✴️ Papmear và HPV - Những thăm khám cần thiết trong sản khoa

Khái niệm

Pap smear

Hay còn gọi là phết tế bào cổ tử cung nhằm phát hiện những biến đổi bất thường ở các tế bào cổ tử cung.

Khi nào cần thực hiện xét nghiệm Pap smear?

Theo lời khuyên từ các chuyên gia, phụ nữ đã từng quan hệ tình dục từ 21 tuổi trở lên nên tiến hành xét nghiệm Pap smear. Nếu kết quả không có gì bất thường, tốt nhất nên thực hiện mỗi 3 năm/ lần đối với phụ nữ trong độ từ 21 đến 65 tuổi.

pap smear

 

Các đối tượng nên kiểm tra thường xuyên hơn:

  • Bệnh nhân đã được chẩn đoán ung thư cổ tử cung hoặc kết quả Pap smear phát hiện các tế bào tiền ung thư.

  • Sử dụng diethylstibestrol (DES) trước khi sinh.

  • Phụ nữ nhiễm HIV.

  • Phụ nữ có hệ thống miễn dịch suy yếu do ghép tạng, hóa trị hoặc sử dụng corticosteriod thâm niên.

  • Phụ nữ thường xuyên hút thuốc hoặc đã từng hút thuốc lá.

  • Có bà, mẹ, chị em mắc ung thư cổ tử cung.

  • Phụ nữ có nhiều bạn tình.

 Ngừng thực hiện xét nghiệm Pap smear khi nào?

  • Phụ nữ trên 65 tuổi và các kết quả xét nghiệm Pap smear trước đó đều bình thường.

  • Phụ nữ cắt bỏ tử cung do nguyên nhân không phải là ung thư cổ tử cung

  • Đối với phụ nữ cắt bỏ tử cung do ung thư cần tham vấn ý kiến Bác sĩ có nên tiếp tục thực hiện Pap smear hay không.

HPV

Xét nghiệm papillomavirus ở người (HPV) giúp phát hiện được virus papillomavirus – là loại virus dẫn đến sự phát triển của mụn cóc ở da, và khi ở bộ phận sinh dục có thể gây biến đổi tế bào cổ tử cung hoặc ung thư cổ tử cung.

Thông thường xét nghiệm HPV được tiến hành chung với Pap smear để đánh giá chính xác hơn về tình trạng của các tế bào cổ tử cung. Bác sĩ sẽ đề nghị bạn tiến hành xét nghiệm HPV khi:

  • Xét nghiệm Pap phát hiện các tế bảo vảy không điển hình (ASCUS)

  • Phụ nữ từ 30 tuổi trở lên

Xét nghiệm HPV thường chỉ áp dụng với nữ giới, chưa có xét nghiệm nào phát hiện virus ở nam giới. Tuy nhiên nam giới cũng có thể nhiễm virus HPV và lây truyền cho bạn tình.

Vai trò của Xét nghiệm HPV

Xét nghiệm giúp phát hiện được virus HPV đặc biệt là chủng 16 và 18 có nguy cơ gây ung thư cổ tử cung, tuy nhiên xét nghiệm này không giúp chẩn đoán xác định bạn có bị ung thư cổ tử cung hay không.

Kết quả xét nghiệm HPV sẽ giúp Bác sĩ có những quyết định chính xác hơn trong việc chỉ định các xét nghiệm khác, theo dõi hoặc điều trị các tế bào bất thường hay tiền ung thư.

Đối với bất kì các kết quả sàng lọc nào đều có nguy cơ cho kết quả âm tính hoặc dương tính giả, vì vậy cần lưu lại kết quả các lần thăm khám trước để so sánh, đối chiếu thêm.

Các bước chuẩn bị khi tiến hành lấy mẫu xét nghiệm

Tránh giao hợp, thụt rửa hoặc sử dụng bất kì loại thuốc bôi, đặt âm đạo trong 2 ngày trước khi xét nghiệm.

Xét nghiệm cần được làm vào ngày sạch kinh để thu thập được mẫu tế bào tốt nhất.

Tùy vào lượng thông tin Bác sĩ cần thu thập, kết quả HPV sẽ được trả sau khoảng 1 đến 4 ngày.

Một số khuyến nghị thường gặp

Nếu bạn trên 30 tuổi và kết quả xét nghiệm HPV âm tính, Pap smear bình thường thì tiếp tục theo dõi và lặp lại cả hai xét nghiệm này trong vòng 5 năm.

Nếu chưa có kết luận rõ ràng hoặc nghi ngờ có bất thường, các phương pháp sau đây có thể sẽ được chỉ định làm thêm:

  • Soi cổ tử cung: sử dụng ống kính phóng đại để phát hiện những bất thường về mặt đại thể của cổ tử cung
  • Sinh thiết: thường kết hợp với soi cổ tử cung nhằm phát hiện những thay đổi về mặt tế bào cổ tử cung, từ đó có thể kết luận chính xác rằng bạn có bị ung thư cổ tử cung hay không.

Xem thêm về: Ung thư cổ tử cung

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top