Quy trình chăm sóc người bệnh sỏi mật

Nội dung

1. NHẬN ĐỊNH TÌNH TRẠNG NGƯỜI BỆNH
1.1. Sỏi đường mật
Nhận định người bệnh có dấu hiệu của tam chứng Charcot. Hội chứng tiêu hoá như nôn ói, chán ăn. Người bệnh đau hạ sườn phải, phản ứng dội (+), Murphy (+), gồng cứng, sờ thấy túi mật. Dấu hiệu nhiễm trùng nhiệt độ tăng cao, lạnh run. Dấu hiệu tắc mật như vàng da, ngứa, phân bạc màu, tiểu sậm màu thường ít thấy rõ.
1.2. Sỏi túi mật
Đau thượng vị sau ăn 10 –15 phút, đau âm ỉ, liên tục, ói (sau ói người bệnh vẫn không giảm đau), đau lan đến hạ sườn phải. Nếu người bệnh nhiễm trùng, khi thăm khám thấy phản ứng thành bụng ở hạ sườn phải.

2. CHẨN ĐOÁN VÀ CAN THIỆP ĐIỀU DƯỠNG
2.1. Đau bụng do tình trạng viêm và tắc nghẽn đường mật
Người bệnh giảm đau, dễ chịu.
Lượng giá tính chất, vị trí, mức trầm trọng, hướng lan của cơn đau, cho người bệnh tư thế giảm đau, thường là tư thế Sim (nghiêng trái, gập gối). Thực hiện thuốc giảm đau. Thực hiện thuốc kháng phó giao cảm để giảm tiết mật, giảm co thắt đường mật. Công tác tư tưởng giúp người bệnh giảm đau, giảm sợ.

2.2. Giảm thể tích dịch do nôn ói, do dẫn lưu dạ dày, do sốt
Thăm khám người bệnh để đánh giá mất nước, dấu chứng sinh tồn. Theo dõi sát nước xuất nhập. Theo dõi nước mất qua ói và hút dịch dạ dày, điện giải, qua dẫn lưu đường mật ra da. Theo dõi cân nặng, thực hiện bù nước và điện giải, hạ sốt, thực hiện kháng sinh theo y lệnh. Thực hiện đắp mát giúp người bệnh giảm sốt. Thực hiện các y lệnh chẩn đoán và điều trị cho người bệnh.
Theo dõi số lượng nước tiểu cho người bệnh.
2.3. Choáng do nhiễm trùng
Theo dõi, phát hiện sớm các dấu hiệu choáng, dấu chứng sinh tồn, chú ý nhiệt độ nên ghi thành biểu đồ. Thực hiện hồi sức tích cực cho người bệnh, kháng sinh đúng liều, đúng giờ. Áp dụng kỹ thuật vô khuẩn trong công tác chăm sóc người bệnh.
2.4. Thay đổi dinh dưỡng
Người bệnh chán ăn do giảm dịch mật xuống ruột, điều dưỡng cho người bệnh ăn thức ăn dễ tiêu, kiêng mỡ, ăn nhiều thịt, đường, uống nhiều nước. Trong giai đoạn viêm cấp, người bệnh cần ngưng thức ăn có chất béo, nên ăn thức ăn dễ tiêu hoá, uống nhiều nước và theo dõi cơn đau sau khi ăn.

2.5. Nguy cơ tổn thương da do vàng da, ngứa
Người bệnh ngứa, vàng da nên điều dưỡng cần vệ sinh da sạch sẽ, cho người bệnh uống nhiều nước. Thực hiện thuốc chống dị ứng, giảm ngứa. Theo dõi màu sắc, số lượng nước tiểu. Hướng dẫn người bệnh tránh làm tổn thương da do gãi, cắt ngắn móng tay khi người bệnh ngứa; nên dùng khăn ướt, ấm lau giúp người bệnh giảm ngứa và dễ chịu. Tắm thường xuyên để giúp da thoáng, sạch sẽ. Vệ sinh bộ phận sinh dục, tránh viêm ngứa do nước tiểu có bilirubin.

3. CHUẨN BỊ NGƯỜI BỆNH TRƯỚC MỔ
Cho người bệnh nhịn ăn uống trước mổ, thụt tháo hay bơm thuốc nhuận tràng ở hậu môn đêm trước mổ. Vệ sinh da từ mũi ức đến bẹn, khuyến khích không cạo lông bộ phận sinh dục. Đặt ống Levine cho người bệnh (hiện nay với cắt túi mật nội soi thì tại phòng mổ sẽ đặt ống Levine cho người bệnh để tránh người bệnh khó chịu). Thực hiện thuốc điều trị rối loạn đông máu như vitamin K trước mổ nếu tình trạng bệnh vàng da lâu, xét nghiệm chức năng đông máu bất thường. Đặt thông tiểu cho người bệnh. Theo dõi sát dấu chứng sinh tồn, nâng cao thể trạng người bệnh, kháng sinh dự phòng. Cung cấp thông tin cuộc mổ: phẫu thuật nội soi thì vết mổ nhỏ 1cm trên bụng, có 3 lỗ; bơm CO2 vào ổ bụng, túi mật được lấy ra qua lỗ ở rốn.

return to top