✴️ Lo âu sẽ khác gì với rối loạn lo âu?

Lo âu thường căn cứ trên kiến thức và kinh nghiệm sống. Do vậy mà trẻ con ít biết lo lắng như người lớn và đôi khi người ít học vấn lại sống vô tư hơn người trí thức.
Thông thường, lo âu được xếp vào một dạng cảm xúc tiêu cực, không tốt bởi lẽ nó gây ra sự khó chịu. Tuy vậy, ít ai để ý quý trọng nó như một phản ứng tự vệ của con người. Khi lo âu, cơ thể được đặt trong tình trạng báo động, tập trung tinh thần cao độ, huy động năng lượng thể chất, những ý tưởng sáng tạo… sẵn sàng thích ứng hay giải quyết vấn đề, tình huống đó. Ví dụ, biết lo lắng cho kì thi, cho công việc tới hạn định… sẽ giúp mình tập trung học và làm việc hiệu quả hơn hoặc khi đối mặt với những dự báo không an toàn, quá nguy hiểm như cọp sổng chuồng thì cơ thể sẽ huy động mọi sức lực để thoát chạy.

Do vậy, lo âu tự thân nó không phải là một bệnh lý, một rối loạn nếu nó xảy ra đúng lúc, đúng mức độ, được kiểm soát và trở về bình ổn sau đó mà không để lại ảnh hưởng, hậu quả gì.
Ngày nay, xã hội mỗi lúc mỗi phát triển, hiện đại, tân tiến hơn với biết bao phương tiện phục vụ cho con người các mặt trong đời sống cả nhu cầu về vật chất lẫn tinh thần. Tuy vậy, một nghịch lý xảy ra là để duy trì và đẩy mạnh sự phát triển đó, con người bị cuốn vào một guồng máy làm việc quá tải, căng thẳng và chịu nhiều áp lực trong việc hoàn thành các vai trò ở gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, bằng các phương tiện truyền thông mà con người ngày càng tiếp cận các tin tức, có thể truy tìm thông tin một cách dễ dàng. Từ đó, con người ngày càng cảm thấy bất an cho cuộc sống của mình, lo âu về những hiểm nguy đang chực chờ.  Lo âu nối tiếp, chồng chất lo âu, không có khoảng trống bình ổn nên rất dễ trở nên quá mức, không thể kiểm soát, lan toả và gây ảnh hưởng trên các mặt từ thể chất, tinh thần đến đời sống xã hội. Và lúc này, lo âu đã thật sự trở thành một rối loạn, một bệnh lý.



NHỮNG DẠNG RỐI LOẠN LO ÂU
Rối loạn lo âu có nhiều dạng, chủ yếu là các nhóm sau đây types of anxiety disorders 

  • Rối loạn ám ảnh sợ: có thể gặp
    • Agoraphobia Sợ hãi những không gian khó thoát ra đến nơi an toàn hơn nếu có sự cố như đám đông, rạp hát, trên các phương tiện công cộng như máy bay, xe lửa…, sợ ra khỏi nhà, sợ ở nhà một mình…
    • Social phobia Lo lắng, sợ sệt, lúng túng, bối rối quá mức trong các tình huống giao tiếp xã hội như gặp gỡ người lạ, tiếp xúc người khác phái, tham gia hội họp, nói chuyện trước đám đông…. Lo sợ bị nhận ra, đánh giá hoặc phê bình.
    • Sợ sệt quá mức một cách vô lý một đối tượng, một tình huống riêng biệt mà bản chất không đáng sợ hoặc mức độ nguy cơ thấp như sợ chó mèo, độ cao, sợ máu, sợ đi thang máy, máy bay, sợ mắc bệnh nào đó dù không có bằng chứng nào khả nghi…
  • Rối loạn hoảng loạn với những cơn lo âu dữ dội, các biểu hiện lên đến cực điểm trong vòng 10-15 phút sau đó giảm dần, các cơn xuất hiện đột ngột, không có dự báo. Giữa các cơn có rất ít sự lo âu dù có thể có sự lo lắng về cơn sắp tới.
  • Rối loạn lo âu toàn thể: Generalized anxiety disorder một tình trạng lo âu dai dẳng, toàn thể, lan toả trong các mặt đời sống với cảm giác thường xuyên bất an, lo sợ những điều xấu xảy đến cho mình và người thân, luôn suy diễn mọi việc theo hướng tiêu cực.
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng bức: Obsessive-compulsive disorder (OCD) lo âu đi kèm với những suy nghĩ không phù hợp lặp đi lặp lại trong đầu và những nghi thức bắt buộc. Ví dụ, ám ảnh sợ dơ, sợ bị lây bệnh dẫn đến hành vi rửa tay, tắm rửa nhiều lần, kỳ cọ lâu với xà phòng có khi đến đỏ tróc cả da; hoặc ám ảnh sợ vận xui nên trước khi vào nhà phải đi vòng quanh nhà 3 lần… Bệnh nhân nhận thức được sự vô lý nhưng không thể cưỡng lại được.
  • Rối loạn stress dai dẳng, kéo dài nhiều tháng đến nhiều năm sau sang chấn mạnh về thể chất hoặc tâm lý hoặc có khi cả hai, ví dụ sau chiến tranh, thiên tai, hoả hoạn, sau bị lạm dụng thể chất, tình dục, sau mất mát lớn đột ngột người thân hoặc tài sản…. Đặc trưng bởi sự tái hiện quá khứ như cuốn phim quay chậm, cản trở sự hoà nhập cuộc sống hiện tại.

 

DẤU HIỆU RỐI LOẠN LO ÂU
Dù có nhiều dạng nhưng rối loạn này có những biểu hiện chung về mặt cơ thể lẫn tinh thần:

  • Rối loạn đường tiêu hoá: khô miệng, ăn kém ngon, đầy bụng, khó tiêu, đau dạ dày, tiêu chảy,…
  • Rối loạn đường hô hấp: cảm giác khó thở, nghẹn ở cổ, hơi thở nhanh ngắn hoặc hay thở dài
  • Cảm giác hồi hộp, tim đập nhanh, có lúc nhịp tim không đều, đau ngực
  • Hay đi tiểu lắt nhắt, rối loạn kinh nguyệt ở nữ, rối loạn cương ở nam, giảm ham muốn tình dục
  • Nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, run, đau căng cơ, vã mồ hôi, cảm giác kim chích trên da, tê tay chân
  • Rối loạn giấc ngủ: khó vào giấc ngủ, thức giấc nhiều lần, ác mộng thậm chí mất ngủ

*Về mặt tinh thần:

  • Dễ kích thích, cáu gắt
  • Nhạy cảm với tiếng ồn
  • Bứt rứt, bồn chồn, đứng ngồi không yên
  • Khó tập trung chú ý, hay quên
  • Những suy nghĩ tiêu cực
  • Thường đi kèm với trầm cảm

Rối loạn lo âu có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên cần lưu ý độ tuổi trẻ em, trẻ vị thành niên vì những biểu hiện thường không rõ ràng như trên mà bộc lộ qua những dấu hiệu như thay đổi tính tình, dễ kích thích, hung hăng, gây sự, kích động, chống đối hoặc thu rút, nhút nhát, thụ động, học hành lơ là, giảm sút, ít chơi đùa, sinh hoạt và không có nhiều mối quan hệ…hoặc các biểu hiện cơ thể như nôn ói, đau bụng, đau đầu,tiểu dầm, ỉa đùn không có nguyên nhân và không phù hợp lứa tuổi. Cũng cần lưu tâm đến rối loạn này ở người cao tuổi vì có thể đi kèm hoặc là khởi đầu của sa sút trí tuệ.

Nếu tình trạng rối loạn lo âu kéo dài, dai dẳng sẽ làm suy giảm chất lượng sống, ảnh hưởng đến việc học, công việc cũng như các mối quan hệ trong gia đình, xã hội và đặc biệt có nguy cơ dẫn đến trầm cảm nặng liên quan với nghiện ngập và tự tử.

Một khi cảm xúc lo âu đã trở nên rối loạn tức là đã ngoài tầm kiểm soát của bản thân chúng ta. Rất cần có các trị liệu thuốc men cùng tâm lý liệu pháp giúp khắc phục rối loạn này và bình ổn cảm xúc. Bên cạnh đó, điều cần nhất là chúng ta luôn ý thức duy trì cuộc sống cân bằng và thay đổi cách suy nghĩ, nuôi dưỡng tư duy tích cực để không tạo cơ hội cho cảm xúc lo âu đơn thuần trở nên rối loạn và nếu đã từng xảy ra thì phòng ngừa cho chúng không tái phát trở lại.

Thế nên, ngăn chặn lo âu dẫn đến rối loạn tinh thần trong nếp suy nghĩ là quan trọng và cấp thiết. Biết khám phá sớm, chữa trị sớm chính là quyền lợi của mỗi người và mọi giới chẳng thể không quan tâm được.

Hãy nhìn nhận đây chỉ là một giai đoạn khó khăn trong đời mà không ít người gặp phải. Vượt qua nó, chúng ta vẫn luôn có đủ cơ hội và năng lực như bao người khác để thực hiện những ước mơ, có cuộc sống tươi đẹp và hạnh phúc.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top