✅ Chẩn đoán và điều trị nhiễm trùng tai trong

Tai trong là bộ phận sâu nhất của tai người, nằm ở cuối ống tai. Đây là phần tai biến sóng âm thanh thành các xung thần kinh, đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp giữ thăng bằng.

Nhiễm trùng tai trong có thể khiến các cấu trúc của tai trong bị viêm, dẫn đến một số triệu chứng như buồn nôn, chóng mặt, cảm giác mất cân bằng và suy giảm thính lực.

 

Chẩn đoán

Bác sĩ có thể chẩn đoán nhiễm trùng tai trong bằng cách khám chức năng thăng bằng. Họ cũng có thể thực hiện một cuộc kiểm tra toàn diện bao gồm cả đánh giá thần kinh.

Khám thăng bằng và đánh giá thần kinh đều là chìa khóa quan trọng, vì không thể phát hiện ra bệnh nhiễm trùng tai trong chỉ bằng cách nhìn vào bên trong tai bằng kính soi tai.

Viêm mê đạo và viêm dây thần kinh tiền đình đều có chung các triệu chứng với một số bệnh lý khác. Bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm để loại trừ các bệnh lý này:

  • Bệnh Meniere
  • Đau nửa đầu
  • Đột quỵ
  • Xuất huyết não
  • Động mạch cổ bị tổn thương
  • Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV)
  • U não

Để kiểm tra những bệnh này, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm sau:

  • Kiểm tra thính giác
  • Xét nghiệm máu
  • Chụp CT scan
  • Chụp MRI
  • Điện não đồ
  • Điện ký rung giật nhãn cầu

Điều trị

Trong một số trường hợp hiếm gặp, bác sĩ có thể sử dụng thuốc kháng vi rút hoặc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng tai trong. Tuy nhiên, bác sĩ thường sẽ chỉ điều trị các triệu chứng của nhiễm trùng tai trong chứ không phải tác nhân gây nhiễm trùng.

Người bệnh có thể dùng thuốc kháng histamine hoặc benzodiazepine để điều trị chóng mặt. Thuốc kháng histamine cũng có thể giúp giảm buồn nôn và chóng mặt.

Thuốc kháng histamine không kê đơn bao gồm fexofenadine (Allegra), diphenhydramine (Benadryl) và loratadine (Claritin).

Bác sĩ cũng có thể đề nghị dùng thuốc chống nôn như prochlorperazine, để giúp kiểm soát buồn nôn và nôn, hoặc thuốc ức chế tiền đình như Meclizine. Các bác sĩ cũng thường kê steroid để điều trị viêm.

Các biện pháp khắc phục tại nhà

Người bị nhiễm trùng tai trong cũng có thể thử một số phương pháp điều trị tại nhà sau đây để giúp giảm bớt các triệu chứng.

Gừng chữa buồn nôn và chóng mặt

Một số nghiên cứu cho thấy trà gừng có thể là một phương pháp điều trị chóng mặt hiệu quả. Các nghiên cứu khác cũng cho rằng gừng là một phương pháp điều trị buồn nôn hiệu quả.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là các nhà nghiên cứu đã tiến hành các nghiên cứu này ở những người tham gia bị chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV), là loại chóng mặt khác với chóng mặt xảy ra khi viêm mê đạo.

Các biện pháp khắc phục buồn nôn tại nhà khác

Một số biện pháp khắc phục tại nhà khác mà người bệnh có thể thử để giúp giảm cảm giác buồn nôn bao gồm:

  • Bạc hà
  • Quế
  • Chất đạm
  • Thức uống thể thao thay thế chất điện giải

Hầu hết các nghiên cứu về biện pháp khắc phục tại nhà này tập trung vào hiệu quả của chúng trong việc điều trị chứng buồn nôn liên quan đến thai kỳ hoặc hóa trị. Tuy nhiên, người bệnh có thể tự mình thử xem các biện pháp này có giúp giảm buồn nôn liên quan đến nhiễm trùng tai trong hay không.

Giảm đau

Người lớn có thể sử dụng các loại thuốc không kê đơn như acetaminophen (Tylenol) và ibuprofen (Advil), để điều trị đau do nhiễm trùng tai trong.

Liên hệ với bác sĩ

Người bệnh nên liên hệ với bác sĩ ngay khi các triệu chứng của nhiễm trùng tai trong xuất hiện.

Mặc dù bệnh này thường tự khỏi mà không cần điều trị, nhưng điều quan trọng vẫn là để bác sĩ xác định nguyên nhân của tình trạng này. Chẩn đoán sớm có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng và tổn thương thính giác lâu dài.

Tóm lại

Nhiễm trùng tai trong khiến một số bộ phận của tai trong bị viêm. Chúng thường xảy ra khi bị cảm lạnh hoặc cúm hoặc nếu nhiễm trùng tai giữa lan vào tai trong.

Hai loại viêm tai trong chính là viêm mê đạo và viêm dây thần kinh tiền đình. Cả hai bệnh nhiễm trùng tai trong này đều có thể gây ra một số triệu chứng bao gồm chóng mặt, chóng mặt và buồn nôn. Người bị viêm mê đạo cũng có thể gặp các vấn đề về thính giác.

Viêm tai trong thường tự khỏi mà không cần điều trị sau một thời gian. Tuy nhiên, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để điều trị các triệu chứng của nhiễm trùng.

Người bệnh nên liên hệ với bác sĩ ngay khi các triệu chứng của nhiễm trùng tai trong xuất hiện vì chẩn đoán sớm có thể loại trừ các bệnh lý nghiêm trọng hơn và ngăn ngừa tổn thương tai lâu dài.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp 

return to top