Phản ứng chiến đấu, tự vệ là phản ứng bẩm sinh và nguyên thủy của cơ thể chúng ta để chuẩn bị cho các trường hợp bị tấn công hay đe dọa sự tồn tại. Phản ứng tự nhiên này không chỉ được kích hoạt bởi các tình huống thể chất, nó cũng có thể được kích hoạt bởi các tổn thương tâm lý hoặc tâm thần.
Chia tay cũng được coi là một stress đối với cơ thể, và cơ thể chúng ta không phân biệt được liệu stress đó là do bạn đang phải chạy trốn khỏi một con sư tử đang rượt đuổi hay bạn đang gặp một tổn thương tâm lý. Trong cả 2 trường hợp cơ thể đều có một phản ứng giống nhau bao gồm run rẩy, giảm khả năng tập trung… Khi nguyên nhân gây ra stress bắt nguồn từ thể chất ví dụ trong tình huống một con sư tử đang rượt đuổi bạn, phản ứng stress của cơ thể thường thoáng qua và nhanh chóng kết thúc khi kích thích kết thúc.
Tuy nhiên stress gây ra do một mối quan hệ đổ vỡ thường tồn tại lâu hơn và có thể dẫn đến những rối loạn cảm xúc mạn tính, nếu không được giải quyết các rối loạn này có thể gây nên chứng trầm cảm.
Những thay đổi này bạn có thể đổ lỗi cho sự thay đổi của các hormone trong cơ thể. Sự đau khổ tinh thần cũng được biểu hiện bằng các rối loạn thể chất liên quan đến giấc ngủ và cảm giác ngon miệng.
Chia tay đẩy bạn vào một chuỗi những căng thẳng kéo dài, sự giải phóng của hormone cortisol ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa, làm giảm khả năng tiêu hóa và gây nên các tình trạng như hội chứng ruột kích thích (IBS). Hệ quả là, bạn thường ăn quá ít hoặc ăn quá nhiều hoặc sử dụng các loại thực phẩm một cách bừa bãi.
Thêm nữa, giấc ngủ của bạn cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mất ngủ gây ra những vấn đề sức khỏe khác như đau đầu, giảm khả năng hoạt động, động lực suy giảm, lo lắng, căng thẳng thêm trầm trọng và có thể dẫn đến trầm cảm.
Một nghiên cứu năm 2011 của các nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia đã chỉ ra rằng khi bạn chia tay hay vẫn còn lưu luyến một điều gì đó đã từng là một phần không thể tách rời của cuộc đời bạn, những cảm xúc khao khát mãnh liệt sẽ xuất hiện. Điều thú vị là, những khu vực não bộ bị kích thích ở đây cũng giống như ở một người nghiện ma túy cocaine đang có hội chứng cai. (Hội chứng cai là trạng thái phản ứng của cơ thể khi cắt hoặc giảm lượng chất gây nghiện đang sử dụng). Việc này được cho là có liên quan đến hoạt động của vùng não bộ sản xuất chất dẫn truyền thần kinh dopamine và hệ thống thần kinh tưởng thưởng của não ( brain’s reward system)
Bạn đã bao giờ nghe nói về sự đau khổ của những người chia tay được miêu tả đau đớn giống như hit by a truck – bị đâm bởi một chiếc xe tải. Những tổn thương về tâm thần và thể chất được miêu tả này dường như không hề phóng đại. Đánh mất đi một người bạn cực kì yêu thương cũng có thể khiến cơ thể suy giảm khả năng miễn dịch. Các loại hormone liên quan đến tình trạng stress được giải phóng, theo thời gian có thể dẫn đến giảm chức năng miễn dịch và nhiều vấn đề về sức khoẻ khác. Một phần hệ thống miễn dịch giúp chống lại các virus có thể suy giảm hoặc ngừng hoạt động. Cơ thể của bạn về cơ bản trở nên yếu hơn sau khi chia tay, và bạn cũng nhạy cảm hơn với những đau đớn thể xác.
Cortisol là hormone stress được giải phóng khi chúng ta trải qua bất kỳ tình huống căng thẳng nào. Khi kết thúc một mối quan hệ lãng mạn, cortisol được giải phóng kích thích hệ thần kinh giao cảm của chúng ta. Những phản ứng của cơ thể xuất hiện như là một cách để chúng ta đối phó với những căng thẳng. Bạn có thể thấy nhịp tim và chỉ số huyết áp của mình tăng vọt. Vấn đề ở đây là chia tay sẽ dẫn đến sự căng thẳng kéo dài, và cortisol thay vì giúp cơ thể vượt qua stress lại gây thêm những vấn đề sức khỏe khác như lo âu, hối tiếc, sợ hãi, kiệt sức…
Thật không may chia tay có thể khiến bạn nổi mụn. Trong một nghiên cứu năm 2007 của Wake Forest, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng nguy cơ bị mụn trứng cá cao hơn 23% ở những người gặp nhiều căng thẳng. Các nhà nghiên cứu đã chú ý khá nhiều tới các nguyên nhân gây mụn khác như thời tiết để đảm bảo không ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu của họ. Phát hiện này đã chứng minh rằng căng thẳng đã thực sự kích hoạt phản ứng viêm, trong khi mụn trứng cá là một bệnh liên quan đến phản ứng viêm.
Khi bạn trải qua một cuộc chia tay, trái tim của bạn có thể sẽ to và giãn rộng hơn. Tình trạng này được Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ định nghĩa là hội chứng broken heart. Thuật ngữ tim to phổ biến nhất là đề cập đến tim giãn rộng nhìn thấy trên X quang ngực trước khi các xét nghiệm khác được thực hiện để chẩn đoán các điều kiện cụ thể gây ra giãn rộng tim.
Một phần tim bạn tạm thời giãn rộng và không bơm máu tốt, trong khi phần còn lại hoạt động bình thường hoặc tăng cường hoạt động với sự co bóp mạnh mẽ hơn. Hội chứng này ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn, với nữ giới chiếm hơn 80% các trường hợp. Bởi vì các triệu chứng của hội chứng broken heart cũng bao gồm đau ngực và nhịp tim bất thường, nên nó thường bị chẩn đoán nhầm với chứng nhồi máu cơ tim. Tin tốt lành là tình trạng này sẽ biến mất sau một vài tuần và mỗi người thường chỉ mắc nó một lần.
Trên đây là một vài thay đổi của cơ thể khi bạn kết thúc một mối quan hệ, chúng giúp cơ thể chống lại tình trạng căng thẳng kéo dài nhưng đôi khi lại gây ra những ảnh hưởng tiêu cực.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh