Cây ổi không chỉ là một loài ăn trái quen thuộc mà các bộ phận của nó còn được dùng để làm vị thuốc. Dân gian thường dùng dược liệu này để chữa viêm ruột cấp, tiêu chảy, kiết lỵ, chứng ăn uống khó tiêu ở trẻ em…
Hình ảnh cây, quả ổi – Vị thuốc chữa bệnh
Tên gọi khác: Phan thạch lựu, Là ủi, Mù úi piếu, Mác ổi…
Tên khoa học: Psidium guajava L.
Họ: Sim Myrtaceae
Mô tả dược liệu
1. Đặc điểm thực vật cây ổi
Ổi là một loại cây nhỡ có chiều cao khoảng từ 3 đến 5m, cành nhỏ thường vuông cạnh. Lá có hình bầu dục, mọc đối nhau với phần cuống ngắn. Mặt trên nhẵn hoặc hơi có lông còn mặt dưới có lông mịn. Phiến lá nguyên, khi soi lên sẽ thấy có túi tinh dầu trong.
Hoa ổi mọc đơn ở các kẽ lá, có màu trắng. Quả mọng ở đầu quả có sẹo của đài, hình dáng quả thay đổi tùy theo loài. Mỗi quả có chứa rất nhiều hạt, màu hơi hung, hình thân, không đều.
2. Bộ phận dùng
Búp non, lá, vỏ thân, rễ hay quả đều là những bộ phận của cây ổi có thể dùng làm thuốc.
3. Phân bố
Cây ổi được cho là có nguồn gốc ở Brazil, sinh trưởng và phát triển tốt ở những vùng có khí hậu ẩm. Riêng ở nước ta, loại cây này được trồng rất nhiều ở khắp các tỉnh thành, ngoài dùng làm thực phẩm còn được ứng dụng vào các bài thuốc dân gian.
4. Thu hái và sơ chế
Đối với lá, búp non, vỏ thân hay rễ có thể thu hái quanh năm còn quả thì chỉ thu hái khi đã chín. Sau khi thu hái thì rửa sạch và dùng trực tiếp hay phơi khô để dùng dần đều được.
5. Bảo quản
Dược liệu tươi cần được sử dụng trong ngày hoặc bảo quản trong ngăn mát tử lạnh nhưng không để quá lâu. Còn nếu là dạng khô cần để trong túi kín bảo quản nơi khô thoáng, tránh ẩm mốc.
6. Thành phần hóa học
Phân tích cho thấy ổi có chứa một số thành phần sau đây:
Quả: rất giàu vitamin C và pectin.
Búp non và lá: chứa tanin pyrogalic, axit psiditanic, tritecpenic và tinh dầu.
Quả ổi có chứa hàm lượng dưỡng chất cao, nhất là vitamin C
Vị thuốc cây ổi
1. Tính vị
Lá ổi có vị đắng sáp còn quả thì có vị ngọt hơi chua sáp và tính ấm.
2. Quy kinh
Chưa tìm thấy tài liệu ghi nhận.
3. Tác dụng dược lý
Theo y học cổ truyền:
Công dụng: Thu sáp chỉ huyết, tiêu thũng giải độc, kiện vị cố tràng, thu liễm.
Chủ trị: Viêm ruột cấp, kiết lỵ, ỉa chảy, ăn uống không tiêu, làm lành vết loét…
Theo y học hiện đại:
Nhiều nghiên cứu cho thấy, phần dịch chiết từ các bộ phận của cây ổi có một số tác dụng sau:
Kháng khuẩn
Làm se niêm mạc
Cầm tiêu chảy
4. Cách dùng – liều lượng
Các bộ phận của cây ổi có thể được dùng ở dạng tươi hay phơi khô. Thường là sắc lấy nước uống hoặc có thể dùng đắp ngoài da trong một số trường hợp cụ thể. Liều dùng cho sắc uống được khuyến cáo khoảng 10 – 15g mỗi ngày còn đắp ngoài thì không kể liều lượng.
10 bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu cây ổi
Dưới đây là thông tin về những bài thuốc có sử dụng dược liệu cây ổi:
1. Bài thuốc chữa viêm dạ dày, ruột cả cấp và mãn tính
Bài thuốc 1: Chuẩn bị lá ổi non với lượng tùy ý. Đem đi sấy khô rồi tán thành bột mịn. Mỗi lần lấy 6g uống cùng nước sôi ấm, ngày uống 2 lần.
Bài thuốc 2: Cần có 1 nắm lá ổi cùng với khoảng 6 – 9g gừng tươi và 1 ít muối ăn. Tất cả nguyên liệu đem trộn đều rồi vò nát và cho lên chảo nóng sao chín. sau đó sắc lấy nước uống mỗi ngày đúng 1 thang.
2. Bài thuốc chữa cửu lỵ
Chuẩn bị: 2 – 3 quả ổi khô thái phiến hoặc 30 – 60g ổi tươi.
Thực hiện: Cho vị thuốc trên vào ấm sắc cùng 1 thăng nước trên lửa nhỏ để thu lấy 1/2 thăng. Có thể chia làm nhiều lần uống, ngày dùng chỉ 1 thang.
3. Bài thuốc chữa chứng tiêu hóa không tốt cho trẻ em
Chuẩn bị: 30g lá ổi, 30g tây thảo, 15 – 30g gạo tẻ sao thơm, 1 – 12g hồng trà.
Thực hiện: Các vị thuốc trên cho hết vào nồi, đổ thêm 1 lít nước đun sôi trên lửa nhỏ đến khi cô lại còn 500ml là đạt. Có thể cho thêm 1 ít đường trắng cùng 1 ít muối hạt trộn đều và chia đều thành 2 lần rồi cho trẻ uống. Lưu ý, liều lượng này chỉ nên dùng cho trẻ từ 1 tuổi trở lên.
Lá ổi có thể được dùng dưới dạng nước sắc
4. Bài thuốc chữa tiêu chảy
Bài thuốc 1: Cần chuẩn bị 20g búp ổi hoặc vỏ ổi dộp, 12g búp hay nụ sim, 12g búp vối, 12g gừng tươi, 12g hạt cau già, 12g rốn chuối tiêu, 12g búp chè. Các vị thuốc cho vào ấm sắc lấy nước đặc rồi uống khi còn nóng.
Bài thuốc 2: Cần có 12g búp ổi, 8g vỏ ổi dộp, 8g tô mộc cùng 2g gừng tươi. Những vị thuốc này cho vào ấm sắc cùng 200ml nước đến khi cô lại còn 100ml thì ngưng. Chia đều thành 3 lần uống, dùng 1 thang/ngày.
5. Bài thuốc trị thổ tả
Chuẩn bị: Lá ổi, lá vối, lá sim và hoắc hương với liều lượng bằng nhau.
Thực hiện: Cho các vị thuốc trên vào ấm giữ nhiệt hãm với 500ml nước sôi nóng như hãm trà. Dùng uống trong ngày khi thuốc còn ấm với liều 1 thang thuốc/ngày.
6. Bài thuốc chữa băng huyết
Chuẩn bị: Quả ổi khô với lượng tùy ý.
Thực hiện: Đem vị thuốc trên đi sao cháy tồn tính rồi tán thành bột. Mỗi lần lấy ra 9g uống với nước sôi ấm, tần suất 2 lần/ngày.
7. Bài thuốc chữa tiểu đương
Chuẩn bị: 250 quả ổi.
Thực hiện: Đem nguyên liệu đi rửa sạch rồi thái miếng và cho vào máy ép lấy nước. Chia đều ra thành 2 lần uống trong ngày. Hoặc có thể ăn mỗi ngày khoảng 200g quả ổi cũng cho tác dụng tương tự.
8. Bài thuốc chữa đau răng
Chuẩn bị: Vỏ rễ ổi cùng với dấm chua.
Thực hiện: Các nguyên liệu đem sắc cùng với nhau rồi dùng ngậm nhiều lần trong ngày.
9. Bài thuốc chữa sa trực tràng
Chuẩn bị: 1 nắm lá ổi tươi.
Thực hiện: Đem rửa sạch nguyên liệu rồi sắc kỹ lấy nước để ngâm rửa hậu môn. Có thể kết hợp sắc quả ổi khô uống để nâng cao tính công hiệu.
10. Bài thuốc giải độc ba đậu
Chuẩn bị: 10g quả ổi, 10g bạch truật sao hoàng thổ cùng 10g vỏ cây ổi.
Thực hiện: Các vị thuốc trên cho vào ấm sắc trên lửa nhỏ với 1 bát nước. Cô lấy nửa bát rồi chia làm vài lần uống trong ngày.
Những bài thuốc trên được cho là lành tính và an toàn nhưng tuyệt đối không nên dùng khi đang bị táo bón hay tả lỵ có tích trệ chưa được giải quyết. Để đảm bảo an toàn, trước khi sử dụng dược liệu cây ổi cho mục đích chữa bệnh, bạn nên tham khảo kỹ ý kiến thầy thuốc.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh