Các loại thuốc điều trị đa triệu chứng
Các loại thuốc điều trị kết hợp cả cảm lạnh, cảm cúm và ho rất dễ mua và bạn cảm thấy yên tâm khi lựa chọn chúng bởi ít nhất cũng có một thành phần nào đó có thể giúp giải quyết các triệu chứng của bạn.
Tuy nhiên bạn cần phải cân nhắc lại, bởi việc sử dụng các loại thuốc đặc trị cho từng triệu chứng lại an toàn hơn rất nhiều so với các thuốc đa tác dụng. Theo dược sỹ Maria M. Mantione thuộc Đại học St. John, những người lạm dụng các loại thuốc điều trị đa triệu chứng này thường có nguy cơ cao bị quá liều cũng như gặp tương tác thuốc bất lợi. Ví dụ như hầu hết các thuốc đa tác dụng đều có chứa thành phần paracetamol để hạ sốt, giảm đau họng… Tuy nhiên nếu kết hợp thêm loại thuốc này với cả Tylenol (cũng chứa paracetamol) thì bạn sẽ có nguy cơ bị quá liều sử dụng hàng ngày, dẫn tới tổn thương gan thậm chí gây tử vong.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)
Những nhân viên văn phòng bận rộn thường trữ sẵn trong ngăn bàn một vài lọ thuốc giảm đau như ibuprofen hay naproxen để khi gặp phải những cơn đau đầu do áp lực công việc, đau lưng do ngồi nhiều hay thậm chí đau bụng thì những thuốc kháng viêm không steroid này có thể giúp họ có một ngày dễ chịu hơn.
Tuy nhiên hãy hết sức thận trọng. Sử dụng liều cao kéo dài các NSAIDs thường gây ra những nguy cơ hết sức nghiêm trọng như: các vấn đề về tiêu hóa (buồn nôn, táo bón) là tác dụng phụ khá phổ biến, các biến chứng nghiêm trọng hơn có thể gặp bao gồm loét đường tiêu hóa hay thậm chí suy thận. Gần đây, Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ FDA đã điều chỉnh lại nhãn các NSAIDs để có thể cung cấp thông tin rõ ràng hơn tới cộng đồng rằng những thuốc này có thể làm tăng nguy cơ bị đau tim hay đột quỵ.
Nguy hiểm là vậy nhưng điều đó không có nghĩa là bạn hoàn toàn không được sử dụng NSAIDs. Hãy làm theo chỉ dẫn ghi trên nhãn thuốc và tới bác sỹ để kiểm tra nếu bạn đã sử dụng những thuốc này kéo dài trên 10 ngày.
Thuốc kháng acid
Bạn vừa ăn một đống gà rán và bây giờ lại tiếp tục chiến đấu với bánh pizza pho mát. Không thành vấn đề bởi bạn nghĩ rằng chỉ cần sử dụng các thuốc kháng acid là sẽ đập tan ngay triệu chứng ợ nóng. Tuy nhiên theo dược sỹ Mantione, nhiều người thường sử dụng các thuốc kháng acid kéo dài hơn thời hạn cho phép ghi trên nhãn và cũng không có sự theo dõi của bác sỹ.
Một số người sử dụng chúng mỗi ngày trong vòng vài tháng trời để điều trị chứng trào ngược acid. Nếu không được theo dõi bởi bác sỹ, những thuốc này có thể gây ra những vấn đề còn nghiêm trọng hơn. (Mặc dù hiếm gặp nhưng tình tráng ợ nóng kéo dài có thể dẫn tới ung thư thực quản.)
Thuốc kháng histamine
Các loại thuốc chống dị ứng thế hệ mới như Claritin hay Zyrtec được coi là khá an toàn khi sử dụng nhưng các thuốc kháng histamine thế hệ cũ như Benadryl (hoạt chất: diphenylhydramine) lại có thể gây ra một số tác dụng phụ (buồn ngủ, lú lẫn, hoa mắt, chóng mặt) và không nên sử dụng vào ban ngày hay khi đang điều khiển phương tiện. Diphenylhydramine (một thành phần có mặt trong Tylenol PM và một số thuốc khác) có thể tương tác làm tăng tác dụng của một số loại thuốc khác như thuốc giãn cơ, thuốc an thần, thuốc giảm căng thẳng, lo âu. Do vậy trước khi dùng thuốc tốt nhất là nên hỏi ý kiến bác sỹ hoặc dược sỹ.
Pseudoephedrine
Loại thuốc có tác dụng co mạch và giảm sung huyết này có thể được tìm mua dễ dàng tại các hiệu thuốc và thường mang lại tác dụng nhanh chóng, giúp giảm khó chịu cho những người bị nghẹt mũi. Pseudoephedrine thường gây ra một số tác dụng không mong muốn như tăng nhịp tim, lo lắng, bồn chồn và mất ngủ. Pseudoephedrien cũng có thể tương tác với một số loại thuốc huyết áp và các loại thuốc kích thích như caffeine. Do vậy, hãy trao đổi với bác sỹ hoặc dược sỹ (đặc biệt nếu bạn đang mang thai, bị cao huyết áp, hay mắc các bệnh tim mạch) trước khi quyết định sử dụng loại thuốc này.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh