Thuốc Dopagan có thành phần chính Paracetamol 500mg, đây là loại thuốc có tác dụng hạ sốt và giảm các cơn đau thông thường như đau đầu, đau do mọc răng, đau nhức do cảm cúm, đau sau khi tiểu phẫu,…
Dược chất chính:
Loại thuốc: Thuốc giảm đau
Dạng thuốc, hàm lượng: Viên nén 500mg
Điều trị triệu chứng các cơn đau và sốt từ nhẹ đến vừa.
Điều trị các chứng đau:
Paracetamol được dùng giảm đau tạm thời trong điều trị chứng đau nhẹ và vừa. Thuốc có hiệu quả nhất là làm giảm đau cường độ thấp có nguồn gốc không phải nội tạng.
Paracetamol không có tác dụng trị thấp khớp.
Paracetamol là thuốc thay thế salicylat (được ưa thích ở người bệnh chống chỉ định hoặc không dung nạp salicylat) để giảm đau nhẹ hoặc hạ sốt.
Điều trị các chứng sốt:
Paracetamol thường được dùng để giảm thân nhiệt ở người bệnh sốt, khi sốt có thể có hại hoặc khi hạ sốt, người bệnh sẽ dễ chịu hơn.
Tuy vậy, liệu pháp hạ sốt nói chung không đặc hiệu, không ảnh hưởng đến tiến trình của bệnh cơ bản, và có thể che lấp tình trạng bệnh của người bệnh.
Cách dùng
Thuốc dùng đường uống. Uống trọn viên thuốc với một ly nước đầy.
Liều dùng
Để giảm đau hoặc hạ sốt cho người lớn và trẻ em trên 11 tuổi: Liều thường dùng là 500 mg, cứ 4 – 6 giờ một lần khi cần thiết, nhưng không quá 4 g một ngày; liều một lần lớn hơn (ví dụ 1g) có thể hữu ích để giảm đau ở một số người bệnh.
Không được dùng để tự điều trị giảm đau quá 10 ngày ở người lớn hoặc quá 5 ngày ở trẻ em, trừ khi do thầy thuốc hướng dẫn, vì đau nhiều và kéo dài như vậy có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị có giám sát bởi thầy thuốc.
Không dùng cho người lớn và trẻ em để tự điều trị sốt cao (trên 39,5 °C), sốt kéo dài trên 3 ngày, hoặc sốt tái phát, trừ khi do thầy thuốc hướng dẫn, vì sốt như vậy có thể là dấu hiệu của một bệnh nặng cần được thầy thuốc chẩn đoán nhanh chóng.
Để giảm thiểu nguy cơ quá liều: Không nên cho trẻ em quá 5 liều paracetamol để giảm đau hoặc hạ sốt trong vòng 24 giờ, trừ khi do thầy thuốc hướng dẫn.
Lưu ý: Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng phù hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.
Khi sử dụng thuốc, bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn (ADR):
Thỉnh thoảng xảy ra ban da và các phản ứng khác, thường là ban đỏ, mày đay. Nhưng đôi khi nặng hơn và có thể kèm theo sốt do thuốc và thương tổn niêm mạc. Người bệnh mẫn cảm với salicylat hiếm khi mẫn cảm với Paracetamol và những thuốc có liên quan.
Trong một số ít trường hợp riêng lẻ, Paracetamol đã gây giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu và giảm toàn thể huyết cầu.
