Hang vị nằm giữa thân hang vị, môn vị và là một phần của dạ dày. Hang vị có vị trí nằm ngang để lưu trữ lượng lớn thức ăn. Nếu ăn uống không hợp lý dễ gây ra viêm loét hang vị.
Viêm hang vị được chia thành hai loại là cấp tính và mạn tính. Bệnh thường xuất hiện ở lứa tuổi trưởng thành tới trung niên.
Triệu chứng của viêm hang vị khá tương đồng với viêm loét dạ dày. Người bệnh thường nhầm lẫn triệu chứng của hai bệnh lý này. Các biểu hiện thường gặp là:
– Đau tức vùng thượng vị (vùng bụng nằm giữa 2 mạn sườn và trên rốn) âm ỉ hoặc dữ dội
– Cơn đau thường xuất hiện sau khi ăn hoặc vào ban đêm. Vào mùa lạnh các cơn đau cũng xuất hiện nhiều hơn
– Sau khi ăn các đồ ăn có vị cay nóng, rượu bia, đồ uống có gas cũng sẽ kích thích hang vị gây đau đớn
– Nôn nao, nôn
– Rối loạn tiêu hóa khiến đi ngoài phân lỏng
– Kèm theo ợ hơi, chướng bụng, khó tiêu
Các triệu chứng viêm loét hang vị kéo dài sẽ khiến người bệnh ăn uống kém, mệt mỏi, suy nhược ảnh hưởng tới công việc và học tập.
Hang vị thuộc hệ tiêu hóa vì vậy các nguyên nhân gây bệnh cũng có nhiều điểm giống với viêm dạ dày tá tràng. Theo thống kê, có một số nguyên nhân gây ra bệnh như:
Vi khuẩn HP là nguyên nhân hàng đầu và phổ biến gây bệnh. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua hoạt động ăn uống sau đó sinh sống trong lớp nhầy của niêm mạc. Chúng tiết ra chất độc tấn công hang vị gây ra viêm loét.
Viêm loét hang vị cấp tính cũng có thể do các loại vi khuẩn khác như: Vi khuẩn thương hàn, vi khuẩn lỵ,…Chúng kích thích tăng co bóp ở dạ dày làm bùng phát triệu chứng.
Các loại thuốc giảm đau không steroid hoặc thuốc kháng viêm chứa steroid có thể làm suy yếu hàng rào bảo vệ dạ dày. Bên cạnh đó chúng còn kích thích tiết acid gây ăn mòn niêm mạc. Nếu sử dụng thuốc liều cao có thể dẫn tới chảy máu hệ tiêu hóa, thủng dạ dày.
Trong đồ uống có cồn chứa rất nhiều các chất độc không tốt cho dạ dày. Thói quen nghiện rượu sẽ gây viêm hang vị, gan, thực quản,…
Ngoài ra hang vị cũng có thể bị ảnh hưởng khi người bệnh bị căng thẳng kéo dài, ăn uống không điều độ.
Hang vị là bộ phận vô cùng dễ bị viêm loét và nhiễm trùng. Nếu không được điều trị đúng cách có thể khiến viêm nhiễm lan rộng tới tá tràng, môn vị, bờ cong nhỏ,…Từ đó sẽ gây bùng phát nhiều triệu chứng nguy hiểm.
Thói quen ăn uống, sinh hoạt không đều đặn sẽ khiến dạ dày bài tiết ra nhiều acid khiến bề mặt niêm mạc bị phù nề, viêm loét. Ở giai đoạn viêm loét các triệu chứng xuất hiện với tần suất lớn và gây đau đớn nhiều hơn.
Niêm mạc hang vị bị loét nặng dẫn tới vỡ tĩnh mạch gây ra hiện tượng xuất huyết dạ dày. Biến chứng này nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới choáng, hạ huyết áp và tử vong. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất của xuất huyết dạ dày là bệnh nhân nôn hoặc đi ngoài ra máu.
Hang vị là bộ phận nối giữa tá tràng và dạ dày. Tình trạng viêm loét léo dài sẽ làm tổn thương niêm mạc mô vị và hình thành sẹo. Mô sẹo khiến thu hẹp không gian môn vị đồng thời gây khó khăn khi thức ăn vận chuyển xuống ruột non. Biểu hiện là bệnh nhân đau bụng dữ dội, nôn ói có mùi hôi thối,…
Viêm hang vị kéo dài do vi khuẩn HP tiềm ẩn nguy cơ ung thư cao. Các mô dạ dày có nguy cơ ác tính hóa ( ung thư) và loạn sản.
Các triệu chứng khi bị viêm hang vị còn ảnh hưởng nhiều tới khả năng ăn uống, làm mất ngủ, cơ thể mệt mỏi khiến cho năng suất học tập và làm việc giảm sút.
Viêm loét hang vị gây tổn thương thực thể kèm theo các triệu chứng cơ năng. Bước đầu tiên trong chẩn đoán bác sĩ sẽ khai thác các triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh và các loại thuốc đang dùng. Sau đó để xác định chính xác bệnh lý cần thực hiện thêm một số kỹ thuật chẩn đoán bằng máy móc.
– Nội soi hang vị
– Sinh thiết mô
– Xét nghiệm vi khuẩn HP
– Chụp X-quang
Dựa vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra đánh giá về tình trạng của bệnh để lựa chọn phương pháp chữa trị phù hợp. Mục tiêu của điều trị viêm hang vị là cải thiện các triệu chứng, tiêu diệt vi khuẩn HP, giảm ổ viêm. Đồng thời dự phòng các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Cách điều trị đơn giản và thông dụng nhất hiện nay là sử dụng thuốc Tây. Các loại thuốc sẽ được kết hợp sử dụng để mang lại hiệu quả cao nhất.
– Thuốc kháng sinh
– Thuốc nâng cao khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày
– Thuốc kháng acid
– Thuốc kháng thụ thể H2
– Thuốc ức chế bơm proton (PPI)
Các loại thuốc này sẽ giúp diệt khuẩn, cải thiện triệu chứng, phục hồi ổ viêm nhiễm và ngăn ngừa chúng chuyển sang giai đoạn loét.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc bạn cũng có thể áp dụng các dược liệu từ thiên nhiên giúp cải thiện triệu chứng viêm hang vị.
– Trà gừng mật ong: Gừng và mật ong có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm. Uống một cốc trà gừng ấm có tác dụng giảm khó chịu ở họng, cải thiện chứng buồn nôn.
– Sữa nghệ ấm: Nếu thường xuyên bị nôn ói bạn nên giảm lượng thức ăn và sử dụng kèm một ly sữa nghệ. Thức uống này không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn giúp giảm viêm và phục hồi niêm mạc bị tổn thương.
Viêm loét hang vị nếu được điều trị đúng cách và kịp thời thì có thể kiểm soát và chữa khỏi hoàn toàn. Ngược lại nếu chủ quan, để bệnh kéo dài sẽ khiến bệnh trở nên trầm trọng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh