Cây vả từ rất lâu đời đã được tận dụng để làm dược liệu chữa bệnh. Cả phần quả, rễ và lá đều là vị thuốc góp tên trong nhiều bài thuốc, trong đó phần quả là được dùng phổ biến nhất. Quả vả thường được dùng trị các chứng như táo bón, kiết lỵ, lòi dom…
Hình ảnh quả cây vả – Dược liệu gần giống với quả sung
- Tên khác: Sung mỹ, sung lá rộng, sung tai voi
- Tên khoa học: Ficus auriculata Lour
- Họ: Dâu tằm (Moraceae)
Mô tả cây vả dược liệu
1. Đặc điểm thực vật
Cây vả là một loại cây gỗ có thân và cành tương đối lớn, cao khoảng 5 – 10m. Cây thường xanh nhưng nếu được trồng ở xứ lạnh thì vẫn sẽ bị rụng lá vào mùa Đông.
Lá cây có hình tim gần như tròn với kích thước lớn. Phiến lá khá to, mềm và có lông ở mặt dưới. Mép khía của lá răng không đều nhau, phần cuống lá khá dài và to.
Cụm hoa của cây thường mọc dày đặc trên thân hoặc trên cành già. Hoa đực sẽ có 4 cánh đài và 2 nhị, trong khi hoa cái chỉ có 3 cánh đài. Cụm hoa sẽ phát triển thành quả to có hình đầu dẹt.
Phần quả khi còn non sẽ có vỏ ngoài màu xanh kèm lông mịn trên bề mặt. Bên trong quả có một lớp cơm màu trắng và đến khi quả chín thì sẽ có màu đỏ. Quả vả giống như quả sung nhưng kích thước to hơn.
2. Bộ phận dùng
Cả phần quả, rễ và lá của cây đều được sử dụng để làm vị thuốc nhưng phần quả là được dùng phổ biến nhất.
3. Phân bố
Loại cây này được trồng rất phổ biến tại các quốc gia Đông Nam Á. Riêng đối với ở Việt Nam, cây phân bố rất nhiều nơi, tập trung chủ yếu ở khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế.
4. Thu hái
Các bộ phận của cây vả có thể được thu hái quanh năm và thường được dùng ở dạng tươi mà không qua sơ chế.
Phần quả là được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị bệnh
5. Thành phần hóa học
Nghiên cứu cho thấy trong quả vả có một số thành phần cụ thể như sau:
- Protein
- Chất béo
- Vitamin nhóm B
- Hợp chất flavonoit và polyphenol
- Chất nhầy và pectin
Ngoài ra, loại quả này còn chứa rất nhiều khoáng chất và nguyên tố vi lượng khác. Tiêu biểu có calcium, magnesium, sodium, phosphor, mangan, kẽm, đồng…
Vị thuốc quả vả
1. Tính vị
Theo các tài liệu y học cổ thì loại quả này có vị ngọt và tính bình.
2. Quy kinh
Đến nay vẫn chưa tìm thấy tài liệu nào ghi chép về vấn đề này.
3. Tác dụng dược lý
Theo y học cổ truyền:
- Nhuận tràng, làm mạnh dạ dày, cầm tiêu chảy.
- Thanh nhiệt, giải độc, tiêu đờm, nhuận phế, kiện vị.
- Rễ và lá còn có tác dụng giảm độc, tiêu thũng, chỉ thống.
Theo y học hiện đại:
- Hợp chất Coumarin trong quả giúp làm giảm đáng kể nguy cơ mắc chứng ung thư tuyến tiền liệt, ruột kết và cả ung thư vú.
- Cung cấp dưỡng chất để giúp xương chắc khỏe hơn.
- Hỗ trợ làm giảm cholesterol xấu trong máu nhờ hợp chất pectin.
- Ngăn ngừa thiếu máu, nhồi máu cơ tim và huyết áp cao.
- Chống oxy hóa, hỗ trợ giảm cân.
- Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường nhờ giàu kali.
4. Cách dùng – liều lượng
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể sử dụng dược liệu theo nhiều cách khác nhau. Có thể sắc chung với các vị thuốc khác để điều trị bệnh. Ngoài ra đối với quả vả có thể dùng để ăn sống hay kết hợp ăn chung với các loại rau khác.
Về liều lượng, vẫn chưa có tài liệu ghi nhận lượng dược liệu tối đa có thể dùng trong một ngày. Tuy nhiên, tuyệt đối không nên lạm dụng trong bất cứ trường hợp nào.
Các bài thuốc chữa bệnh bằng quả vả
Sau đây là thông tin về một số bài thuốc từ quả vả mà bạn có thể tham khảo:
1. Điều trị chứng táo bón
- Chuẩn bị: 5 quả vả chín, 100g khoai lang, 30g đường đỏ.
- Thực hiện: Quả vả và khoai lang cho vào nồi hầm nhừ. Sau đó cho đường đỏ vào và quấy đều. Chia lượng thuốc này thành 2 lần uống trong ngày. Cần duy trì liên tục trong khoảng 3 – 4 ngày để nhận được kết quả tốt.
2. Chữa cổ họng sưng đau
- Chuẩn bị: 100g quả vả non, 30g búp tre, 50g lá chó đẻ.
- Thực hiện: Các nguyên liệu đã chuẩn bị đem giã nát rồi sao nóng trên lửa nhỏ. Đắp trực tiếp vào cổ khi thuốc còn ấm và băng giữ cố định. Mỗi ngày làm 2 lần, áp dụng cách này liên tục trong vài ngày.
3. Điều trị bệnh trĩ, đại tiện khô cứng
- Chuẩn bị: 10 quả vả cùng với 1 đoạn ruột già lợn.
- Thực hiện: Sơ chế nguyên liệu cho sạch rồi cho vào nồi hầm nhừ và nêm nếm gia vị vừa miệng. Ăn trực tiếp trong ngày. Ngoài ra đối với bệnh trĩ còn có thể dùng phần lá giã nát và đắp vào búi trĩ, mỗi ngày 2 – 3 lần.
Có thể tận dụng quả và lá vả để hỗ trợ điều trị bệnh trĩ
4. Điều trị cảm hoặc ngộ độc
- Chuẩn bị: 200g quả vả, 200g quả sung, 50g lá móc mèo, 50g rễ canh châu.
- Thực hiện: Các vị thuốc trên đem rửa sạch, thái nhỏ rồi phơi khô. Sau đó tẩm 1 ít rượu và cho lên chảo sao vàng. Sắc lấy nước và chia làm 2 lần uống. Mỗi ngày dùng 1 thang thuốc và duy trì liên tục trong 1 tháng.
5. Điều trị tiêu hóa kém, tiêu chảy lâu ngày, tỳ hư
- Chuẩn bị: 100g quả vả phơi khô.
- Thực hiện: Đem nguyên liệu thái thành hạt lựu rồi sao vàng. Hãm trong khoảng 1 lít nước sôi rồi cho thêm ít đường trắng và dùng như uống hằng ngày. Cần kiên trì sử dụng để nhận được hiệu quả.
6. Bài thuốc làm tăng tiết sữa mẹ
- Chuẩn bị: 1 ít quả vả ở dạng khô.
- Thực hiện: Đem nguyên liệu đi sấy giòn và tán thành dạng bột. Mỗi lần lấy khoảng 12g hòa với nước sôi để nguội và uống trực tiếp. Uống 2 lần/ngày trong khoảng 3 – 5 ngày liên tục.
7. Điều trị phế nhiệt, khản tiếng
- Chuẩn bị: 150g quả vả.
- Thực hiện: Sắc nguyên liệu với nước lọc và nêm đường phèn vào cho đủ độ ngọt. Ngày uống 3 lần, mỗi lần chỉ 5g.
8. Chữa viêm loét dạ dày tá tràng
- Chuẩn bị: 1 ít quả vả ở dạng đã sấy khô.
- Thực hiện: Tán nguyên liệu thành bột. Mỗi lần uống khoảng 5g với tần suất 3 lần/ngày.
9. Làm thuốc khai vị
- Chuẩn bị: 500g quả vả vừa chín tới.
- Thực hiện: Nguyên liệu đem thái nhỏ rồi sấy khô và ngâm với khoảng 1 lít rượu trắng trong khoảng 10 – 20 ngày. Mỗi ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần chừng 20 – 30ml. Uống trước 2 bữa ăn chính và trước lúc đi ngủ.
Những lưu ý khi sử dụng quả vả để chữa bệnh
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng quả vả cần chú ý đến các vấn đề sau:
- Không dùng cho trẻ em bởi hàm lượng đường cao trong loại quả này có thể khiến trẻ bị tiêu chảy hay sâu răng.
- Ăn quá nhiều quả vả 1 lúc rất dễ gặp phải chứng đầy bụng.
- Những người bình thường sử dụng không đúng cách có thể gây ra tình trạng hạ đường huyết.
Những thông tin mà bài viết tổng hợp được về cây vả và công dụng chữa bệnh của quả vả chỉ có giá trị tham khảo. Trước khi chữa bệnh với vị thuốc này, bạn cần tham khảo những người có chuyên môn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp