✴️ Người bệnh nên và không nên làm gì sau khi cắt polyp đại tràng

Khi nào nên cắt polyp đại tràng?

Polyp đại tràng là sự tăng trưởng trên lớp lót bên trong của đại tràng (ruột già) hoặc trực tràng. Một polyp có thể có nhiều hình dạng khác nhau như phẳng, hơi nhô lên hoặc có cuống. Theo đó, polyp đại tràng được phân chia thành hai nhóm lành tính và ác tính. Trong đó, nhóm lành tính được chia tiếp thành hai nhóm có khả năng và không có khả năng tiến triển thành ung thư.

Nhóm lành tính và gần như không có khả năng tiến triển thành ung thư như polyp viêm, polyp tăng sản…

Nhóm lành tính nhưng vẫn có khả năng diễn tiến thành ung thư nhu polyp ống, polyp nhung mao… Ngoài ra thì khả năng ung thư cũng tỷ lệ thuận với kích thước của polyp. Cụ thể:

  • Kích thước dưới 1cm: nguy cơ chỉ khoảng 0-2%

  • Kích thước từ 1cm-2 cm: nguy cơ khoảng 10-20%

  • Kích thước >2 cm: nguy cơ khoảng 30-50%

Vậy khi nào thì cần tiến hành cắt polyp đại tràng? Vấn đề này phụ thuộc phần lớn vào kích thước cũng như số lượng polyp của bệnh nhân.

  • Nếu polyp đại tràng có số lượng ít, kích thước nhỏ dưới 0,5 cm và thuộc nhóm lành tính thì có thể không cần cắt vì nó không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe cũng như ít khả năng chuyển hóa thành ác tính. Tuy nhiên trường hợp này vẫn cần theo soi thường xuyên.

  • Nếu polyp đại tràng nhiều, kích thước trên 0,5 cm và có nguy cơ diễn tiến ác tính  thì có thể tiến hành cắt thông qua nội soi. Sau đó tiến hành sinh thiết tế bào để xác định có nguy cơ ung thư hay không.

  • Trong trường hợp polyp nhỏ hơn 0,5 cm nhưng có hình dạng khác lạ, bề mặt sần sũi thì cần tiến hành cắt bỏ và sinh thiết để xác định nguy cơ tiềm ẩn ung thư.

polyp đại tràng

Số lượng và kích thước polyp sẽ quyết định thời điểm cắt polyp hay không?

Quá trình cắt polyp diễn ra như thế nào và người bệnh có cần lưu viện không?

Quy trình cắt polyp sau khi người bệnh được gây mê để giảm đau đớn khi tiến hành thủ thuật. Theo đó, bác sĩ sẽ chèn một ống nội soi dài, linh hoạt, có gắn camera  qua đường hậu môn vào cơ thể. Tại đây khi xác định vị trí polyp, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ bằng cách vòng một sợi day mỏng quanh gốc polyp và sử dụng nhiệt để đốt điện ở chân polyp cho đến khi chúng đứt ra.

Trong trường hợp polyp có kích thước lớn hơn sẽ được loại bỏ bằng cách phân nhỏ polyp thành nhiều mảnh và đưa ra bên ngoài. Sau đó, bác sĩ có thể đem mẫu đi sinh thiết để kiểm tra nguy cơ tiến triển ác tính hay không.

Thông thường với những polyp loại nhỏ và đơn giản thì bệnh nhân chỉ cần đợi hết thuốc mê là có thể trở về nhà và thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà. Còn nếu khối polyp có số lượng lớn (trên 3 cái) và kích thước trên 1cm hay một số trường hợp phức tạp thì người bệnh có thể phải lưu viện từ 1-2 ngày để tiến hành theo dõi.

Người bệnh nên làm gì sau khi cắt polyp?

Để đảm bảo cơ thể nhanh chóng hồi phục sau khi cắt polyp đại tràng thì người bệnh cần tuân thủ một số lưu ý cần thiết như sau:

  • Người bệnh nên bố trí khoảng thời gian nghỉ ngơi hợp lý.

  • Tuân thủ theo chỉ dẫn của các bác sĩ  khi sử dụng thuốc.

  • Uống nhiều nước để tránh cơ thể mất nước  

  • Bổ sung thực phẩm có nhiều chất xơ như rau xanh, củ quả, trái cây tươi và một số vitamin cần thiết cho cơ thể.

  • Ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa như súp, cháo loãng, canh hầm nhừ…

  • Ăn chậm nhai kỹ và chia thành nhiều bữa nhỏ khoảng 5-6 bữa/ngày.

Người bệnh không nên làm gì sau khi cắt polyp?

Bên cạnh một số việc nên làm thì người bệnh cũng cần chú ý đến một số vấn đề không nên làm sau khi tiến hành cắt polyp đại tràng.

  • Không tự ý điều khiển phương tiện sau khi cắt polyp xong  vì trong quá trình cắt polyp người bệnh sẽ được gây mê nên việc tự di chuyển khó khăn hơn khi bệnh nhân tỉnh lại.

  • Không nên ăn đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ

  • Không uống các đồ uống có cồn, chất kích thích như rượu bia, cà phê, soda, nước có gas…

  • Không lao động hay vận động nặng

  • Không được để tình trạng táo bón xảy ra và han chế rặn mạnh khi đi đại tiện

  • Không tự ý sử dụng thuốc giảm đau vì trong một số loại thuốc có thành phần ảnh hưởng đến chức năng máu như aspirin. Trong trường hợp bất khả kháng có thể sử dụng thuốc giảm đau như Acetaminophen / Paracetamol.

Biến chứng có thể xảy ra sau khi cắt polyp đại tràng?

Nội soi cắt polyp đại tràng được đánh giá là thủ thuật tương đối an toàn và với các dạng polyp nhỏ thì vết cắt sẽ tự liền sau khoảng 1 tuần. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể gặp những biến chứng sau:

  • Sốt, ớn lạnh

  • Hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn và dịch nôn có máu hoặc mật ở trong đó.

  • Ho, khó thở, đau tức ngực, run tay chân

  • Bụng đau dữ dội, căng chướng hoặc co cứng

  • Đại tiện phân có máu hoặc hắc ín hoặc phân đen như bã cafe

  • Vùng hậu môn chảy máu, phù nề hoặc có dịch tiết ra nhiều.

Nếu gặp phải bất kỳ triệu chứng nào kể trên thì người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được kịp thời điều trị tránh xảy ra những rủi ro đáng tiếc.

polyp đại tràng

Bụng đau dữ dội là một trong những biến chứng sau khi cắt polyp đại tràng

Polyp đại tràng có tái phát không?

Polyp đại tràng hoàn toàn có khả năng tái phát và theo nhiều thống kê thì nguy cơ tái phát kể từ lần cắt polyp đầu tiên là khoảng 25-30%. Trong số đó, đối tượng người cao tuổi, không tuân thủ chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh có nguy cơ tái phát cao nhất.

Ngoài ra, các bệnh nhân cắt polyp đại tràng có thể được chỉ định sử dụng thêm một số loại thuốc để ngăn chặn sự tái phát của polyp đại tràng. Tuy nhiên liều lượng và loại thuốc nào được sử dụng thì cần có sự kê đơn từ phía bác sĩ.

Sau bao lâu nên tái khám polyp đại tràng?

Chính vì khả năng polyp đại tràng có thể tái phát nên việc người bệnh cần tái khám là vô cùng quan trọng. Bởi khi tái khám các bác sĩ mới theo dõi và phát hiện sớm nguy cơ tái phát của bệnh để đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Theo đó, với bệnh nhân cắt polyp đại tràng thì cần tiến hành nội soi đại tràng 1 lần/năm và tiếp tục tầm soát định kỳ hàng năm để có sự theo dõi chặt chẽ về tình trạng sức khỏe của đại tràng nói riêng cũng như của hệ thống tiêu hóa nói chung.

Ngoài ra, đối với đối tượng trên 40 tuổi thì nên tiến hành nội soi đại tràng ít nhất 5 năm/ lần để kiểm soát tốt các tình trạng của đường tiêu hóa.

Để giúp cho sau quá trình cắt polyp có kết quả thành công, ngoài chuyên môn của các bác sĩ cũng như chất lượng máy móc của cơ sở y tế, thì người bệnh cũng cần tuân thủ nghiêm chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý. Nên và không nên làm việc gì cần được chú ý và ghi nhớ rõ để giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục sức khỏe.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top