Ít gặp:
Ban;
Buồn nôn, nôn;
Loạn tạo máu (giảm bạch cầu trung tính, giảm toàn thể huyết cầu, giảm bạch cầu), thiếu máu;
Bệnh thận, độc tính thận khi lạm dụng dài ngày;
Chống chỉ định
Thuốc chống chỉ định trong các trường hợp sau:
Người thiếu máu nhiều lần, có bệnh tim, phổi, thận hoặc gan;
Người bệnh quá mẫn với paracetamol và các thành phần khác của thuốc;
Người thiếu hụt glucose-6-phosphat dehydrogenase;
Thận trọng khi sử dụng
Bác sĩ cần cảnh báo bệnh nhân về các dấu hiệu của phản ứng trên da nghiêm trọng như:
Hội chứng Steven-Johnson (SJS);
Hội chứng hoại tử da nhiễm độc (TEN);
Hội chứng Lyell;
Hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP);
Các triệu chứng gặp phải khi dùng thuốc:
Paracetamol tương đối không độc với liều điều trị. Đôi khi có những phản ứng da gồm ban dát sần ngứa và mề đay; những phản ứng mẫn cảm khác gồm phù thanh quản, phù mạch, và những phản ứng kiểu phản vệ có thể ít khi xảy ra. Giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, và giảm toàn thể huyết cầu đã xảy ra với việc sử dụng những dẫn chất p-aminophenol, đặc biệt khi dùng kéo dài các liều lớn. Giảm bạch cầu trung tính và ban xuất huyết giảm tiểu cầu đã xảy ra khi dùng paracetamol.
Hiếm gặp mất bạch cầu hạt ở người bệnh dùng Paracetamol.
Trường hợp bệnh nhân cần thận trọng:
Người bị phenylceton- niệu (thiếu hụt gen xác định tình trạng của phenylalanin hydroxylase) và người phải hạn chế lượng phenylalanin đưa vào cơ thể phải được cảnh báo là một số chế phẩm Paracetamol chứa aspartam, sẽ chuyển hóa trong dạ dày- ruột thành phenylalanin sau khi uống.
Một số dạng thuốc Paracetamol có trên thị trường chứa sulfit có thể gây phản ứng kiểu dị ứng, gồm cả phản vệ và những cơn hen đe dọa tính mạng hoặc ít nghiêm trọng hơn ở một số người quá mẫn. Không biết rõ tỷ lệ chung về quá mẫn với sulfit trong dân chúng nói chung, nhưng chắc là thấp: Sự quá mẫn như vậy có vẻ thường gặp ở người bệnh hen nhiều hơn ở người không hen.
Phải dùng Paracetamol thận trọng ở người bệnh có thiếu máu từ trước, vì chứng xanh tím có thể không biểu lộ rõ, mặc dù có những nồng độ cao nguy hiểm của methemoglobin trong máu.
Uống nhiều rượu có thể gây tăng độc tính với gan của Paracetamol, nên tránh hoặc hạn chế uống rượu.
Thời kỳ mang thai và cho con bú
Phụ nữ có thai: Chưa xác định được tính an toàn của Paracetamol dùng khi thai nghén liên quan đến tác dụng không mong muốn có thể có đối với phát triển thai. Do đó, chỉ nên dùng thuốc Dopagan 500mg ở người mang thai khi thật cần.
Phụ nữ cho con bú: Nghiên cứu ở người mẹ dùng Paracetamol sau khi sinh cho con bú, không thấy có tác dụng không mong muốn ở trẻ nhỏ bú mẹ.
Tương tác thuốc
Uống dài ngày liều cao thuốc Dopagan 500mg làm tăng nhẹ tác dụng chống đông của coumarin và dẫn chất indandion. Tác dụng này có vẻ ít hoặc không quan trọng về lâm sàng, nên Paracetamol được ưa dùng hơn salicylat khi cần giảm đau nhẹ hoặc hạ sốt cho người bệnh đang dùng coumarin hoặc dẫn chất indandion.
Paracetamol có khả năng gây hạ sốt nghiêm trọng ở người bệnh dùng đồng thời phenothiazin và liệu pháp hạ nhiệt.
Uống rượu quá nhiều và dài ngày có thể làm tăng nguy cơ Paracetamol gây độc cho gan.
Thuốc chống co giật (gồm phenytoin, barbiturat, carbamazepin) gây cảm ứng enzym ở microsom thể gan, có thể làm tăng tính độc hại gan của Paracetamol do tăng chuyển hóa thuốc thành những chất độc hại với gan.
Hạn chế tự dùng Paracetamol khi đang dùng thuốc chống co giật hoặc isoniazid do có thể làm tăng tính độc hại gan của Paracetamol.
Probenecid có thể làm giảm đào thải Paracetamol và làm tăng thời gian bán thải trong huyết tương của Paracetamol.
Isoniazid và các thuốc chống lao làm tăng độc tính của Paracetamol đối với gan.