DƯỢC LỰC
Budesonide là thuốc corticosteroid: glucocorticoid hít.
DƯỢC ĐỘNG HỌC
Sử dụng corticosteroid tan trong lipid như budesonid cho phép đưa thuốc này vào đường hô hấp với sự hấp thụ toàn thân ở mức tối thiểu và rất ít tác dụng toàn thân ở những người bệnh hen nhẹ và vừa.
TÁC DỤNG
Budesonid là một corticosteroid có tác dụng chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch rõ rệt. Budesonid, cũng như những corticosteroid khác, làm giảm phản ứng viêm bằng cách làm giảm tổng hợp prostaglandin do hoạt hóa phospholipase A2. Corticosteroid làm tăng nồng độ một số phospholipid màng gây ức chế tổng hợp prostaglandin. Những thuốc này cũng làm tăng nồng độ lipocortin, là protein làm giảm những cơ chất phospholipid của phospholipase A2. Corticosteroid làm giảm tính thấm mao mạch do ức chế hoạt tính của kinin và nội độc tố vi khuẩn, và do làm giảm lượng histamin tiết ra từ bạch cầu ưa base.
CHỈ ĐỊNH
Dùng bình xịt mũi trẻ em và người lớn: điều trị triệu chứng viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc quanh năm.
Hít qua miệng: điều trị duy trì và dự phòng bệnh hen. Ở nhiều người bệnh hen, sử dụng budesonid hít làm giảm nhu cầu corticosteroid uống hoặc có thể thay thế hoàn toàn thuốc này. Corticosteroid hít không có hiệu lực cắt cơn hen cấp tính, nhưng cần dùng liên tục làm thuốc dự phòng hàng ngày.
LIỀU LƯỢNG - CÁCH DÙNG
Người lớn 400 - 1600 mcg/ngày, chia làm 2 - 4 lần. (trường hợp ít nguy cấp: 400 - 800 mcg/ngày, trường hợp nặng 800 - 1600 mcg/ngày).
Trẻ em > 7 tuổi: 200 - 800 mcg/ngày, chia làm 2 - 4 lần.
Trẻ em 2 - 7 tuổi: 200 - 400 mcg/ngày, chia làm 2 - 4 lần.
Mới sử dụng thuốc, hoặc trong trường hợp hen nặng hoặc chuyển từ steroid đường uống sang hít:
Người lớn: 1 - 2 mg x 2 lần/ngày.
Trẻ em: 0,5 - 1 mg x 2 lần/ngày.
Ðiều trị duy trì:
+ Người lớn: 0,5 - 1 mg x 2 lần/ngày.
+ Trẻ em: 0,25 - 0,5 mg x 2 lần/ngày.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Người bệnh quá mẫn với budesonid hoặc với các thành phần khác trong chế phẩm thuốc.
TÁC DỤNG PHỤ
Một tác dụng không mong muốn đặc biệt gây bởi corticosteroid hít là bệnh nấm candida miệng – họng. Khàn giọng cũng có thể do tác dụng trực tiếp của thuốc hít trên dây thanh.
Thường gặp
Thần kinh trung ương: tình trạng kích động, nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ, thay đổi tâm thần.
Tim mạch: tim đập mạnh.
Dạ dày – ruột: kích thích dạ dày – ruột, đắng miệng, bệnh nấm candida miệng, chán ăn, thèm ăn, khô miệng, khô họng, mất vị giác.
Hô hấp: ho, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, viêm phế quản, khàn giọng, chảy máu cam.
Da: ngứa, ban, trứng cá, mày đay.
Nội tiết và chuyển hóa: rối loạn kinh nguyệt.
Mắt: đục thủy tinh thể.
Khác: mất nhận thức về khứu giác.
Ít gặp
Tiêu hóa: đầy bụng.
Hô hấp: co thắt phế quản, thở nông.
Nội tiết và chuyển hóa: ức chế ACTH, trẻ em chậm lớn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh