Chúng ta có thể tìm những lá có sẵn tại địa phương để nấu một nồi nước xông tại nhà như sau:
- Lá có tác dụng kháng sinh: Lá hành, lá tỏi, kim ngân hoa, sài đất, bồ công anh…
- Lá có tác dụng hạ sốt: Lá tre, lá trúc, đậu săng, lá duối...
- Lá có tinh dầu, có tác dụng sát trùng đường hô hấp: Lá chanh, lá bưởi, lá tía tô, lá kinh giới, lá bạc hà, lá sả, lá hương nhu...
Ngoài ra có thể sử dụng lá sả, kinh giới, lá gừng, lá nghệ, lá tre, ngải cứu... hay như khuynh diệp (eucalyptus), diệp hạ châu (phyllanthus amarus), tràm gió (melaleuca cajuputi) làm dược liệu xông. Một số loại lá xông còn có tác dụng chống viêm, tuyên thông phế khí, giảm đau, hạ sốt... nhờ thành phần kháng sinh, tinh dầu.
Mỗi thứ một nắm nhỏ, tổng cộng khoảng 200-300 gram, rửa sạch lá, cho vào nồi khoảng 2-3 lít nước, đun sôi. Đặc biệt, những lá có tinh dầu cho vào sau khi nước đã sôi, đậy kín vung, đun sôi lại khoảng 10-15 phút, bắc ra.
Khi xông trùm chăn kín cả người nếu xông toàn thân, kín 1 vùng nếu xông bộ phận. Thí dụ, xông tai mũi họng thì trùm kín vùng đầu mặt cổ và nồi xông, mở nồi nước xông từ từ cho hơi nóng của nước và mùi tinh dầu bốc lên toàn thân hay bộ phận. Xông từ 10 - 20 phút. Xông hơi xong, lau sạch mồ hôi, thay quần áo, tránh gió lạnh.
Sau khi xông, ăn bát cháo hành với tía tô (ăn nóng), thêm thịt hoặc lòng đỏ trứng (nếu có).
Xông hơi toàn thân nên xông cách ngày, còn xông hơi bộ phận cũng cách ngày xen kẽ với xông hơi toàn thân, mỗi lần xông hơi tối đa 15-20 phút. Liệu trình trong giai đoạn hiện nay là xông liên tục 2 tuần.
Xông hơi là biện pháp tốt cho sức khỏe, tuy nhiên một số trường hợp cần lưu ý vì không phải lúc nào xông hơi cũng tốt. Một số trường hợp về sức khỏe cần lưu ý không nên xông hơi vì khi xông hơi thường sẽ mất nước và chất điện giải, tăng nhịp tim, hạ huyết áp, khô da…
Cụ thể, các đối tượng cần hạn chế hoặc tránh xông hơi là: Trẻ nhỏ, người lớn tuổi và người mắc các bệnh mạn tính như hạ huyết áp, rối loạn tuần hoàn não, thiếu máu não, tiểu đường, bệnh thận, suy tim... vì có nguy cơ bị mất nước cao hơn.
Với tác dụng hơi nóng, kháng sinh thực vật và tinh dầu tiết ra từ thảo dược giúp sát khuẩn mũi họng, tăng thông khí hô hấp, chống nhiễm khuẩn, làm ra mồ hôi thải độc cơ thể, cải thiện tuần hoàn máu.
- Thực hiện hằng ngày thì chỉ nên xông mũi họng. Xông trong phòng kín. Mỗi ngày xông 1 lần khoảng 10 phút. Trước khi xông nên uống thật chậm 1 ly nước ấm to, sau khi xông nên lau khô mồ hôi và ở trong phòng kín ít nhất 30 phút cho đến khi khô mồ hôi và nhiệt độ cơ thể bình thường lại. Đang sốt thì không xông.
- Xông toàn thân không có lợi rõ rệt, nếu có xông chỉ nên xông khi có sốt mà không ra được mồ hôi và đau nhức toàn thân, cũng chỉ xông 1 lần trong đợt bệnh, cách làm như xông mũi ngoại trừ trùm kín người. Việc xông quá nhiều dẫn đến cơ thế bị mất tân dịch sẽ khiến cơ thể bị suy nhược nên sau vài ngày xông, khi các triệu chứng khác đã ổn các bạn lại thấy mệt hơn, đuối hơn, cảm giác thiếu năng lượng, điều này rất có hại về lâu dài. Đặc biệt nguy hiểm với người già yếu và trẻ nhỏ.
- Nếu sốt có ra mồ hôi kèm đau nhức toàn thân thì không nên xông mà thay bằng cách sau: bạn lấy khoảng 200g (2 củ gừng trung bình) gừng tươi, đập dập, bỏ lên chảo với ít rượu trắng xào lên cho ráo khô sao cho bóp mạnh miếng gừng vẫn ướt tay. Bỏ gừng đã xào vào khăn chà lên vai lưng, ngày 1 lần trong 2-3 ngày. Cẩn thận bỏng da. Nếu bị dị ứng sau khi chà thì nên ngưng ngay.
Xem thêm: Công dụng chữa bệnh của lá tía tô
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh