✴️ Tìm hiểu bệnh Parkinson có lây không?

Nội dung

Bệnh Parkinson hay tên thường gọi là bệnh liệt rung, bệnh run tay chân. Đây là một dạng của bệnh lý thoái hóa mạn tính, do giảm lượng Dopamin trong não gây khó khăn khi vận động (đi lại khó khăn, cứng, rung, lắc). Nhiều người lo lắng bệnh Parkinson có thể lây lan từ người này sang người khác. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu bệnh Parkinson có lây không và nhiều thông tin hữu ích về căn bệnh này, ngay trong bài viết dưới đây.

 

1. Parkinson là bệnh gì và bệnh Parkinson có lây không?

Dân gian thường gọi Parkinson là bệnh liệt rung hay bệnh run tay chân. Người bệnh parkinson thường  hay rung lắc một bên tay hoặc chân hoặc cả tay và chân, sau đó chuyển sang bên kia. Một số ít trường hơp có thể rung lắc cả nửa người. Bên cạnh việc hạn chế vận động, người bệnh Parkinson còn bị rối loạn chức năng nuốt, do đó họ thường có biểu hiện tăng tiết nước bọt, dẫn tới hay chảy nước dãi nhiều. Kèm theo các biểu hiện khác như ít chớp mắt khiến mắt hay bị đỏ và viêm nhiễm, miệng không khép kín. Có người táo bón nặng và kéo dài.

Với việc căn bệnh này ngày càng phổ biến đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu bệnh Parkinson có thể lây từ người này sang người khác và từ thế hệ này qua thế hệ khác hay không?

Các biểu hiện: run tay, chân; co cứng; giảm vận động là 3 nhóm triệu chứng điển hình của bệnh parkinson

 

1.1 Bệnh Parkinson có lây không khi tiếp xúc giữa người này với người khác?

Theo các nghiên cứu, thực chất parkinson là bệnh mạn tính, do thoái hóa chất dopamine trong não và không có tính chất lây từ người này sang người khác. Bình thường  các tế bào não sẽ sản sinh ra một chất dẫn truyền tín hiệu thần kinh từ tế bào não não này sang tế bào não khác được gọi là dopamine. Dopamine có vai trò rất quan trọng, vừa là hooc-môn vừa là chất dẫn truyền thần kinh, giúp tế bào não chỉ huy và kiểm soát các cử động bắp thịt ở tay, chân, mặt.

Vì một lý do nào đó các tế bào não không còn sản sinh ra dopamine nữa, dẫn tới sự thiếu hụt lượng dopamine trong não, khiến não không thể chỉ huy sự vận động của các cơ bắp như bình thường, dẫn tới yếu cơ, run tay chân, đi lại khó khăn, rung lắc tay chân và thường là tập trung vào một bên của cơ thể. Xét về bản chất, bệnh Parkinson không phải là liệt mà là hạn chế vận động.

1.2 Bệnh Parkinson có lây không từ thế hệ này sang thế hệ khác?

Một số khác băn khoăn việc bệnh Parkinson có khả năng di truyền. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh Parkinson mà con cái của họ hoàn toàn khỏe mạnh, không bị lây bệnh parkinson từ thế hệ trước. Điều này là do Parkinson có nhiều thể, trong các thể bệnh đó thì có hội chứng Parkinson di truyền nhưng thường rất hiếm gặp. Do đó, yếu tố di truyền chỉ là một trong các yếu tố có thể gây nguy cơ, chứ thể khẳng định rằng bệnh parkinson có di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

 

2. Nguyên nhân gây bệnh Parkinson

Hiện nay, các nhà khoa học chưa thể tìm ra chính xác nguyên nhân gây ra bệnh Parkinson. Theo một số chuyên gia, dựa vào một số công trình nghiên cứu về các nguyên nhân gây bệnh Parkinson thì mới chỉ liệt kê ra được một số yếu tố có thể gây ra bệnh Parkinson, nhưng chưa thể khẳng định chính xác chúng là nguyên nhân gây ra bệnh Parkinson.

Một số yếu tố gồm:

– Ngộ độc.

– Người cao tuổi.

– Yếu tố gia đình (di truyền).

– Đột biến gene.

Cơ chế bệnh sinh của bệnh Parkinson rất phức tạp, chúng ta chưa thể khẳng định được yếu tố nào là yếu tố quyết định.

 

4. Bệnh Parkinson có nguy hiểm không?

Tuy không nguy hiểm chết người, nhưng người bệnh Parkinson bị hạn chế vận động, rối loạn chức năng nuốt dẫn tới tiết nước bọt không kiểm soát, mắt hay bị viêm nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt trong đời sống hàng ngày. Người bệnh parkinson thường tử vong do các bệnh lý có liên quan.

Theo thống kê có đến 61% trường hợp bệnh nhân Parkinson bị tàn phế hoặc tử vong sau 5-9 năm, khoảng 80% bệnh nhân Parkinson tử vong sau 15 năm.

Bệnh parkinson làm suy giảm chức năng vận động, lâu dài có thể gây liệt, tàn phế và tử vong nhiều bệnh cơ hội

 

5. Bệnh Parkinson có chữa khỏi được không?

Thực tế là bệnh Parkinson không thể chữa khỏi hoàn toàn. Nhưng với sự tiến bộ của y học hiện đại, nếu người bệnh được phát hiện sớm, chẩn đoán đúng, sẽ có nhiều phương pháp điều trị, giúp người bệnh Parkinson có được một cuộc sống tương đối bình thường như bao người khác, sinh hoạt ổn định hơn và không làm ảnh hưởng tới tuổi thọ của họ.

Người bệnh Parkinson chỉ bị hạn chế vận động, nhưng họ vẫn có trí tuệ minh mẫn. Đây là căn bệnh cần điều trị lâu dài, sử dụng thuốc theo chỉ định và tập luyện vận động thường xuyên là chủ yếu.

Ngoài ra một số biện pháp khác có thể được áp dụng nếu sau một quá trình điều trị, bệnh nhân dần không đáp ứng thuốc tốt nữa.

Bệnh parkinson thường gặp ở người lớn tuổi nhưng có xu hướng ngày càng trẻ hóa

 

6. Độ tuổi nào thường mắc bệnh Parkinson?

Người bệnh Parkinson phần lớn thường gặp ở những người lớn tuổi, khoảng 50 – 70 tuổi trở đi, hiếm gặp ở người trẻ tuổi.

Parkinson là một bệnh lý thần kinh nguy hiểm, do đó người bệnh Parkinson cần được thăm khám sớm với chuyên gia thần kinh để được kiểm tra, chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả nhất. Hi vọng những thông tin tham khảo được chia sẻ trong bài viết đã giúp bạn hiểu được “bệnh Parkinson có lây không?” và có thêm những thông tin hữu ích về căn bệnh này. Nếu cần tư vấn hay muốn đặt lịch khám với các chuyên gia nội thần kinh, bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp và hỗ trợ tốt nhất.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top