THÀNH PHẦN
Mỗi viên nén chứa:
Loratadin 10 mg
Tá dược vừa đủ 1 viên
DƯỢC LỰC HỌC
Loratadin là thuốc kháng Histamin 3 vòng (thuốc kháng histamin thế hệ thứ 2, có tác dụng kháng Histamin chọn lọc trên thụ thể H1), có tác dụng nhanh và kéo dài hơn các thuốc kháng histamin khác. Thuốc không phân bố vào não, nên không có tác dụng làm dịu thần kinh trung ương (không có tác dụng phụ gây buồn ngủ).
Loratadin ngăn chặn sự phóng thích Histamin nên có tác dụng làm giảm bớt triệu chứng viêm mũi viêm kết mạc dị ứng, chống ngứa và nổi mày đay. Nhưng không có tác dụng trong trường hợp nặng như choáng phản vệ.
Loratadin ít gây buồn ngủ hơn các thuốc kháng histamin thế hệ thứ 2 khác, nên là thuốc lựa chọn đầu tiên trong điều trị viêm mũi dị ứng, ngứa và nổi mày đay. Trong điều trị viêm mũi dị ứng mãn tính và tái diễn Loratadin thường dùng phối hợp với glucocorticoid dạng xông hít, hay phối hợp với pseudoepherin.HCl nếu có kèm ngạt mũi.
DƯỢC ĐỘNG HỌC
Loratadin hấp thu nhanh sau khi uống, thuốc chuyển hóa nhiều khi qua gan lần đầu bởi hệ enzyme Microsom Cytochrom P450 thành chất có hoạt tính là Descarboethoxy-Loratadin. Đạt nồng độ đỉnh Loratadin sau khi uống 1,5 giờ và Descarboethoxy-Loratadin sau khi uống 3,7 giờ. Loratadin liên kết nhiều với protein huyết tương (97%), thời gian bán thải của Loratadin và Descarboethoxy-Loratadin tương ứng là 17 giờ và 19 giờ. Khoảng 80% tổng liều Loratadin dược đào thải qua nước tiểu và phân dưới dạng chất chuyển hóa sau 10 ngày.
Sau khi uống thuốc có tác dụng sau 1-4 giờ, đạt tác dụng tối đa sau 8-12 giờ và kéo dài hơn 24 giờ.
CHỈ ĐỊNH
Giảm các triệu chứng đi kèm với viêm mũi dị ứng theo mùa như hắt hơi, chảy nước mũi, kích ứng như ngứa mắt và nóng mắt.
Kiểm soát các triệu chứng và dấu hiệu của chứng mề đay tự phát mãn tính và các rối loạn dị ứng da khác.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Bệnh nhân quá mẫn hay dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc.
Trẻ em dưới 2 tuổi.
LIỀU LƯỢNG VÀ CÁCH DÙNG
Loratadin STADA 10 mg được dùng bằng đường uống.
Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: 10 mg x 1 lần/ ngày.
Trẻ em từ 2 - 12 tuổi:
2 - 5 tuổi: 5 mg/ ngày.
6 - 12 tuổi: 10 mg/ ngày.
THẬN TRỌNG
Nên dùng liều khởi đầu thấp trên bệnh nhân suy gan nặng do độ thanh thải của loratadin có thể bị giảm. Liều khởi đầu khuyến cáo là 5 mg x 1 lần/ ngày hoặc 10 mg cách ngày.
TÁC DỤNG PHỤ
Loratadin không có tác dụng an thần ở liều khuyến cáo 10 mg mỗi ngày.
Các tác dụng ngoại ý phổ biến bao gồm mệt mỏi, nhức đầu, buồn ngủ, khô miệng, rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, viêm dạ dày, cũng như các triệu chứng dị ứng như phát ban.
PHỤ NỮ CÓ THAI VÀ CHO CON BÚ
An toàn sử dụng các chế phẩm loratadin trong khi mang thai chưa được xác định, do đó, chỉ dùng thuốc nếu lợi ích điều trị cao hơn nguy cơ xảy ra cho bào thai.
Do loratadin được bài tiết qua sữa mẹ và bởi vì nguy hại của thuốc kháng histamin gia tăng trên trẻ em, đặc biệt trẻ sơ sinh và trẻ sinh non, nên quyết định ngưng cho con bú hoặc ngưng dùng thuốc.
QUÁ LIỀU VÀ XỬ TRÍ
Triệu chứng
Người lớn: buồn ngủ, nhịp tim nhanh, và nhức đầu (chẳng hạn như liều 40-180 mg loratadin).
Trẻ em: biểu hiện ngoại tháp và hồi hộp (dùng quá 10 mg).
Xử trí
Điều trị ngộ độc loratadin thông thường bao gồm điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ, được tiến hành ngay và duy trì khi cần thiết.
Trường hợp ngộ độc cấp loratadin, nên làm rỗng dạ dày ngay bằng cách dùng siro ipeca gây nôn. Uống than hoạt sau khi gây nôn có thể có hiệu quả ngăn chặn sự hấp thu của loratadin. Nếu gây nôn không có hiệu quả hoặc bị chống chỉ định (như với bệnh nhân hôn mê, đang co giật), có thể tiến hành súc rửa dạ dày bằng dung dịch NaCl 0,9% nếu có ống đặt khí quản để ngăn ngừa việc hít vào phổi các chất trong dạ dày. Nước muối có tác dụng pha loãng nhanh chóng các chất chứa trong ruột.
BẢO QUẢN
Bảo quản nơi khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp, dưới 30 độ C.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh