Sốc phản vệ khi tiêm thuốc kháng sinh

Mới đây, một trường hợp tiêm thuốc kháng sinh (KS) Evantax (một biệt dược của cefotaxim) tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội đã xảy ra tai biến nghiêm trọng.

Ngay sau khi tiêm KS, cháu bé có biểu hiện bị sốc và được đưa ngay vào khoa Hồi sức cấp cứu, mặc dù đã được các bác sĩ hết lòng cứu chữa nhưng 6 ngày sau, cháu bé đã tử vong. Trước bức xúc của gia đình cháu bé về việc tiêm thuốc KS không được thử phản ứng trước khi tiêm, vấn đề test khi tiêm thuốc KS lại được sự quan tâm của cả những người không có chuyên môn.

Tai biến khi dùng thuốc và quy định của ngành Y tế

Để phòng ngừa và giảm tối thiểu các tai biến, tử vong do sốc phản vệ (SPV) gây ra khi tiêm thuốc cho bệnh nhân, các bác sĩ phải thực hiện các yêu cầu theo thông tư 08/1999 ngày 4/5/ 1999 của Bộ Y tế như sau: khai thác kỹ tiền sử dị ứng của người bệnh như: các tình trạng hen phế quản, chàm, mẩn ngứa, phù Quincke... các dị nguyên như: thuốc, thức ăn, côn trùng... gây ra dị ứng và SPV, những triệu chứng này phải được ghi vào bệnh án hoặc sổ khám bệnh. Khi phát hiện người bệnh có tiền sử dị ứng hoặc SPV với một loại thuốc gì thì bác sĩ phải cấp cho người bệnh một “phiếu theo dõi dị ứng” (theo mẫu qui định) ghi rõ các thuốc gây dị ứng và nhắc người bệnh đưa phiếu này cho thầy thuốc mỗi khi đi khám bệnh.

Trong quá trình điều trị, thầy thuốc không được dùng các loại thuốc đã ghi trong sổ có tiền sử gây dị ứng và SPV cho người bệnh. Phải chú ý theo dõi người bệnh khi sử dụng các thuốc dễ gây dị ứng. Một điều quan trọng trong thông tư này là yêu cầu làm test lẩy da trước khi tiêm pennicilin, streptomycin cho người bệnh.

Đây là hai loại thuốc có nguy cơ cao nhất gây dị ứng và SPV cho người sử dụng. Phải chuẩn bị sẵn hộp thuốc chống sốc và phương tiện cấp cứu (theo qui định) tại nơi có dùng thuốc như phòng khám, phòng phẫu thuật, phòng điều trị, xe tiêm chích. Bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh cần nắm vững kiến thức và thực hành cấp cứu SPV theo phác đồ.

 

SPV - rủi ro ngay khi thử phản ứng

Tại các bệnh viện, vấn đề SPV được quan tâm hàng đầu khi sử dụng thuốc cho bệnh nhân. Nhiều quy định chuyên môn đã được ban hành để hạn chế đến mức thấp nhất tỉ lệ bệnh nhân bị tai biến SPV khi dùng thuốc và cấp cứu SPV được triển khai kịp thời.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia y tế, SPV là một dạng phản ứng dị ứng cực kỳ nặng, tác động rất lớn trên cơ thể. SPV xảy ra rất nhanh, xảy ra ở liều dùng rất thấp và hầu như không thể dự báo trước. SPV xảy ra chỉ trong vòng vài giây, nếu không được xử trí kịp thời, người bệnh có thể tử vong.

Điều đáng nói là SPV xảy ra ngay cả khi người bệnh được thử test, tức là được tiêm thuốc với một liều lượng rất nhỏ. Nhiều trường hợp bệnh nhân đã tử vong ngay sau khi làm test. Điều đó chứng tỏ SPV là một rủi ro bất khả kháng, nếu người bệnh có cơ địa mẫn cảm quá mức với thuốc được chọn khi sử dụng.

Theo nhiều chuyên gia y tế, hiện nay ở đa số các nước trên thế giới đã không yêu cầu phải làm test khi tiêm thuốc KS. Việc cần làm là phải rất thận trọng mỗi khi dùng thuốc cho người bệnh. Chỉ tiêm thuốc khi thực sự cần thiết và các bước dùng thuốc phải theo đúng quy định chuyên môn.

 

Những loại thuốc hay gây ra SPV

Nhiều loại thuốc có thể gây nên SPV như: KS, vắc-xin và huyết thanh, một số vitamin tiêm tĩnh mạch, thuốc tê, thuốc chống viêm không steroid... Phản ứng thường xảy ra sau khi tiêm tĩnh mạch nhưng cũng có thể xảy ra khi dùng thuốc theo các đường khác như: tiêm bắp thịt, uống, nhỏ mắt, bôi ngoài da...

Có một số loại thuốc hay một số chất cũng gây nên các triệu chứng lâm sàng của SPV nhưng không do nguyên nhân miễn dịch - dị ứng. Đó là các phản ứng dạng phản vệ do các chất đó vào trong cơ thể trực tiếp làm giải phóng đột ngột histamin như: các chất cản quang trong chụp X-quang, chất curare và những thuốc gây mê.

SPV thường xảy ra phần lớn do dùng thuốc tiêm. Nó xảy ra tức thì, thường trong hoặc ngay sau khi tiêm thuốc và là một loại tai biến nghiêm trọng nhất, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.

Các chất hoạt mạch, đặc biệt là histamin được giải phóng nhiều, chủ yếu từ bạch cầu đa nhân ái kiềm, làm giãn các tiểu động mạch, mao mạch, làm tăng tính thấm thành mạch dẫn đến giảm đột ngột thể tích máu tuần hoàn, làm co thắt khí phế quản gây khó thở, tăng tiết các tuyến...

Bệnh nhân SPV cần được cấp cứu cho tiêm thuốc adrenalin (để nâng và duy trì huyết áp), thuốc glucocorticoid (như methylprednisolon), thuốc kháng histamin (như promethazin) để trị dị ứng, thở oxy và thông khí tốt...

 

SPV - Cần một sự hiểu biết và chia sẻ

SPV là một tai nạn, một rủi ro không mong muốn gặp phải trong quá trình dùng thuốc. Vì vậy, ta phải đặc biệt thận trọng trong sử dụng thuốc, nếu được chỉ nên dùng dạng thuốc uống, hết sức tránh dùng dạng thuốc tiêm.

Hiện nay, vấn đề test (thử phản ứng trước khi tiêm thuốc KS) chỉ còn một số nước như: Việt Nam, Bruney quy định bắt buộc đối với một số thuốc nhất định. Do đó, đa số thuốc tiêm đều không bắt buộc phải test trước khi sử dụng cho người bệnh. Vấn đề là mỗi khi rủi ro xảy ra, dù đã tận tình cấp cứu song có một số trường hợp vẫn không qua khỏi do phản ứng dị ứng quá trầm trọng. Đó là nỗi đau của cả bệnh nhân, người thân của họ và của cả các nhân viên y tế.

Không ai muốn điều đó xảy ra. Vấn đề test hay không test trước khi tiêm KS như phụ huynh của cháu bé bị tử vong nói ở đầu bài này đã đưa lên ở rất nhiều trang Web, thực ra không phải là lý do để đổ tội cho thầy thuốc. Rất nhiều người không may đã SPV ngay khi làm test. Vì vậy, muốn hay không muốn, SPV vẫn cứ là mối đe dọa bất cứ ai khi sử dụng bất cứ một loại thuốc nào…

SPV là một trong những tai biến nghiêm trọng nhất mà việc dùng thuốc có thể gây ra. Tại các nước phát triển, tỷ lệ tử vong mỗi năm do SPV là 5-6 người/1 triệu dân. Ở Việt Nam, tuy Bộ Y tế không công bố số tử vong do SPV tại các bệnh viện nhưng theo ý kiến của các giáo sư đầu ngành, con số này phải đến hàng trăm trường hợp mỗi năm. Có người khi được tiêm thuốc KS như penicillin, streptomycin và một số KS khác, chỉ 1 - 2 phút sau là tím tái, co thắt khí quản, mạch nhanh, suy hô hấp và rồi trụy tim mạch, tụt huyết áp, hôn mê và nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ tử vong.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top