng không pha loãng thấm vào vết loét. Dung dịch súc miệng dùng rất tốt trong khoa răng, có tác dụng tốt trong điều trị nhiễm khuẩn tại chỗ và sát khuẩn sau phẫu thuật.

Dùng dung dịch súc miệng sau các phẫu thuật khác ở miệng sẽ cải thiện được sự liền sẹo và giúp ngừa nhiễm khuẩn.

Khí dung vào miệng

Khí dung vào miệng được chỉ định trong các trường hợp nhiễm khuẩn không đặc hiệu gây ra đau họng hoặc viêm ở miệng nói chung, cũng như các trường hợp như viêm amiđan, viêm họng và loét áp tơ.

Khí dung vào miệng rất tiện dụng trong các thao tác về răng như dùng sau nhổ răng, vì thuốc có tác dụng giảm đau và có hoạt tính kháng khuẩn.

Ðiều trị viêm và đau lợi bằng cách xịt trực tiếp vào đó, và có thể lặp lại nhiều lần để đỡ khó chịu và duy trì nồng độ kháng khuẩn cao.

Khí dung miệng có công dụng hiệu quả nhất trong lĩnh vực phẫu thuật khoang miệng để giảm đau sau phẫu thuật và phòng ngừa nhiễm khuẩn.

Băng gạc tẩm thuốc

Phòng và điều trị nhiễm khuẩn trong các trường hợp như phẫu thuật, chấn thương và loét (do giãn tĩnh mạch, đái tháo đường và do dinh dưỡng), rách da, chỗ da bị hớt, côn trùng đốt, vết thương do chọc dò, tổn thương do bị kẹp ép, bỏng nhiệt và bỏng nước, miếng ghép da (chỗ da cho và da nhận), nhổ hoặc thay móng tay, móng chân, cắt bao qui đầu, các đường khâu trên da, các trường hợp da bị nhiễm khuẩn thứ cấp (như eczema, viêm da, zona), mở thông đại tràng, hồi tràng, khí quản, chỗ trích rạch áp xe, trích rạch viền móng.

Kem dùng ngoài

Chế phẩm kháng khuẩn dùng làm thuốc sát khuẩn và làm trơn trong thực hành sản phụ khoa.

Dung dịch rửa

Chế phẩm kháng khuẩn và sát khuẩn dùng ngoài da, dùng trong phụ khoa và phẫu thuật (xem phần Liều lượng và cách dùng).

 

LIỀU LƯỢNG - CÁCH DÙNG

Chế phẩm rà miệng

Viên ngậm: Người lớn: 1 viên ngậm, ngày 4 lần. Khoảng cách giữa các lần phải ít nhất 2 giờ. Trẻ em

6 - 15 tuổi: 1 viên ngậm, ngày 2 - 3 lần. Khoảng cách giữa các lần ít nhất phải 4 giờ.

Dung dịch súc miệng

Người lớn: Súc miệng dung dịch 0,02 - 0,05%, ngày 1 - 6 lần, trong viêm miệng - hầu (ngày 3 - 6 lần để điều trị nhiễm khuẩn; ngày1 - 2 lần để vệ sinh miệng nói chung).

Trẻ em trên 12 tuổi: Súc miệng ngày 1 - 3 lần trong viêm miệng - hầu. Khoảng cách giữa các lần ít nhất 4 giờ.

Khí dung vào miệng: Xịt vào miệng và họng, ngày 3 - 5 lần.

Băng gạc tẩm thuốc: Sau khi rửa sạch, đặt lớp băng gạc lên, và thay đổi băng gạc khi cần, tùy theo lượng dịch rỉ tiết ra.

Bệnh da và tĩnh mạch

Trứng cá, trầy da, nấm da, bệnh da nhiễm khuẩn và bội nhiễm, loét do giãn tĩnh mạch. Làm sạch và khử khuẩn dùng dung dịch 0,05 - 0,1% để rửa, rồi tráng bằng nước.

Phụ khoa

Ðiều trị viêm âm đạo, viêm âm hộ, viêm âm đạo - âm hộ do nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, nhiễm ký sinh vật: Dùng dung dịch 0,05 - 0,1% để rửa, rồi tráng bằng nước. Với thuốc kem, bôi trên da quanh âm hộ và đáy chậu.

 

NGOẠI KHOA

Rửa sạch và khử khuẩn vết thương: Dùng dung dịch 0,01 - 0,05%.

Vô khuẩn tay: Dùng dung dịch 0,05 - 0,1% để rửa tay, rồi tráng sạch.

Vô khuẩn dụng cụ: Dụng cụ ngâm trong dung dịch 0,1%.

Các dung dịch đậm đặc hơn phải pha loãng với nước cất hoặc nước muối sinh lý vô khuẩn đến nồng độ thích hợp trước khi dùng.

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Có tiền sử quá mẫn với chlorhexidin và các thành phần của thuốc.

Không dùng chlorhexidin vào não, màng não, các mô dễ nhạy cảm và tai giữa. Thuốc có thể gây điếc nếu nhỏ vào tai giữa.

 

TÁC DỤNG PHỤ

Các phản ứng mẫn cảm (kích ứng da) có thể xảy ra trong điều trị viêm da tiếp xúc. Dung dịch nồng độ cao có thể gây kích ứng kết mạc và các mô nhạy cảm khác. Phản ứng dị ứng nặng có thể dẫn đến hạ huyết áp rất nhiều hoặc đỏ bừng toàn thân.

Chlorhexidin gây ra màu nâu ở lưỡi và răng, nhưng hồi phục sau khi ngừng điều trị. Có thể gây tê lưỡi.

Có thể xảy ra rối loạn vị giác tạm thời và cảm giác nóng rát ở lưỡi khi mới dùng thuốc

Mũi: Có thể xảy ra giảm khứu giác tạm thời.

Ðã có trường hợp bong niêm mạc miệng và đôi khi sưng tuyến mang tai khi dùng dung dịch súc miệng. Nếu xảy ra bong niêm mạc, phải pha loãng gấp đôi dung dịch súc miệng với nước.

Thường gặp, ADR >1/100

Toàn thân: Chóng mặt.

Tuần hoàn: Nhịp tim nhanh.

Tiêu hóa: Khô miệng.

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

Da: Phản ứng mẫn cảm, kích ứng da.

Toàn thân: Viêm miệng, các phản ứng dị ứng.

Hiếm gặp, ADR < 1/1000

Toàn thân: Sốc phản vệ, viêm tuyến mang tai.

Da: Mày đay, dị ứng da.

Hướng dẫn cách xử trí ADR

Các phản ứng không mong muốn thường nhẹ và hồi phục. Nếu có phản ứng nặng (sốc phản vệ) phải điều trị chống sốc (xem chuyên luận cấp cứu nội khoa).

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top