Mang thai và vấn đề rụng trứng

Mặc dù hiện tượng không rụng trứng thường có thể được điều trị bằng thuốc hỗ trợ sinh sản, nhưng điều quan trọng là phải đánh giá các tình trạng khác có thể cản trở quá trình này, chẳng hạn như bệnh lý liên quan đến tuyến giáp hoặc các bất thường của tuyến thượng thận hoặc tuyến yên.

Mang thai và vấn đề rụng trứng

Khi bác sĩ đã loại trừ các tình trạng bệnh lý khác, họ có thể kê đơn thuốc hỗ trợ sinh sản để kích thích sự rụng trứng.

Thuốc có chứa Clomid và Serophene (clomiphene) thường là lựa chọn hàng đầu vì hiệu quả và hiện nay, được kê đơn rất phổ biến. Không giống như nhiều loại thuốc điều trị vô sinh, chúng có ưu điểm là dùng đường uống thay vì tiêm. Chúng được sử dụng để kích thích rụng trứng và điều chỉnh tình trạng rụng trứng không đều bằng cách tăng khả năng thu nhận trứng của buồng trứng. Thuốc letrazole cũng là một loại thuốc được sử dụng để kích thích rụng trứng.

Clomiphene gây rụng trứng ở hầu hết phụ nữ không xảy ra rụng trứng. Và có tới 10% các trường hợp sử dụng clomiphene điều trị vô sinh sẽ giúp mang thai nhiều lần, thường là sinh đôi. 

Liều khởi đầu điển hình của clomiphene là 50 mg mỗi ngày trong 5 ngày, bắt đầu vào ngày thứ ba, thứ tư hoặc thứ năm sau khi kỳ kinh bắt đầu. Rụng trứng có thể bắt đầu xảy ra vào khoảng bảy ngày sau khi dùng liều clomiphene cuối cùng. Nếu không rụng trứng, có thể tăng liều từ 50 mg/ ngày lên tới 150 mg/ ngày mỗi tháng. Sau khi bắt đầu rụng trứng, hầu hết các bác sĩ khuyên bạn nên dùng Clomid trong 3 tới 6 tháng trước khi tiếp tục điều trị chuyên khoa. Nếu đến thời điểm đó bạn vẫn chưa có thai, hãy thử dùng một loại thuốc khác hoặc đến thăm khám các bác sĩ sản phụ khoa.

Những loại thuốc sinh sản này đôi khi làm cho chất nhầy cổ tử cung trở nên dày hơn, khiến tinh trùng không thể bơi vào tử cung. Tình trạng này có thể được khắc phục bằng cách sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong tử cung (IUI): tiêm trực tiếp tinh trùng đã được chuẩn bị đặc biệt vào tử cung, để thụ tinh cho trứng. Điều này đồng thời cũng làm mỏng lớp nội mạc tử cung.

Tùy thuộc vào tình trạng, bác sĩ cũng có thể đề xuất các loại thuốc hỗ trợ sinh sản khác  hoặc tiêm các loại hormone có tác dụng kích thích nang trứng và kích thích sự phát triển của trứng trong buồng trứng. Đây được gọi là thuốc "siêu rụng trứng". Hầu hết các loại thuốc này được tiêm dưới da. Một số loại hormone này có thể kích thích quá mức buồng trứng (gây chướng bụng và khó chịu). Điều đó sẽ gây nguy hiểm, thậm chí, có thể phải nhập viện. Do đó, bác sĩ sẽ theo dõi bằng siêu âm đầu dò âm đạo và xét nghiệm máu thường xuyên để xem xét nồng độ estrogen. Khoảng 90% phụ nữ sẽ rụng trứng bằng các loại thuốc này và từ 20% đến 60% các trường hợp sẽ có thai.

 

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Một vấn đề liên quan đến rụng trứng phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 5% đến 10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Đây là sự mất cân bằng nội tiết tố có thể khiến buồng trứng không hoạt động. Trong hầu hết các trường hợp, buồng trứng trở nên to ra và xuất hiện những u nang nhỏ chứa đầy chất lỏng. Các triệu chứng bao gồm:

  • Không có kinh nguyệt, kinh nguyệt không đều
  • Không rụng trứng hoặc rụng trứng không đều
  • Béo phì hoặc tăng cân (mặc dù phụ nữ gầy cũng có thể mắc hội chứng buồng trứng đa nang)
  • Kháng insulin (một dấu hiệu của tiền đái tháo đường)
  • Tăng huyết áp
  • Nồng độ Cholesterol bất thường (tăng triglyceride)
  • Lông phát triển quá mức trên cơ thể và khuôn mặt (rậm lông)
  • Mụn trứng cá hoặc da nhờn
  • Tóc mỏng hoặc hói đầu kiểu nam giới

 

Mang thai khi mắc hội chứng buồng trứng đa nang

Đối với phụ nữ mắc buồng trứng đa nang và có thêm tình trạng thừa cân thì giảm cân là một cách để cải thiện cơ hội mang thai. Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc để giảm mức insulin, vì nồng độ insulin tăng cao (do cơ thể không thể nhận ra insulin) đã được coi là vấn đề phổ biến ở nhiều phụ nữ mắc buồng trứng đa nang. Nồng độ insulin tăng cao kéo dài cũng có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường. Phụ nữ mắc buồng trứng đa nang cũng có nguy cơ mắc bệnh tim, đái tháo đường type 2 và ung thư nội mạc tử cung cao hơn, đặc biệt nếu tình trạng buồng trứng đa nang không được điều trị.

Hội chứng buồng trứng đa nang không thể chữa khỏi, nhưng có những phương pháp điều trị các triệu chứng của hội chứng này và tình trạng vô sinh liên quan. Bằng cách kích thích rụng trứng, đặc biệt là ở những phụ nữ đang cố gắng mang thai và điều trị tình trạng kháng insulin, quá trình rụng trứng và kinh nguyệt đều đặn thường được phục hồi. Một kỹ thuật được gọi là thụ tinh trong ống nghiệm, hay IVF, là một phương pháp điều trị tiềm năng khác cho phụ nữ mắc buồng trứng đa nang.

 

Căng thẳng và khả năng sinh sản

Vô sinh không chỉ gây ra nhiều căng thẳng mà ngược lại, căng thẳng còn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, đây là điều khó khăn mà các cặp vợ chồng thường gặp phải. Nó được biết là một yếu tố góp phần gây ra các vấn đề về rụng trứng. Đối với nhiều người, càng lâu không thụ thai thì tình trạng căng thẳng càng trở nên nặng nề. Những lo ngại về vấn đề vô sinh cũng có thể dẫn đến căng thẳng với bạn tình và điều này sẽ làm giảm cơ hội mang thai hơn nữa. Vì vậy, thật khó để quan hệ tình dục nếu một trong hai người có tình trạng căng thẳng.

Mặc dù thực tế là việc đối phó với tình trạng vô sinh rất khó khăn nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải cảm thấy nản chí. Nếu bác sĩ không thể tìm ra nguyên nhân Y khoa gây ra vấn đề rụng trứng, hãy cân nhắc đến việc tìm sự trợ giúp từ các nhà trị liệu để có những cách tốt hơn, đối phó với những lo lắng đi kèm với vô sinh.

Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ đã đưa ra những lời khuyên sau để giảm căng thẳng:

  • Giữ mối quan hệ hôn nhân lành mạnh và cởi mở.
  • Nhận sự hỗ trợ về mặt tinh thần như cố vấn cặp đôi, các nhóm hỗ trợ hoặc đọc sách, điều này có thể giúp bạn đối phó với tình trạng căng thẳng.
  • Hãy thử một số kỹ thuật giảm căng thẳng như thiền hoặc yoga.
  • Cắt giảm caffeine và các chất kích thích khác.
  • Tập thể dục thường xuyên để giải phóng căng thẳng về thể chất và tinh thần.
  • Tìm hiểu càng nhiều càng tốt về các nguyên nhân gây vô sinh và các lựa chọn điều trị.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top