Vào mùa hè, các bệnh ngoài da như mụn, nhọt, mẩn ngứa, trứng cá, dị ứng, chàm, hăm (ở trẻ em)... bất kể bệnh ngoài da gì, nhiều người có thói quen mua thuốc flucina về bôi mà không cần biết đến những nguy cơ (tác dụng phụ) do thuốc gây ra hoặc tai biến khi lạm dụng loại thuốc này.
Hiện flucina được bán khá phổ biến trong các nhà thuốc, hiệu thuốc với nhiều tên khác nhau như flucin, flucinol, flucort, fluocin, fluocinolon... Đây là loại thuốc corticosteroid tại chỗ có tác dụng chống viêm, chống ngứa và tác dụng co mạch, dùng để bôi ngoài da chữa các bệnh như eczema, viêm da (viêm da dị ứng, tiếp xúc), vẩy nến (ngoại trừ dạng vẩy nến lan rộng), liken phẳng, luput ban đỏ hình đĩa... Một số chế phẩm còn phối hợp với kháng sinh như neomycin để điều trị các nhiễm khuẩn ngoài da.
Thuốc không được sử dụng trong các trường hợp có tiền sử mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc, trứng cá đỏ, nhiễm khuẩn ở da do vi khuẩn, nấm hoặc virut (herpes, thủy đậu), hăm da.
Với những bệnh có chỉ định dùng thuốc, khi bôi cần bôi lên vùng da bị bệnh một lớp mỏng, 2-4 lần/ngày, tùy thuộc vào tình trạng nặng hay nhẹ. Khi cần băng kín phải rửa sạch vùng da cần bôi thuốc, bôi thuốc rồi có thể dùng miếng gạc băng lại. Thuốc dạng kem đặc biệt thích hợp với bề mặt ẩm hoặc rỉ nước và các góc hốc của cơ thể. Thuốc dạng mỡ thích hợp cho loại da khô, vết thương có vẩy.
Khi dùng thuốc trên mảng da rộng không nên băng kín vì tăng nguy cơ nhiễm độc toàn thân. Ở người bệnh dùng lượng lớn thuốc và bôi trên diện rộng, dài ngày hoặc băng kín có thể gây suy vỏ tuyến thượng thận. Dùng thuốc cho các vết thương nhiễm khuẩn mà không có thêm các kháng sinh điều trị thích hợp có thể làm cho nhiễm khuẩn bị lan rộng.
Cần lưu ý, hạn chế dùng cho trẻ em và giữ ở liều tối thiểu cần thiết đủ đạt hiệu quả điều trị, vì đối với trẻ em dễ bị suy giảm trục tuyến yên - dưới đồi - thượng thận gây chậm lớn, không tăng cân ở trẻ và hội chứng Cushing hơn người lớn.
Một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi bôi thuốc là kích ứng ở chỗ bôi thuốc. Ngoài ra, thuốc có thể gây teo da, vết rạn, nhiễm khuẩn thứ phát, dát sần, trứng cá đỏ, viêm da mặt, quá mẫn (ít gặp hơn). Có nguy cơ tăng tác dụng phụ toàn thân và các phản ứng phụ tại chỗ nếu dùng thuốc thường xuyên, bôi trên diện rộng hoặc dùng trong thời gian dài cũng như khi điều trị các vùng dễ bị hăm hoặc băng kín chỗ bôi thuốc. Cần ngừng thuốc nếu thấy kích ứng da hoặc viêm da tiếp xúc trong lúc điều trị.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh