THÀNH PHẦN
Erythromycin ............................. 250 mg
Tá dược vừa đủ ................................1 gói
(Aspartam, bột hương cam, sorbitol (bột)).
DƯỢC LỰC HỌC
EmycinDHG với thành phần hoạt chất chính là erythromycin, kháng sinh nhóm macrolid, có phổ tác dụng rộng. Tác dụng chính của erythromycin là kìm khuẩn nhưng có thể diệt khuẩn ở nồng độ cao đối với các chủng rất nhạy cảm. Erythromycin và các macrolid khác gắn thuận nghịch với tiểu đơn vị 50S của ribosom vi khuẩn nhạy cảm và ức chế tổng hợp protein. Tác dụng của thuốc tăng lên ở pH kiềm nhẹ (khoảng 8,5), đặc biệt với các vi khuẩn Gram âm. Erythromycin có phổ kháng khuẩn rộng bao gồm các cầu khuẩn Gram dương, Streptococcus pneumoniae, Streptococcus pyogenes, Staphylococcus aureus, Bacillus anthracis, Corynebacterium diphteria, Erysipelothris rhusioparthiae, Listeria monocyogenes. Thuốc có tác dụng trung bình với các vi khuẩn yếm khí như Clostridium spp., Propionibacterium acnes. Erythromycin có tác dụng với các vi khuẩn Gram âm như Neisseria meningitidis, N. gonorrheae và Moraxella (Branhamella) catarrhalis, Bordetella spp., vài chủng Brucella, Flavobacterium, Legionella spp. và Pasteurella, Haemophilus ducreyi, Helicobacter pyloridis, Campylobacter jejuni. Các vi khuẩn khác nhạy cảm với thuốc bao gồm Actinomyces, Chlamydia, Rickettsia spp., Spirochete như Treponema pallidum và Borrelia burgdorferi, một số Mycoplasma (nhất là M. pneumoniae) và một số Mycobacteria cơ hội như M. scrofulaceum và M. kansasii.
DƯỢC ĐỘNG HỌC
Erythromycin phân bố rộng khắp các dịch và mô, bao gồm cả dịch rỉ tai giữa, dịch tuyến tiền liệt, tinh dịch. Nồng độ cao nhất thấy ở gan, mật và lách. Erythromycin có nồng độ thấp ở dịch não tủy, tuy nhiên khi màng não bị viêm, nồng độ erythromycin trong dịch não tủy tăng lên. Từ 70% đến 90% erythromycin gắn vào protein. Hơn 90% erythromycin chuyển hóa ở gan, một phần dưới dạng bất hoạt; có thể tích tụ ở người bệnh suy gan nặng. Erythromycin đào thải chủ yếu vào mật. Từ 2% đến 5% liều uống đào thải theo đường nước tiểu dưới dạng không biến đổi.
CHỈ ĐỊNH
Điều trị các bệnh: nhiễm khuẩn đường hô hấp, đường tiêu hóa, nhiễm khuẩn da và mô mềm, viêm kết mạc trẻ sơ sinh và viêm kết mạc do Chlamydia. Dự phòng các đợt tái phát của thấp khớp cấp.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Người bệnh quá mẫn với erythromycin, người bệnh trước đây đã dùng erythromycin mà có rối loạn về gan, người bệnh có tiền sử bị điếc.
Việc sử dụng được coi như không an toàn đối với người bệnh rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp, vì gây các đợt cấp tính.
Không được phối hợp với terfenadin, đặc biệt trong trường hợp người bệnh có bệnh tim, loạn nhịp, nhịp tim chậm, khoảng Q - T kéo dài, tim thiếu máu cục bộ, hoặc người bệnh có rối loạn điện giải.
LIỀU DÙNG VÀ CÁCH DÙNG
Uống ngay trước bữa ăn, phải dùng thuốc theo hết liệu trình (5 - 10 ngày)
Trẻ em: Liều thông thường 30 - 50 mg/ kg thể trọng/ ngày, chia 2 - 4 lần uống:
Trẻ em dưới 2 tuổi: ½ gói x 4 lần/ ngày (tổng liều 500 mg/ ngày).
Trẻ em từ 2 - 8 tuổi: 1 gói x 4 lần/ ngày (tổng liều 1 g/ ngày).
Trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng liều có thể tăng lên gấp đôi.
Hoặc theo chỉ dẫn của Thầy thuốc.
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
Nếu cần thêm thông tin, xin hỏi ý kiến bác sĩ.
THẬN TRỌNG
Cần sử dụng rất thận trọng erythromycin cho người bệnh đang có bệnh gan hoặc suy gan. Thận trọng khi dùng với các người bệnh loạn nhịp và có các bệnh khác về tim.
PHỤ NỮ MANG THAI VÀ CHO CON BÚ
Erythromycin đi qua nhau thai. Không được dùng dạng erythromycin estolat cho người mang thai vì tăng nguy cơ gây độc cho gan. Vấn đề đối với các dạng erythromycin khác không có thông báo.
Erythromycin tiết vào sữa mẹ, nhưng không có thông báo về tác dụng không mong muốn cho trẻ em bú sữa mẹ có erythromycin.
LÁI XE VÀ VẬN HÀNH MÁY MÓC
Không có tác động ảnh hưởng tới khả năng lái xe và vận hành máy móc.
TƯƠNG TÁC THUỐC
Không phối hợp astemizol hoặc terfenadin với erythromycin vì nguy cơ độc với tim như xoắn đỉnh, nhịp nhanh thất và tử vong.
Erythromycin có thể ức chế chuyển hóa của carbamazepin và acid valproic, làm tăng nồng độ các thuốc này trong huyết tương và làm tăng độc tính. Erythromycin có thể đối kháng tác dụng với cloramphenicol hoặc lincomycin.
Erythromycin làm giảm sự thanh thải của các thuốc sau: Các xanthin như aminophylin, theophylin, cafein; alfentanil, midazolam hoặc triazolam. Do đó làm tăng nồng độ và thời gian tác dụng của những thuốc này.
Erythromycin có thể kéo dài quá mức thời gian prothrombin và làm tăng nguy cơ chảy máu khi điều trị kéo dài bằng warfarin, do làm giảm chuyển hóa và độ thanh thải của thuốc này. Erythromycin làm tăng nồng độ ciclosporin trong huyết tương và tăng nguy cơ độc với thận.
Erythromycin ức chế chuyển hóa của ergotamin và làm tăng tác dụng co thắt mạch của thuốc này. Thận trọng khi dùng erythromycin cùng với lovastatin và có thể làm tăng nguy cơ tiêu cơ vân.
TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN
Thường gặp: Đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, phát ban.
Ít gặp: Mày đay.
Hiếm gặp: Phản ứng phản vệ, loạn nhịp tim, transaminase tăng, bilirubin huyết thanh tăng, ứ mật trong gan, điếc có hồi phục.
Thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
QUÁ LIỀU VÀ CÁCH XỬ TRÍ
Cho dùng epinephrin, corticosteroid và thuốc kháng histamin để xử trí các phản ứng dị ứng; thụt rửa dạ dày để loại trừ thuốc chưa hấp thu ra khỏi cơ thể; và khi cần dùng các biện pháp hỗ trợ.
BẢO QUẢN
Điều kiện bảo quản: Nơi khô, nhiệt độ không quá 30ºC, tránh ánh sáng.
Để xa tầm tay trẻ em.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh