Các dạng rối loạn nhịp tim phổ biến

Thông thường, tín hiệu điện điều khiển nhịp tim sẽ xuất phát từ nút xoang trong tim. Đây được coi là máy tạo nhịp tim tự nhiên, nằm ở phía trên tâm nhĩ phải. Từ nút xoang, tín hiệu điện tim sẽ truyền tới nút nhĩ thất, qua bó His rồi mới tới các cơ tại tâm thất. Lúc này, tâm thất sẽ co bóp và tạo thành một nhịp tim.

Tình trạng rối loạn nhịp tim có thể được phân loại dựa theo vị trí xảy ra rối loạn (ví dụ như nhịp tim nhanh thất, nhịp tim nhanh trên thất…) hoặc theo dạng rối loạn nhịp tim (ví dụ như rối loạn nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp tim chậm).

Các dạng rối loạn nhịp tim phổ biến

Rối loạn chức năng nút xoang:

Tình trạng này thường gây nhịp tim chậm, dưới 50 nhịp/phút hoặc chậm hơn. Nguyên nhân phổ biến của tình trạng này là do mô sẹo phát triển trong tế bào cơ tim phát nhịp thay cho nút xoang, làm cho nút xoang không thực hiện được nhiệm vụ vốn có của mình và sự phát nhịp bị rối loạn. Rối loạn chức năng nút xoang thường xảy ra do bệnh động mạch vành, suy giáp, bệnh gan nghiêm trọng…

Rối loạn nhịp tim nhanh trên thất:

Đây là tình trạng rối loạn nhịp tim nhanh thường bắt nguồn từ sự bất thường tại nút nhĩ thất, hoặc do tín hiệu điện tim đi theo một đường dẫn bất thường.

Rung nhĩ:

Đây là một dạng rối loạn nhịp trên thất, khiến tim đập nhanh và không đều. Khi có cơn rung nhĩ, tâm nhĩ sẽ rung lên thay vì co bóp như bình thường. Điều này là do tín hiệu điện tim xuất phát tại nhiều vị trí khác nhau trong tâm nhĩ, thay vì bắt đầu từ nút xoang như bình thường.

Các tín hiệu điện bất thường có thể kích hoạt từ 300 - 500 cơn co thắt mỗi phút trong tâm nhĩ. Điều này có thể làm quá tải nút nhĩ thất, khiến nút nhĩ thất gửi đi các tín hiệu lẻ tẻ, không đều tới tâm thất, gây ra tình trạng nhịp tim không đều, thường từ 100 - 180 nhịp/phút.

Rung nhĩ có thể khiến tim bơm máu không hiệu quả, khiến máu bị ứ đọng trong các buồng tim và làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong tim.

Block tim, block nhĩ thất:

Đây là tình trạng rối loạn nhịp tim xảy ra do có một số vấn đề khi nhịp tim truyền từ nút xoang tới tâm thất. Block nhĩ thất thường có 3 cấp độ, tương ứng với mức độ tín hiệu điện tim đi qua tâm nhĩ và tâm thất từ chậm, mất một phần tín hiệu tới mất tín hiệu hoàn toàn.

Nhịp nhanh thất:

Đây là dạng rối loạn nhịp tim bắt nguồn từ tâm thất. Tình trạng này có thể kéo dài trong vài giây (nhịp nhanh thất tạm thời) hoặc kéo dài nhiều phút, thậm chí nhiều giờ (nhịp nhanh thất dai dẳng). Tình trạng nhịp nhanh thất dai dẳng nếu không được điều trị thích hợp có thể tiến triển thành rung thất.

Rung thất:

Với tình trạng rối loạn nhịp tim này, tâm thất rung lên thay vì đập bình thường, khiến trái tim đập không hiệu quả. Rung thất có thể gây ra tổn thương não bộ, thậm chí có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Nhìn chung, nếu nhận thấy mình thường hay trải qua các cơn rối loạn nhịp tim, nhịp tim lúc nhanh lúc chậm, khó thở, đau tức ngực… khó chịu, bạn nên chủ động đi khám để được chẩn đoán dạng rối loạn nhịp tim chính xác, từ đó có hướng điều trị phù hợp.

 

Điều trị rối loạn nhịp tim

Việc điều trị rối loạn nhịp tim phụ thuộc vào từng dạng rối loạn cụ thể:

Rối loạn chức năng nút xoang:

Nếu các triệu chứng nhịp tim lúc nhanh lúc chậm, khó thở, đau tức ngực… diễn ra thường xuyên, nghiêm trọng, các bác sỹ có thể chỉ định cho bạn cấy ghép máy tạo nhịp tim.

Rối loạn nhịp tim nhanh trên thất:

Việc điều trị có thể bao gồm massage xoang cảnh tại cổ; Sử dụng thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh calci; Triệt đốt rối loạn nhịp tim.

Rung nhĩ:

Việc điều trị có thể bao gồm dùng thuốc hoặc phẫu thuật thay van tim, phẫu thuật triệt đốt rối loạn nhịp tim, sốc điện tim…

Block nhĩ thất:

Nếu không có triệu chứng nghiêm trọng, tình trạng này thường không cần phải điều trị. Tuy nhiên, những người bị block nhĩ thất độ 2, độ 3 có thể cần được cấy ghép máy tạo nhịp tim.

Nhịp nhanh thất:

Nhịp nhanh thất tạm thời thường không cần phải điều trị, đặc biệt nếu tình trạng này không gây tổn thương tới cấu trúc tim. Tuy nhiên, người bị nhịp nhanh thất dai dẳng cần điều trị bằng thuốc tiêm tĩnh mạch, khử rung tim để khôi phục lại nhịp tim bình thường.

Rung thất:

Tình trạng này có thể được điều trị bằng khử rung tim, sốc điện. Sau khi đã qua cơn nguy kịch, người bệnh có thể phải cấy ghép máy khử rung tim để ổn định nhịp tim.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top