✴️ Xoắn buồng trứng ở trẻ em

ĐẠI CƯƠNG

Xoắn buồng trứng là tình trạng các dây chằng treo buồng trứng bị xoắn vặn, thường gây giảm lượng máu nuôi buồng trứng. 

Xoắn buồng trứng có thể gặp ở tất cả mọi lứa tuổi, là bệnh cảnh cấp cứu phụ khoa đứng hàng thứ 5. Chiếm 2,7% trường hợp đau bụng cấp ở trẻ, 15% trường hợp xoắn buồng trứng là xảy ra ở trẻ em.

Buồng trứng bên phải thường gặp hơn bên trái (~3/2). U lành thường gây xoắn hơn u ác. Nghiên cứu cho thấy <1,1 – 2% trường hợp liên quan bệnh ác tính. Không có mối liên quan đặc hiệu nào giữa kích thước buồng trứng và nguy cơ xoắn. Một buồng trứng hoàn toàn bình thường về đại thể cũng có thể bị xoắn.

 

CHẨN ĐOÁN

Chẩn đoán xác định xoắn buồng trứng chỉ có khi phẫu thuật. Luôn phải nghĩ đến xoắn buồng trứng ở trẻ gái đau hạ vị ở bất kì tuổi nào. Chẩn đoán lâm sàng quyết định sự thành công của điều trị bảo tồn buồng trứng. 

Lâm sàng

Triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu, thường là đau bụng cấp vùng hạ vị (83%) và khối vùng hạ vị (72%) có thể kèm buồn ói hoặc ói.

Cận lâm sàng:

Siêu âm:

Siêu âm Doppler dù có dòng máu nuôi buồng trứng hay không cũng không có giá trị chẩn đoán ở trẻ em. Dấu hiệu xoáy nước (whirlpool sign) cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định giá trị.

Khả năng chẩn đoán xoắn buồng trứng của siêu âm rất kém. Một buồng trứng trông bình thường, có dòng máu nuôi trên Doppler không thể loại trừ chẩn đoán xoắn.

CT-scan và MRI:

Có thể thấy các dấu hiệu:

Phần phụ tăng kích thước.

Bờ phần phụ nhẵn.

Thành dày.

Tử cung nằm lệch qua bên phần phụ bị xoắn.

Dịch tiểu khung.

Hình ảnh xoắn cuống buồng trứng.

Chỉ dấu ung thư:

β-HCG, αFPvà CA-125 tăng có thể nghi ngờ nhiều là u ác. Kết quả bình thường không loại trừ u ác.

β-HCG có thể tăng cao khi có thai ngoài tử cung.

Chẩn đoán phân biệt:

Viêm ruột thừa.

Viêm hạch mạc treo.

Viêm vùng chậu.

Viêm dạ dày - ruột.

Thai ngoài tử cung

Sỏi thận.

Thoát vị ống Nuck nghẹt (có thể đồng thời).

 

ĐIỀU TRỊ

Xoắn buồng trứng là có chỉ định phẫu thuật. Phẫu thuật nội soi vừa giúp chẩn đoán xác định, vừa giảm được các biến chứng sau mổ.

Trẻ sơ sinh: Nang buồng trứng phát hiện trên siêu âm tiền sản mêm được theo dõi bằng siêu âm mỗi 4 – 6 tuần từ sau sinh.

Nang < 4cm: thường tự biến mất. Nếu có dấu hiệu xoắn, xuất huyết hoặc viêm phúc mạc: Phẫu thuật thám sát.

Nang > 3 – 4cm: tăng nguy cơ xoắn nên dù không có triệu chứng cũng nên cắt nang hoặc mở cửa sổ thoát dịch qua nội soi.

Trẻ lớn hơn: phẫu thuật khi nghi ngờ xoắn, nội soi nên được sử dụng.

 

LƯU ĐỒ CHẨN ĐOÁN VÀ XỬ TRÍ XOẮN BUỒNG TRỨNG

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top