✴️ Viêm niêm mạc hang vị dạ dày: Triệu chứng và phương pháp điều trị

Viêm niêm mạc hang vị dạ dày là một bệnh lý tiêu hoá thường gặp và có thể diễn tiến thành những biến chứng nguy hiểm nếu không được kịp thời chữa trị. Hiểu rõ các thông tin về triệu chứng và phương pháp phòng – điều trị loại bệnh này sẽ góp phần giúp bạn duy trì một hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

 

1. Khái quát về bệnh viêm niêm mạc hang vị dạ dày

Niêm mạc (hay còn gọi là màng nhầy) có chức năng ngăn ngừa nhiễm trùng và bảo vệ các mô trong dạ dày tránh khỏi tác động xấu của dịch cơ thể.

Hang vị là một phần của dạ dày, nằm ngang từ góc bờ cong đến lỗ môn vị, nối giữa thân vị và hang môn vị. Bệnh viêm niêm mạc hang vị dạ dày là tình trạng niêm mạc ở vùng hang vị bị viêm cấp hoặc mãn tính.

Hang vị là nơi chứa đựng thức ăn khi đi vào dạ dày nên rất dễ vị viêm loét

 

Bệnh có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng thường thấy hơn ở những người ngoài 60 tuổi, có tiền sử rươu bia, hút thuốc lá và căng thẳng kéo dài… Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây, các ghi nhận cho thấy đối tượng của bệnh này ngày càng có xu hướng trẻ hóa.

Nếu không được điều trị, tình trạng viêm có thể dẫn đến loét niêm mạc hang vị dạ dày, thậm chí diễn tiến thành các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh như:

– Xuất huyết dạ dày

– Hẹp môn vị

– Ung thư dạ dày

 

2. Nguyên nhân gây tình trạng viêm niêm mạc hang vị dạ dày

2.1 Viêm niêm mạc hang vị dạ dày do vi khuẩn HP

Helicobacter pylori (hay còn được gọi là vi khuẩn HP) là nguyên nhân chính làm khởi phát các triệu chứng bệnh. Loại vi khuẩn này cũng là tác nhân chính gây ra viêm loét dạ dày, tá tràng, ung thư dạ dày… Vi khuẩn HP trú ngụ, phát triển trong niêm mạc, kích thích dạ dày tiết axit, tăng cường độ co bóp khiến niêm mạc dạ dày bị tổn thương, viêm, loét.

Có đến 85% người bị nhiễm HP trong suốt cuộc đời hoàn toàn không có triệu chứng hoặc bệnh tiêu hóa nghiêm trọng

 

2.1 Viêm niêm mạc hang vị dạ dày do các nguyên nhân khác

– Sử dụng quá liều các loại thuốc chống viêm, giảm đau: Các loại thuốc kháng viêm không steroid, thuốc kháng viêm chứa steroid khi bị lạm dụng có thể kích thích thành dạ dày tiết axit làm mòn lớp niêm mạc hang vị. Trong trường hợp nặng hơn có thể gây loét, xuất huyết, thủng dạ dày.

– Nghiện rượu, uống phải các chất gây ăn mòn, nuốt phải các kim loại như ghim, kẹp giấy, đinh nhỏ…

– Chế độ sinh hoạt, ăn uống không điều độ kéo dài, căng thẳng thần kinh, hút thuốc lá, uống rượu,…

– Bệnh lý:

– Người bệnh có tiền sử nhiễm lao, giang mai

– Nhiễm nấm, ký sinh trùng, vi khuẩn khác (Không phải vi khuẩn HP)

– Người bệnh vừa tiến hành xạ trị ung thư, các bệnh lý tự miễn, thiếu máu ác tính và nôn mạn tính

– Sau nội soi

 

3. Bệnh viêm niêm mạc hang vị được biểu hiện như thế nào?

Bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến dạ dày nói chung và viêm hang vị dạ dày nói riêng thường có các triệu chứng tương đối giống nhau và rất khó phát hiện ở giai đoạn đầu.

Biểu hiện bệnh lý này có thể bao gồm:

– Ăn uống khó tiêu: Quá trình tiêu hóa thức ăn của bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng do cảm giác nóng, rát, chứng khó tiêu xảy ra ở phần bụng trên.

– Chướng bụng, ợ hơi, ợ chua: Do hang vị nằm ngang hoàn toàn ở phần dưới của dạ dày nên thường lưu trữ lượng lớn thức ăn, dễ dẫn đến tình trạng thức ăn không được tiêu hóa hết. Một phần thức ăn chưa tiêu hóa sẽ lên men, thải ra khí nóng gây chướng bụng, ợ hơi, ợ chua.

– Đau bụng: Cơn đau tập trung ở phần thượng vị, diễn ra dữ dội hoặc âm ỉ kéo dài. Người bệnh có thể thấy đau tăng khi ăn, đau nhiều vào đêm do dịch vị kích thích phần niêm mạc bị tổn thương. Khi bệnh tiến triển thành loét, người bệnh có thể cảm thấy đau thường xuyên, dù no hay đói.

– Buồn nôn: Người bệnh có thể cảm thấy buồn nôn, nôn ra dịch nhầy có mùi khó chịu, thậm chí nôn ra máu.

– Chán ăn, suy nhược cơ thể: Quá trình dung nạp thức ăn bị ảnh hưởng, người bệnh ăn mất ngon. Tình trạng này nếu kéo dài có thể khiến cơ thể sụt cân, thiếu chất dinh dưỡng, da dẻ xanh xao.

– Phân có màu tối

 

4. Phòng bệnh viêm hang vị dạ dày tại nhà

Bệnh nhân viêm niêm mạc hang vị dạ dày cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn uống khoa học và đầy đủ dinh dưỡng:

– Có thể chia nhỏ các bữa ăn, ăn chậm, nhai kỹ giúp quá trình đưa thức ăn xuống ruột non thuận lợi

– Bổ sung các loại rau xanh, rau có màu đậm: Rau cải, rau dền, súp lơ… ; các loại thực phẩm giàu tinh bột: bánh mỳ, khoai lang, khoai tây; thực phẩm có lượng protein vừa phải để tránh đầy bụng, khó tiêu

– Tránh các thực phẩm, đồ uống gây kích ứng: thực phẩm cay, chua, chiên hoặc béo, rượu bia, cà phê…

– Có chế độ rèn luyện phù hợp: Các bài tập nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, đạp xe… sẽ giúp cho thức ăn được tiêu hóa kỹ trước khi xuống ruột non.

– Cân nhắc thay đổi các loại thuốc có thể  ảnh hưởng đến dạ dày

 

5. Điều trị viêm niêm mạc hang vị dạ dày

Người có triệu chứng có thể tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, chẩn đoán thông qua các kỹ thuật như: Nội soi, sinh thiết mô, xét nghiệm vi khuẩn HP, chụp X-quang, test hơi thở… Khi đã xác định được nguyên nhân, người nhà và bệnh nhân sẽ dễ dàng chọn phương pháp phù hợp để điều trị bệnh.

Trong trường hợp niêm mạc hang vị dạ dày bị tổn thương do vi khuẩn Helicobacter pylori (Vi khuẩn HP), người bệnh có thể được chỉ định kháng sinh thích hợp để điều trị và ngăn ngừa tái phát.

Bên cạnh đó, điều trị hỗ trợ có thể bao gồm: Dùng thuốc kháng axit làm giảm các triệu chứng viêm và kết hợp duy trì chế độ ăn uống lành mạnh.

Viêm niêm mạc hang vị dạ dày là một trong những bệnh tiêu hoá hoàn toàn có thể chữa trị hiệu quả. Để quá trình điều trị diễn ra thuận lợi, bệnh nhân cần lưu ý tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sỹ. Người bệnh hông nên tự ý dừng liệu trình, bỏ thuốc (dù cảm thấy tình trạng đỡ hơn). Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc hạn chế bệnh tái phát.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top