Đau đầu là triệu chứng phổ biến trong xã hội hiện nay, thường xuất hiện khi căng thẳng, mất ngủ kéo dài hay do làm việc nhiều giờ trên máy tính, thường xuyên sử dụng rượu bia và chất kích thích…
Mặc dù không đe dọa tính mạng nhưng tình trạng này làm giảm đi chất lượng cuộc sống của người bệnh, ảnh hưởng đến mọi hoạt động hàng ngày và tinh thần của người bệnh. Khi gặp phải tình trạng này, bạn thường rất khó để tập trung làm những công việc khác.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có tới 50% số người trưởng thành trên toàn thế giới từng trải qua cảm giác đau đầu. Rất nhiều người cho rằng đa phần đau đầu chỉ xuất hiện ở những người lớn tuổi. Thế nhưng, với cuộc sống bận rộn và đầy áp lực như hiện nay, đau đầu đang ngày càng có dấu hiệu trẻ hóa. Nguy hiểm hơn, nhiều người chủ quan cho rằng đây chỉ là tình trạng bình thường nên không điều trị từ sớm, dẫn tới bệnh ngày càng nặng nề hơn.
Các cơn đau đầu hầu như đều là triệu chứng thoáng qua, nếu như bạn gặp tình trạng đau đầu thường xuyên mà không thuyên giảm kèm các triệu chứng sau thì bạn nên thăm khám với bác sĩ càng sớm càng tốt:
– Buồn nôn, nôn mửa, mắt nhìn mờ và xuất hiện điểm mù
– Triệu chứng thần kinh như co giật, khó cử động, khó nói, méo miệng
– Các triệu chứng tim mạch như tăng huyết áp, đau thắt ngực
– Cơn đau đầu xảy ra với tần suất thường xuyên, ngày một nghiêm trọng hơn mà không rõ nguyên nhân
Theo các chuyên gia, nguyên nhân đau đầu được chia thành 2 nhóm lớn, bao gồm do bệnh lý và không do bệnh lý
Cơn đau đầu có thể xuất phát từ các bệnh lý thông thường, nhưng đôi khi cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của các bệnh lý nguy hiểm:
– Viêm xoang: Đa phần các trường hợp bị viêm xoang đều có triệu chứng đau đầu hoặc đau nửa đầu thường xuyên. Muốn điều trị dứt điểm triệu chứng này cần phải điều trị khỏi viêm xoang.
– Đau nửa đầu: Đây cũng là bệnh lý khá phổ biến, bệnh phổ biến ở nữ giới nhiều hơn nam giới và triệu chứng có thể qua đi nhanh chóng hoặc kéo dài nhiều ngày. Trong một số trường hợp, bệnh có thể gây ra biến chứng thần kinh
– Tăng nhãn áp: Bệnh lý về hệ thần kinh mắt này cũng là một trong những nguyên nhân gây đau đầu. Tăng nhãn áp thậm chí gây ra cơn đau đầu dữ dội. Ngoài ra, còn gây ra một số triệu chứng như suy giảm thị lực, đỏ mắt…
– Thiếu máu: Thiếu máu hay thiếu máu lên não là một trong những nguyên nhân gây đau đầu nghiêm trọng. Kèm theo đó là triệu chứng mệt mỏi, chóng mặt… Thậm chí có thể dẫn đến đột quỵ nếu không được thăm khám và điều trị từ sớm.
– Khối u não: Có tới 50% người bị u não thường xuyên bị đau đầu không rõ nguyên nhân, cơn đau có thể nhiều hơn về đêm và kéo dài đến sáng. Cơn đau còn có xu hướng gia tăng ngày một nặng hơn, vượt mức chịu đựng.
– Nhiễm trùng não: Đặc điểm của bệnh lý nguy hiểm này là gây ra cơn đau đầu liên tục, cùng các triệu chứng rõ ràng như: Sốt, nhạy cảm với ánh sáng và tiếng động, cứng vùng gáy…
Đa phần các trường hợp đau đầu thông thường đều là từ các nguyên nhân ngoài bệnh lý, chủ yếu do chế độ sinh hoạt không lành mạnh như:
– Mất nước làm giảm tuần hoàn máu, oxy lên não
– Stress, căng thẳng kéo dài
– Thay đổi hormone ở phụ nữa sau sinh hay tiền mãn kinh
– Tác dụng phụ từ một số loại thuốc, chất kích thích như rượu bia, cà phê,…
– Rối loạn thói quen sinh hoạt ở người hay thức khuya, có thể do công việc phải di chuyển các nước.
Rất nhiều người bệnh thường có thói quen sử dụng thuốc giảm đau mỗi khi bị đau đầu. Việc lạm dụng thuốc giảm đau chỉ càng khiến cho bệnh lý tiềm ẩn thêm nặng, gây nhiều hậu quả cho sức khỏe. Để điều trị hiệu quả, cần phải tìm ra nguyên nhân và khắc phục từ nguyên nhân mới có thể giúp người bệnh loại bỏ những cơn đau khó chịu.
Phân biệt nguyên nhân gây đau đầu là do bệnh lý hay lành tính là rất quan trọng để tìm ra cách chữa bệnh đau đầu hiệu quả. Nếu bạn hay bị đau đầu kèm theo những triệu chứng bất thường, bạn nên chủ động thăm khám tại các chuyên khoa để được tư vấn, tìm ra biện pháp điều trị triệt để hoặc giảm tối đa các cơn đau đầu tái phát do nguyên nhân gây ra. Không phải chỉ là điều trị triệu chứng như các loại thuốc giảm đau vì điều này chỉ giải quyết được phần ngọn cắt được các cơn đau trước mắt chứ không thể ngăn cản cơn đau đầu tái phát trở lại.
Ngoài việc điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cũng nên tập thói quen xoa dịu các cơn đau đầu bằng một số phương pháp khác nhau sau đây để giảm dần mức độ phụ thuộc vào thuốc và rút ngắn quá trình điều trị hơn.
Theo một nghiên cứu tại Mỹ, những người ngủ dưới 6 giờ thường bị đau đầu dữ dội và thời gian tái đau đầu diễn ra nhanh hơn. Tuy nhiên, việc ngủ quá nhiều cũng không giúp bạn tránh được những cơn đau đầu có thể xảy ra, thậm chí, có trường hợp đang ngủ cũng bị đau đầu đột ngột dữ dội.
Chính vì vậy, cách trị bệnh đau đầu hiệu quả tự nhiên nhất đó là bạn cần nghỉ ngơi đúng giờ. Tùy vào từng độ tuổi, thời gian ngủ sẽ khác nhau, thường giao động trong khoảng từ 7 – 9 tiếng mỗi đêm.
Mất nước đã được chứng minh là một trong những yếu tố phổ biến kích hoạt nên chứng đau đầu và đau nửa đầu. Không chỉ vậy, cơ thể thiếu nước còn làm khả năng tập trung của bạn bị giảm sút, làm các triệu chứng của đau đầu trở nên tồi tệ hơn.
Chính vì vậy, bạn cần bổ sung đúng và đủ lượng nước phù hợp với cơ thể, tránh xảy ra tình trạng mất nước gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung thêm một số loại nước ép để cung cấp thêm vitamin và khoáng chất thiết yếu để tăng sức đề kháng tốt hơn.
Có rất nhiều người thường bị đau đầu do dị ứng với phấn hoa hay các mùi hương quá nồng hoặc quá mạnh. Điển hình nhất có thể nói đến là nước hoa, theo một nghiên cứu tại Brazil cho kết quả đáng ngạc nhiên, có tới 400 người trải qua cơn đau đầu hoặc đau nửa đầu do tiếp xúc với mùi hương mạnh từ nước hoa và các mùi khác.
Thực tế, đây có thể được gọi là tình trạng mẫn cảm với mùi hương (Osmophobia) phổ biến ở những người mắc chứng đau nửa đầu mãn tính. Chính vì vậy, nếu bạn cũng ở trong trường hợp này, bạn nên tránh nước hoa, khói thuốc hay các loại thực phẩm có mùi mạnh như hành tỏi, mắm, cá… giúp giảm nguy cơ bị đau đầu.
Một trong những cách điều trị đau đầu hiệu quả chính là tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao. Theo đó, những người hoạt động thể dục thể thao thường xuyên 30 phút mỗi ngày sẽ giảm tình trạng đau đầu hiệu quả hơn rất nhiều so với người áp dụng các kỹ thuật khác. Có rất nhiều phương pháp hoạt động thể chất khác nhau cho bạn lựa chọn, chẳng hạn như chạy bộ, đạp xe, bơi lội…Tuy nhiên, bạn cũng nên tham khảo tình trạng sức khỏe của bản thân để lựa chọn bộ môn phù hợp, tránh tập luyện quá sức gây mệt mỏi phản tác dụng.
Các loại vitamin nhóm B như vitamin B2, B6, B12 có tác dụng rất tốt trong việc giảm đau đầu. Điều quan trọng là bạn có thể dễ dàng bổ sung nhóm vitamin này bởi chúng tan trong nước, cơ thể dễ dàng hấp thu và đào thải nếu thừa mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ngoài việc bổ sung vitamin từ viên uống, bạn cũng có thể bổ sung từ các loại thực phẩm như trứng, sữa, cá, đậu nành… Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý bổ sung thêm các vitamin khác như vitamin D3 hay Magie cũng giúp giảm đau đầu rất hiệu quả.
Đây là điều rất quan trọng bởi tình trạng làm việc cả ngày, làm việc xuyên đêm tạ áp lực rất lớn cho não bộ, đây cũng là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng đau đầu ở người trẻ. Do vậy, giải tỏa tinh thần chính là một trong những phương pháp góp phần chữa đau nửa đầu tốt nhất. Bạn nên cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, dành thời gian trong tuần để người được thư giãn hoàn toàn, có thể đi du lịch trong năm để sốc lại tinh thần, sẵn sàng cho những công việc trong tương lai.
Trên đây là những thông tin về cách trị bệnh đau đầu hiệu quả. Lưu ý, các biện pháp trên đây chỉ mang tính tham khảo, có tác dụng hỗ trợ trong quá trình điều trị giúp người bệnh cải thiện sức khỏe nhanh chóng. Khi bị đau đầu, tốt nhất bạn nên thăm khám sớm tại các chuyên khoa nội thần kinh để được chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị tối ưu.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh