✴️ Viêm phổi nặng do Virus cúm A

I. Đại cương:

– Định nghĩa:Viêm phổi nặng do Virus cúm A là tổn thương phổi mức độ nặng, tiến triển nhanh, nguyên nhân do các virus cúm A.
– Nguyên nhân thường gặp do virus cúm A (H5N1), cúm A (H1N1), cúm A (H3N2)…

● Virus cúm A (H5N1): Hay còn gọi là cúm gia cầm vì gây bệnh cho gia cầm và truyền bệnh sang người. Đây là chủng có độc lực cao, gây tử vong cao 60-80% đặc biệt vùng Đông Nam Á.

● Virus cúm A (H1N1): Là chủng cúm gây bệnh trực tiếp cho người, mức độ lây lan ra cộng đồng nhanh nhưng độc lực virus yếu hơn virus cúm A (H5N1).

 

II. Chẩn đoán
1. Chẩn đoán xác định

Dựa vào:
– Yếu tố dịch tễ
– Lâm sàng: biểu hiện hội chứng cúm và hội chứng suy hô hấp cấp. Có dấu hiệu suy hô hấp trên nền bệnh nhân có biểu hiện hội chứng cúm.

  • Thời gian ủ bệnh:  tùy theo từng loại virus mà có thời gian ủ bệnh dài ngắn khác nhau.
  • Thời gian toàn phát:
    • Biểu hiện nhiễm cúm chung: đau rát họng, sốt, đau đầu, đau mình mẩy, ho khan, chảy mũi…nếu do cúm A H5N1
    • Có thể xuất hiện thêm các triệu chứng của hệ thần kinh
    • Các triệu chứng về tiêu hóa như viêm dạ dày – ruột với biểu hiện tiêu chảy…
    • Tiến triển suy hô hấp nhanh
    • Có thể tiến triển suy đa tạng

– Cận lâm sàng: dựa vào một số xét nghiệm để chẩn đoán:

  • Công thức máu
  • Xquang tim phổi
  • Khí máu
  • Kết quả test chẩn đoán nhanh cúm A (+)
  • PCR chẩn đoán cúm A (H5N1) hoặc cúm A (H1N1)
  • Các xét nghiệm chẩn giúp chẩn đoán suy đa tạng và theo dõi diến biến.

2. Chẩn đoán phân biệt

Với viêm phổi do vi khuẩn như do phế cầu… thường có bạch cầu tăng, procalcitonin tăng, có thể
làm test phát hiện gián tiếp kháng nguyên phế cầu qua nước tiểu.

3. Chẩn đoán nguyên nhân

Do cúm A (H5N1) hoặc cúm A (H1N1), A (H3N2)…

 

III. Điều trị

1. Các biện pháp cách li

Thực hiện quy trình cách li bệnh nhân, xử lí chất thải, khử trùng dụng cụ, thiết bị phục vụ chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân tránh lây nhiễm.

2. Các biện pháp hỗ trợ

a. Hô hấp

  •  Nằm đầu cao 30
  •  Liệu pháp oxy
  • Thở máy không xâm nhập với mức BiPAP
  • Thở máy xâm nhập qua ống nội khí quản
  • Thông khí nhân tạo tần số cao (HFO)

b. Các biện pháp hỗ trợ suy đa tạng khác

– Tuần hoàn: đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, bù dịch duy trì áp lực tĩnh mạch trung tâm 7-10cm nước, sử dụng thuốc vận mạch nếu cần thiết

– Lọc máu liên tục (CVVH)

– Sau khi ngừng CVVH, lọc máu ngắt quãng nếu có chỉ định.

– Truyền các chế phẩm máu, hồng cầu, tiểu cầu nếu cần thiết.

– Điều trị hỗ trợ suy gan nếu có.

c. Các điều trị khác

Kháng sinh, điều trị biến chứng, corticoid, chăm sóc nuôi dưỡng, kiểm soát đường máu…

3. Điều trị đặc hiệu

Dùng thuốc kháng virus: Oseltamivir
300mg/ngày chia 2 lần nếu do cúm A (H5N1) dùng đến khi xét nghiệm dịch phế quản âm tính, liều 150mg/ngày nếu do cúm A (H1N1) dùng trong 7 ngày.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

 

return to top