Những lưu ý khi dùng paracetamol để hạ sốt cho bé

Bạn thấy lo lắng khi bé yêu của bạn sốt cao và mệt mỏi. Khi bị sốt trẻ sẽ khó chịu, chán ăn, mất nước. Nhưng bác sĩ nhi khoa khuyên các ba mẹ không nên quá lo lắng khi bé bị sốt vì sốt không phải là điều hoàn toàn xấu. Sốt là phản ứng của cơ thể trẻ chống lại nhiễm trùng. Thực tế, nó giúp tăng cường sự bảo vệ của hệ miễn dịch ở trẻ.

Tuy nhiên, nếu nhiệt độ của bé trên 38℃ bạn có thể sử dụng paracetamol để hạ sốt cho bé.

Cách điều trị sốt ở nhà

Điều đầu tiên bạn nên làm là chườm ấm cho bé và cặp lại nhiệt độ cho trẻ sau khi chườm. Nếu bé vẫn không hạ sốt, cho trẻ uống paracetamol hoặc sirô để hạ sốt. Để sử dụng paracetamol đúng liều, bạn cần phải biết hàm lượng của loại thuốc paracetamol hoặc sirô bạn định sử dụng và liều lượng được khuyến nghị cho bé. 

Liều dùng: tính theo cân nặng của trẻ, mỗi lần 10mg -15mg/kg cân nặng của trẻ. Ví dụ: em bé nặng 10kg mỗi lần dùng liều 100mg - 150mg. Mối lần uống thuốc cách nhau 4 đến 6 giờ, trong 1 ngày không dùng thuốc hạ sốt quá 6 lần.

 

Những điều cần nhớ nếu bạn cho bé uống paracetamol để hạ sốt

Hãy nhớ rằng, nó không phải là một loại thuốc kỳ diệu lúc nào cũng có thể hạ được sốt. Nếu bé sốt do nhiễm virut, sốt có thể kéo dài từ 3-5 ngày cho đến khi bé hồi phục và hình thành miễn dịch với virus. Không được tăng liều paracetamol khi bé sốt trở lại, điều này sẽ không làm cho bé khỏi bệnh mà còn gây hại cho bé do sử dụng thuốc quá liều.

Nếu bé còn quá nhỏ, bạn không nên tự ý sử dụng thuốc mà trước hết hãy hỏi ý kiến ​​bác sỹ trước khi cho bé sử dụng bất cứ loại thuốc uống nào, kể cả paracetamol. Không nên cho con bạn sử dụng bất kỳ loại thuốc nào mà không hỏi ý kiến bác sỹ nếu bé dưới ba tháng tuổi.

Kiểm tra nhiệt độ trước khi cho bé uống thuốc và nếu nhiệt độ của bé vẫn thấp hơn 38℃ và em bé của bạn chỉ hơi ấm thì có thể sử dụng các biện pháp chườm ấm không cần sử dụng paracetamol.

Để đạt được hiệu quả cao và hạ sốt nhanh cho trẻ nhỏ ngoài việc sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ nên kết hợp với chườm ấm, cho trẻ uống thêm nước sôi để nguội, nước hoa quả, nếu trẻ còn bú thì cho bú nhiều lần hơn, hoặc uống thêm Oresol theo chỉ dẫn….

Các mẹ cần cho bé nằm trong phòng thoáng khí, tăng cường dinh dưỡng, theo dõi nhiệt độ của trẻ 20 phút - 30 phút/1 lần.

Không nên dùng thuốc quá liều do có thể gây ngộ độc Acetaminophen biểu hiện như đau bụng, nôn, đi ngoài phân lỏng, nặng nề hơn trẻ có thể bị tổn thương gan dẫn đến vàng da, vàng mắt, li bì…

Không dùng thuốc hạ sốt cho trẻ bị các bệnh gan, tim, thận… mà không có hướng dẫn của bác sỹ.

Kiểm tra xem con của bạn có đang sử dụng bất kì loại thuốc nào có thành phần chứa paracetamol không? Có thể bạn sẽ cho bé sử dụng paracetamol quá liều nếu không chú ý đến các loại thuốc khác bé đang sử dụng.

Dùng bao nhiêu paracetamol phụ thuộc vào trọng lượng của bé cũng như hàm lượng của thuốc. Tốt hơn là nên hỏi ý kiến ​​bác sỹ về liều lượng và cách dùng. Nếu con bạn nhẹ cân hoặc dưới 5kg, không nên cho bé dùng paracetamol nếu không có sự giám sát của bác sỹ.

Tránh dùng paracetamol sau khi bé được tiêm phòng ngay cả khi con bạn bị sốt, vì sốt là phản ứng phụ thường gặp sau tiêm tự ý sử dụng paracetamol có thể làm giảm hiệu quả việc tiêm chủng.

Nếu sốt của bé vẫn tiếp diễn sau 03 ngày dùng paracetamol, hãy đưa bé đến gặp bác sỹ thay vì tiếp tục cho bé sử dụng thuốc tại nhà.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top
Close menu