Giảm buồn nôn nhờ bấm huyệt

Nội dung

Cảm giác buồn nôn, muốn nôn hoặc đau bụng là một triệu chứng phổ biến do nhiều nguyên nhân gây ra. Bấm huyệt là một cách có thể giúp giảm bớt sự khó chịu do buồn nôn. Có một số huyệt giúp cải thiện cảm giác buồn nôn khó chịu mà bạn có thể tự bấm để cải thiện tình trạng của mình. Tuy nhiên, một số huyệt sẽ cần những người có chuyên môn như thầy thuốc đông y mới có thể xác định đúng để tác động đến các huyệt đó.

Khi thử bấm huyệt tại nhà, có một số điều cần lưu ý:

  • Sử dụng ngón tay cái hoặc ngón trỏ của bạn để xoa bóp các huyệt.
  • Bạn cũng có thể dùng nhiều ngón tay hoặc mu bàn tay để ấn vào những huyệt này.
  • Sử dụng lực vững chắc nhưng nhẹ nhàng.
  • Sử dụng chuyển động tròn khi tạo áp lực lên các huyệt.
  • Nhấn ít nhất hai đến ba phút vào mỗi huyệt.
  • Lặp lại một vài lần một ngày.
  • Tiếp tục điều trị trong vài ngày hoặc cho đến khi bạn bắt đầu cảm thấy nhẹ nhõm.

Huyệt nội quan

Bấm huyệt nội quan là huyệt nằm ở mặt trong cổ tay. Nghiên cứu cho thấy rằng huyệt nội quan có thể giúp mọi người đối phó với chứng buồn nôn do gây mê và phẫu thuật. Cách xác định và bấm huyệt nội quan:

  • Để ngửa lòng bàn tay.
  • Để tìm đúng vị trí, hãy dùng 3 ngón tay ép sát vào nhau, đặt từ phần chỉ của cổ tay lên phía trên là cánh tay. Huyệt nằm giữa hai đường gân lớn ở giữa cổ tay. Ấn nhẹ vào vị trí này.
  • Lặp lại trên cổ tay bên kia

 

Huyệt hợp cốc

Huyệt hợp cốc trên tay giúp giảm buồn nôn do đau đầu, đau và các vấn đề về tiêu hóa. Các xác định huyệt hợp cốc: Bạn khép chặt các ngón tay cái và ngón trỏ. Vị trí huyệt sẽ nằm ngay điểm cao nhất của phần cơ nối giữa ngón trỏ và ngón cái. Đây là khu vực mà ngón tay cái của bạn kết nối với các ngón tay. Tuy nhiên bạn cần lưu ý không nên tác động lên huyệt hợp cốc của mình khi đang mang thai.

 

Huyệt thái xung

Huyệt thái xung nằm trên bàn chân của bạn được liên kết với gan của bạn. Cách xác định huyệt thái xung:

  • Để chân song song dưới sàn nhà, đưa tay lên tìm điểm sau của khe giữa ở ngón chân cái và ngón thứ 2.
  • Từ vị trí khe giữa đó lên 1.5 thốn (khoảng 3cm) chính là huyệt thái xung. Huyệt nằm ở vùng lõm của hai xương ngón chân 1 và 2.
  • Lặp lại trên chân kia của bạn.

 

Huyệt công tôn

Huyệt công tôn ở bên trong bàn chân của bạn được kết nối với lá lách, giúp giảm buồn nôn do các vấn đề về dạ dày. Cách xác định huyệt công tôn:

Huyệt công tôn nằm ở dưới 2 gang bàn chân, phần lõm nhất nơi tiếp nối giữa xương nối xương cổ chân và ngón chân cái. Trượt tay từ ngón chân cái sang cạnh bàn chân. Điểm này là nơi bàn chân của bạn bắt đầu cong. Bạn sẽ cảm thấy bàn chân hơi cong xuống ở huyệt công tôn.

 

Huyệt túc tam lý

Huyệt túc tam lý nằm ở cẳng chân của bạn, ngay dưới xương bánh chè. Xoa bóp huyệt này có thể làm giảm buồn nôn và đau, cũng như giúp giải quyết các vấn đề sức khỏe khác. Cách xác định huyệt túc tam lý:

  • Ngồi xuống và đặt tay lên xương bánh chè.
  • Nhấn vào vị trí tương ứng ngón tay út đang chùm lên đầu gối
  • Huyệt túc tam lý nằm ở trước mào xương chày, ngay dưới đầu gối.

 

Huyệt tỳ du

Huyệt tỳ du nằm trên lưng của bạn được liên kết với bàng quang và lá lách. Cách xác định huyệt tỳ du:

  • Nằm sấp xuống.
  • Cho tay ra sau lưng sau đó xác định vị trí gai sống lưng thứ 11.
  • Các huyệt nằm ở hai bên cột sống, từ phần dưới gai sống lưng thứ 11 đo ngang qua 1.5 thốn (3cm)

 

Huyệt u môn

Huyệt u môn được sử dụng để giảm buồn nôn và nôn. Một số nghiên cứu cho thấy bấm huyệt u môn có tác dụng giảm buồn nôn. Bạn sẽ cần một chuyên viên bấm huyệt để bấm huyệt này. Cách xác định huyệt u môn

  • Nằm ngửa.
  • Huyệt ở vùng bụng trên của bạn.
  • Huyệt u môn nằm ngay bên dưới xương ức ở hai bên giữa bụng của bạn.

 

Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?

Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn bị buồn nôn kéo dài hoặc nếu bạn cảm thấy buồn nôn mà không có lý do rõ ràng. Buồn nôn có thể là triệu chứng báo hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bạn cũng nên đi khám nếu tình trạng buồn nôn của bạn không cải thiện hoặc nếu bạn buồn nôn và đi kèm các triệu chứng sau:

  • Đau ngực
  • Đổ mồ hôi nóng hoặc lạnh
  • Chóng mặt
  • Đau bụng

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top