Chỉ định điều trị dùng trong trường hợp suy tim, rung nhĩ và cuồng động nhĩ nhất là khi có tần số thất quá nhanh, nhịp nhanh trên thất kịch phát.
Dược chất chính: Digoxin
Loại thuốc: Thuốc chống loạn nhịp, glycosid trợ tim
Dạng thuốc, hàm lượng: Viên nén 0.25 mg
Chỉ định điều trị dùng trong trường hợp suy tim, rung nhĩ và cuồng động nhĩ nhất là khi có tần số thất quá nhanh, nhịp nhanh trên thất kịch phát.
Cách dùng
Thuốc dùng đường uống.
Liều dùng
Liều dùng người lớn:
Ðiều trị chậm bằng digoxin: Liều bình thường dùng một lần trong ngày là 125 - 500 microgam (0,125 - 0,500 mg) dưới dạng viên nén. Có thể chia liều hàng ngày thành 2 lần, một buổi sáng và một buổi chiều. Mức liều điều trị dự định (trạng thái ổn định) đạt được trong vòng 5 - 10 ngày, nếu người bệnh có chức năng thận bình thường. Ðiều quan trọng là phải dùng liều duy trì với thời biểu dùng thuốc rất đều đặn.
Ðiều trị cấp tính, nhanh bằng digoxin: Áp dụng phương pháp này ở người bệnh cần đạt mức liều điều trị nhanh. Không bao giờ cho thuốc mà không có sự theo dõi liên tục người bệnh. Bác sỹ chịu trách nhiệm điều trị người bệnh phải bảo đảm sự theo dõi liên tục qua ghi điện tim và nhân viên y tế đã được huấn luyện.
Người bệnh cân nặng 70 kg và không béo, nói chung có thể cần 1500 microgam (1,5 mg) uống. Dùng liều này như sau: Bắt đầu 750 - 1000 microgam (0,75 - 1 mg) uống. Khi cần, thì cho một liều khác: 500 microgam (0,50 mg) uống, cứ 6 giờ một lần, cho tới khi đạt tác dụng đầy đủ. Tổng liều ngày đầu không được quá 2000 microgam (2 mg).
Liều người cao tuổi:
Dùng liều digoxin quá thấp cho người cao tuổi không thỏa đáng (liều như vậy thường cho 1 nồng độ dưới mức điều trị) và liều phải cho tùy theo người bệnh (62,5 microgam/ngày).
Liều trẻ em:
Không dùng viên nén digoxin cho trẻ em dưới 5 tuổi. Khi dùng digoxin cho trẻ nhỏ, phải tính liều theo những thay đổi quan trọng về khả năng thải trừ digoxin của đứa trẻ, trong 6 tháng đầu sau khi đẻ.
Tác dụng phụ không mong muốn:
5 - 30% người bệnh dùng digoxin có tác dụng phụ. Những tác dụng phụ này do quá liều hoặc do kết quả của mất cân bằng điện giải ở người bệnh. Nồng độ thay đổi của kali, calci và magnesi trong máu làm thay đổi tính nhạy cảm với tác dụng phụ ở người bệnh; thay đổi cân bằng acid/base cũng có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ.
Thường gặp: Tiêu hóa: Chán ăn, buồn nôn, nôn.
Ít gặp: Tim mạch: Nhịp tim chậm xoang, blốc nhĩ - thất, blốc xoang nhĩ, ngoại tâm thu nhĩ hoặc nút, loạn nhịp thất, nhịp đôi, nhịp ba, nhịp nhanh nhĩ với blốc nhĩ - thất; Hệ thần kinh trung ương: Ngủ lơ mơ, nhức đầu, mệt mỏi, ngủ lịm, chóng mặt, mất phương hướng; Nội tiết và chuyển hóa: Tăng kali huyết với ngộ độc cấp; Tiêu hóa: Không dung nạp thức ăn, đau bụng, ỉa chảy; Thần kinh - cơ và xương: Ðau dây thần kinh; Mắt: Nhìn mờ, vòng sáng, nhìn vàng hoặc xanh lá cây, nhìn đôi, sợ ánh sáng, ánh sáng lóe lên.
Thận trọng khi sử dụng
Nguy cơ cao tác dụng có hại về tim ở người có nhịp tim chậm nhiều, hậu quả của nhịp nút xoang, nhịp tim nhanh nhĩ hoặc rung và cuồng động nhĩ. Ở người có nhồi máu cơ tim cấp tính, nguy cơ tác dụng phụ tim cũng tăng lên, nhưng thường có nhu cầu cao về digitalis. Với người suy giảm chức năng thận và người thiểu năng tuyến giáp, cần điều chỉnh liều và theo dõi chặt chẽ. Tính nhạy cảm với tác dụng phụ tăng lên ở người có giảm kali huyết, tăng calci huyết và người cao tuổi.
Thời kỳ cho con bú:
Digoxin được phân bố vào sữa người, nhưng với liều điều trị bình thường không chắc có nguy cơ tác dụng trên trẻ nhỏ bú sữa mẹ.
Tương tác thuốc
Các loại thuốc có thể xảy ra tương tác:
Những thuốc sau đây gây nhiều tương tác nên cần phải hiệu chỉnh liều: Amiodaron, ciclosporin, indomethacin, itraconazol, calci, quinin, quinidin, cholestyramin, thuốc lợi tiểu quai, propafenon, spironolacton, thuốc lợi tiểu thiazid, thuốc lợi tiểu giống thiazid, hormon tuyến giáp, verapamil.
Bác sĩ có thể đề nghị chế độ ăn ít natri (muối thấp) và bổ sung kali. Hãy hỏi dược sĩ hoặc bác sĩ về danh sách các loại thực phẩm có hàm lượng Natri thấp và nhiều chất kali. Thực hiện theo tất cả các hướng chế độ ăn uống cẩn thận.