Lạm dụng thuốc và hiểm hoạ kháng thuốc kháng sinh

Sau nhiều thập niên kể từ khi khoa học phát minh ra loại thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, giờ đây, Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới.

Điều gì đã dẫn đến hiểm hoạ kháng thuốc của ngày hôm nay?

Dưới đây là một số những nguyên nhân và hậu quả của tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Liệu bạn chính là một trong những tác nhân thúc đẩy hiểm hoạ này ngày một nghiêm trọng hơn? Hãy nhận thức về mối hiểm nguy chung của toàn nhân loại, và tham gia vào các biện phápkhắc phục và giảm thiếu tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh.

 

1. Lạm dụng thuốc kháng sinh

Hầu hết mọi người khi mắc phải các căn bệnh thường thức ở giai đoạn khởi phát, thường tự mua thuốc kháng sinh tại các hiệu thuốc gần nhà. Đó có thể là các loại thuốc kháng sinh phổ rộng thuộc phân nhóm penicilin như amoxicillin hay ampicillin.

v

Cứ mỗi khi bị bệnh dù nặng hay nhẹ, mọi người sẽ thường trở thành bác sĩ tại gia, tự kê đơn và tự điều trị hay thậm chí “chữa bệnh” cho cả gia đình theo cùng một phương thuốc. 

Thậm chí, khi bệnh trạng không thấy cải thiện và chậm lành bệnh, lại tiếp tục tự mua thuốc và với liều lượng nặng hơn. Cho đến lúc bệnh đã chuyển biến trầm trọng, người bệnh mới tìm đến bác sĩ trong tình trạng vi khuẩn đã có khả năng vô hiệu hoá hầu hết các loại thuốc kháng sinh.   

 

2. Vi khuẩn kháng thuốc nhờ gen (*)

Sự kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn nhờ vào các “gen kháng thuốc” có trong tế bào, nhờ đó có thể tồn tại và làm mất tác dụng của thuốc kháng sinh. “Gen kháng thuốc” của vi khuẩn được hình thành từ việc đột biến gen trong tế bào vi khuẩn.

Tuy nhiên, sự đột biến tự thân này của vi khuẩn gây bệnh, không hẳn là nguyên nhân chủ đạo và duy nhất của hiểm hoạ kháng thuốc kháng sinh. Một nguyên nhân khác là do các yếu tố lan truyền “gen kháng thuốc”, qua việc tiếp nhận “gen kháng thuốc” từ vi khuẩn trên động vật, hay “gen kháng thuốc” được lây truyền trên phạm vi toàn cầu.

– Đột biến: thuốc kháng sinh đã làm đột biến tính di truyền của vi khuẩn. DNA của vi khuẩn bị biến đổi theo hướng chống lại sự tác động của thuốc kháng sinh. Gen bị đột biến này được gọi là “gen kháng thuốc”. Nguyên nhân dẫn đến sự đột biến này là do việc dùng thuốc kháng sinh với liều lượng không theo quy chuẩn (không uống đủ liều lượng, hoặc uống quá liều). Vi khuẩn “sống sót” sau đợt điều trị trở nên “mạnh mẽ” hơn, từ đó “tiến hoá” và biến đổi DNA để chống lại tác dụng của thuốc kháng sinh.

– Nhận “quyền trợ giúp” từ vi khuẩn trên động vật: vì một lý do nào đó, hệ vi khuẩn trên động vật thâm nhập được vào trong cơ thể người. “Gen kháng thuốc” có sẵn trong vi khuẩn trên động vật, theo cơ chế chuyển gen – được “vận chuyển” bởi một bán sinh thể sống có tên gọi là plasmid, truyền vào hệ vi khuẩn trên con người.

