Khi sử dụng thuốc nhỏ mắt, bạn nên nhớ rằng, dùng nhiều không phải là tốt, mà phải là dùng đúng kỹ thuật. Dưới đây là những sai lầm phổ biến thường gặp khi sử dụng thuốc nhỏ mắt
Một trong số các sai lầm phổ biến nhất mà đa số mọi người đều mắc phải là nhỏ thuốc nhỏ mắt quá nhanh. Mắt chỉ có khả năng giữ được một giọt thuốc mà thôi, cho nên, những giọt còn lại bạn nhỏ, đều sẽ lăn xuống mặt và sẽ trôi mất.
Nếu trên hướng dẫn sử dụng ghi rằng, nhỏ 4 giọt trong vòng 6 giờ thì điều này không có nghĩa là bạn sẽ nhỏ 4 giọt cùng một lúc. Làm như vậy vừa lãng phí mà có thể sẽ làm hại đến mắt bạn. Do vậy, khi nhỏ thuốc, hãy nhỏ từ từ, và cho mắt bạn thời gian để ngấm thuốc.
Nếu bạn đang sử dụng nhiều loại thuốc nhỏ mắt một lúc, bạn nên có thời gian nghỉ giữa các lần nhỏ các loại thuốc khác nhau. Sau khi nhỏ loại thuốc được kê đơn, bạn có thể đợi 30 phút rồi sau đó mới nhỏ loại thuốc không cần kê đơn. Các loại thuốc khác nhau có thể sẽ tương tác với nhau gây nóng rát mắt hoặc chảy nước mắt, và làm giảm hiệu quả của thuốc. Nếu loại thuốc cần kê đơn của bạn chỉ cần nhỏ 1 lần trong ngày, thì bạn sẽ có cả ngày để nhỏ các loại thuốc còn lại. Trao đổi với bác sỹ để biết được khoảng cách thời gian tốt nhất giữa các lần nhỏ thuốc.
Cũng như nhiều loại thuốc khác, thuốc nhỏ mắt cũng phải được sử dụng theo chỉ dẫn. Quên không nhỏ hoặc nhỏ quá nhiều cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của phương pháp điều trị. Bạn có thể hẹn giờ nhỏ mắt và biến nó trở thành một thói quen hàng ngày bằng việc đặt báo thức trên điện thoại di động hoặc lời nhắc nhở trên các thiết bị khác.
Nếu bạn bị các tình trạng nặng như tăng nhãn áp và không thể nhớ được rằng bạn đã nhỏ thuốc hay chưa, bạn nên nhỏ 1 giọt để dự phòng. Ví dụ như bạn không chắc là đã dùng thuốc hay chưa và nhãn áp của bạn không được kiểm soát tốt, thì tốt hơn hết, bạn nên nhỏ (dự phòng) 1 giọt, thay vì cứ nghĩ rằng mình đã nhỏ rồi và không cần nhỏ nữa. Tuy nhiên, bạn nên ghi lại các liều thuốc bạn đã dùng trong ngày thì sẽ tốt hơn việc cứ nhỏ thêm 1 giọt như vậy.
Luôn nhỏ thuốc vào ngày bạn đi khám lại mắt, trừ khi bác sỹ chỉ định không được nhỏ mắt vào hôm đó. Mục đích của việc khám lại chính là để xem xét xem liệu thuốc nhỏ mắt có hiệu quả hay không. Bạn không nên lo lắng về việc thuốc nhỏ mắt có thể cản trở quá trình khám lại mắt của bạn, vì nó gần như sẽ không ảnh hưởng gì, trừ khi, bạn được hướng dẫn cụ thể từ bác sỹ là không nên sử dụng thuốc vào ngày đi khám lại.
Khi nhận được thuốc và có đơn thuốc trong tay, bạn nên kiểm tra hạn sử dụng để đảm bảo rằng, thuốc sẽ không hết hạn trong thời gian bạn vẫn đang điều trị. Có một số loại thuốc chỉ sử dụng được trong vòng 15 ngày sau khi mở nắp. Sau 15 ngày, nếu bạn vẫn đang điều trị, bạn nên hỏi ý kiến bác sỹ xem liệu có thể tiếp tục sử dụng lọ thuốc dở không hay sẽ phải đi mua lọ mới. Trường hợp khác, nếu bạn đã kết thúc điều trị mà vẫn còn thừa thuốc, bạn cũng nên hỏi ý kiến bac sỹ xem số thuốc đó có thể được giữ lại và sử dụng tiếp được không. Nếu bác sỹ cho phép, bạn có thể giữ lại lọ thuốc thừa ở một nơi an toàn. Nhưng nếu khi nhỏ chỗ thuốc thừa, bạn cảm thấy mắt mình có vấn đề, bạn nên dừng sử dụng ngay lập tức và đến bác sỹ kiểm tra xem liệu lọ thuốc đó có còn sử dụng được nữa hay không.
Không nên tự điều trị đỏ mắt hoặc bất cứ tình trạng nào của mắt. Nếu tình trạng nhẹ, bạn có thể đợi từ 24-48 giờ xem liệu bệnh có cải thiện không, sau đó mới nên đi khám bác sỹ để biết được bạn đang bị làm sao. Nhưng, nếu bạn có các triệu chứng nghiêm trọng như mất thị lực, bạn phải đến bác sỹ ngay lập tức.
Luôn luôn kiểm tra lọ thuốc hai lần trước khi nhỏ. Sai lầm tệ hại nhất là nhầm lẫn giữa thuốc nhỏ mắt với thuốc nhỏ tai và ngược lại. Điều nay có thể sẽ rất tai hại.
Kỹ thuật nhỏ mắt đúng là nhỏ thuốc vào vị trí góc mắt ở gần mũi, sau đó nhắm mắt vào và dùng ngón tay (sạch) day nhẹ vào vị trí mắt và mũi tiếp xúc với nhau để thuốc có thể từ từ lan ra.
Kính áp tròng có thể sẽ cản trở quá trình hấp thu thuốc, nước mắt nhân tạo cũng vậy. Cho nên, tốt nhất bạn nên tháo kính áp tròng ra trước khi nhỏ thuốc, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc và hỏi ý kiến bác sỹ nếu bạn có bất cứ thắc mắc nào.
Khi thuốc đã vào mắt, bạn không nên chớp mắt quá nhiều hoặc quá nhanh. Một số người cảm thấy rằng chớp mắt là đưa mắt sang hai bên sẽ làm thuốc hấp thu tốt hơn, nhưng điều đó hoàn toàn sai lầm. Làm như vậy có thể sẽ làm thuốc thoát ra khỏi mắt. Chỉ nên chớp mắt ở mức độ vừa phải, và nếu bạn không thể chịu được nếu không chớp mắt, thì bạn nên nhắm mắt lại trong vòng 1-2 phút.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh