Dimedrol

Thuốc Dimedrol là gì?

Có thành phần là Diphenhydramine có tác dụng giảm nhẹ các triệu chứng dị ứng do giải phóng histamin, bao gồm dị ứng mũi và bệnh da dị ứng; có thể dùng làm thuốc an thần nhẹ ban đêm; phòng say tàu xe và trị ho; dùng làm thuốc chống buồn nôn; điều trị các phản ứng loạn trương lực do phenothiazin.

Thành phần

  • Dược chất chính: Diphenhydramine

  • Loại thuốc: Thuốc kháng histamin; chất đối kháng thụ thể histamin H1

  • Dạng thuốc, hàm lượng: Thuốc tiêm 10 mg/ml, 50 mg/ml.

Công dụng

  • Giảm nhẹ các triệu chứng dị ứng do giải phóng histamin, bao gồm dị ứng mũi và bệnh da dị ứng.

  • Có thể dùng làm thuốc an thần nhẹ ban đêm.

  • Phòng say tàu xe và trị ho.

  • Dùng làm thuốc chống buồn nôn.

  • Ðiều trị các phản ứng loạn trương lực do phenothiazin.

Liều dùng

Cách dùng

Có thể uống diphenhydramin cùng với thức ăn, nước hoặc sữa để làm giảm kích thích dạ dày. Khi tiêm bắp cần tiêm sâu. Khi tiêm tĩnh mạch phải tiêm chậm, người bệnh ở tư thế nằm. Khi dùng diphenhydramin để dự phòng say tàu xe, cần phải uống ít nhất 30 phút, và tốt hơn là 1 - 2 giờ, trước khi đi tàu xe.

Liều dùng

Liều tiêm thường dùng cho người lớn và thiếu niên:

  • Kháng histamin, hoặc chống loạn vận động: Tiêm bắp hoặc tĩnh mạch, 10 - 50 mg.

  • Chống nôn, hoặc chống chóng mặt: Tiêm bắp hoặc tĩnh mạch 10mg khi bắt đầu điều trị, có thể tăng tới 20 đến 50 mg, 2 hoặc 3 giờ một lần.

  • Giới hạn kê đơn thông thường cho người lớn: Tối đa 100 mg cho 1 liều hoặc 400 mg, mỗi ngày.

Liều tiêm thường dùng cho trẻ em:

  • Kháng histamin, hoặc chống loạn vận động: Tiêm bắp 1,25 mg/kg thể trọng hoặc 37,5 mg cho một mét vuông diện tích cơ thể, 4 lần mỗi ngày, không tiêm quá 300 mg mỗi ngày.

  • Chống nôn, hoặc chống chóng mặt: Tiêm bắp 1 - 1,5 mg/kg thể trọng, 6 giờ một lần, không tiêm quá 300 mg mỗi ngày.

Tác dụng phụ

  • Tác dụng gây buồn ngủ là ADR có tỷ lệ cao nhất trong những thuốc kháng histamin loại ethanolamin (trong đó có diphenhydramin). Khoảng một nửa số người điều trị với liều thường dùng của các thuốc này bị ngủ gà. Tỷ lệ ADR về tiêu hóa thấp hơn. Những ADR khác có thể do tác dụng kháng muscarin gây nên. Tác dụng gây buồn ngủ có nguy cơ gây tai nạn cho người lái xe và người vận hành máy móc.

  • Thường gặp: Hệ thần kinh trung ương: Ngủ gà từ nhẹ đến vừa, nhức đầu, mệt mỏi, tình trạng kích động; Hô hấp: Dịch tiết phế quản đặc hơn; Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, ỉa chảy, đau bụng, khô miệng, ăn ngon miệng hơn, tăng cân, khô niêm mạc.

  • Ít gặp: Tim mạch: Giảm huyết áp, đánh trống ngực, phù; Hệ thần kinh trung ương: An thần, chóng mặt, kích thích nghịch thường, mất ngủ, trầm cảm; Da: Nhạy cảm với ánh sáng, ban, phù mạch; Sinh dục - niệu: Bí đái.Gan: Viêm gan; Thần kinh - cơ, xương: Ðau cơ, dị cảm, run; Mắt: Nhìn mờ; Hô hấp: Co thắt phế quản, chảy máu cam.

Lưu ý 

Thận trọng khi sử dụng

  • Tác dụng an thần của thuốc có thể tăng lên nhiều khi dùng đồng thời với rượu, hoặc với thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương.

  • Phải đặc biệt thận trọng và tốt hơn là không dùng diphenhydramin cho người có phì đại tuyến tiền liệt, tắc bàng quang, hẹp môn vị, do tác dụng kháng cholinergic của thuốc. Tránh không dùng diphenhy-dramin cho người bị bệnh nhược cơ, người có tăng nhãn áp góc hẹp

Tương tác thuốc

  • Thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương: Tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương có thể tăng khi dùng đồng thời thuốc kháng histamin với các thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương khác gồm barbiturat, thuốc an thần và rượu.

  • Thuốc ức chế monoamin oxydase (IMAO) kéo dài và làm tăng tác dụng kháng cholinergic của thuốc kháng histamin. Chống chỉ định thuốc kháng histamin ở người đang dùng thuốc IMAO.

return to top