– Phạm vi kháng thuốc xuyên quốc gia: một chủ thể mang trên mình vi khuẩn đã hình thành “gen kháng thuốc”. Người này khi đi đến một quốc gia khác, tiếp xúc với những loại vi khuẩn mới chưa có khả năng kháng thuốc, và lây truyền “gen kháng thuốc”, gây nên một dòng vi khuẩn kháng thuốc mới trên chính quốc gia đó, từ đó gây nênhiểm hoạ kháng thuốc kháng sinh thể mới trên toàn cầu.

 

 

3. Hậu quả nghiêm trọng

Người bệnh dùng thuốc kháng sinh bừa bãi dẫn đến nguy cơ phát sinh những loại vi khuẩn đề kháng kháng sinh, và sản sinh ra chủng loại vi khuẩn thế hệ mới có mức độ đề kháng cả với loại kháng sinh cực mạnh, khi bị bệnh nặng sẽ không có loại kháng sinh tốt hơn để chữa trị. Bên cạnh tác dụng chữa bệnh, thuốc kháng sinh có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.

Việc dùng thuốc kháng sinh tùy tiện, ngoài việc giết chết những vi khuẩn gây bệnh, còn tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi cho cơ thể (ví dụ như vi trùng đường ruột tạo men tiêu hóa). Thậm chí, có thể gây ra những tai biến, nhẹ chỉ nổi mề đay, ban đỏ, ngứa, buồn nôn hoặc nôn; nặng có thể gây độc cho gan, thận hoặc sốc phản vệ gây nguy hiểm đến tính mạng. (*1)

Việc lạm dụng thuốc kháng sinh của mỗi cá nhân, góp phần làm gia tăng sự nguy hại của việc đề kháng thuốc kháng sinh trên toàn cầu. Tác dụng “yếu đi” của thuốc kháng sinh trước những vi khuẩn đang “mạnh lên” từng ngày, khiến con người mất dần đi biện pháp chữa trị nhằm chống lại mọi căn bệnh nhiễm khuẩn.

 

4. Khắc phục tình trạng kháng thuốc

– Chỉ mua và sử dụng thuốc khi được bác sĩ khám bệnh và kê đơn.

– Kháng đúng bệnh, kháng vi khuẩn không kháng vi rút: thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn chứ không hiệu quả trên virút. Do đó không thể dùng kháng sinh để trị cảm cúm hoặc các bệnh cảm ho thông thường khác do vi rút gây nên. (*2)

– Không tự ý tăng giảm liều lượng hay thay đổi loại thuốc kháng sinh: khi được bác sĩ kê đơn thuốc có bao gồm kháng sinh, kể cả khi bệnh có dấu hiệu thuyên giảm cũng không được tự ý ngừng uống thuốc, hay uống thêm ngoài đơn thuốc vì cho rằng “phòng bệnh” chắc chắn hơn. Trường hợp khác, khi dùng thuốc kháng sinh sau vài ngày không khỏi, không được tự ý đổi loại thuốc mà không qua chỉ định của bác sĩ.  

– Không dùng thuốc kháng sinh “mạnh” để chữa bệnh “nhẹ”: thuốc kháng sinh “mạnh” là những loại kháng sinh thế hệ mới, chỉ định trong các trường hợp bệnh nhiễm trùng nặng và nguy hiểm, hay dùng để “đối phó” với một số loại vi khuẩn là “nhờn” thuốc thế hệ cũ.

Dùng quá liều trong các trường hợp bệnh truyền nhiễm, góp phần “thúc đẩy” sự đột biến trong tế bào của vi khuẩn gây bệnh, và làm tăng khả năng sản sinh vi khuẩn kháng thuốc mới.

– Không uống tiếp thuốc chưa dùng hết trong lần bệnh trước đó, tránh dùng thuốc quá hạn và tự “điều trị” bệnh mới tương tự mà chưa qua chẩn khám của bác sĩ.

– Không dùng lại đơn thuốc: không sử dụng lại đơn thuốc cho lần sau mà không được bác sĩ tái khám hoặc kê đơn mới.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top