Thuốc trị loãng xương ở nam giới

Loãng xương do đâu?

Bình thường ở người trẻ, sự tạo xương lớn hơn sự huỷ xương cho tới 30 tuổi, là lúc người ta có khối xương lớn nhất. Ở người già, quá trình tạo xương ít hơn sự hủy xương, hậu quả là họ bị loãng xương. Những yếu tố nguy cơ loãng xương là: tuổi càng cao thì nguy cơ bị loãng xương càng lớn. Bệnh loãng xương có tính chất gia đình: ai có cha mẹ, anh chị em bị loãng xương thì người đó cũng dễ bị loãng xương... Người dùng corticosteroid dài ngày có thể làm tổn thương xương. Uống quá nhiều rượu bị giảm tạo xương và cản trở khả năng cơ thể hấp thu calci. Hút thuốc lá; nồng độ testosteron thấp; người ít hoạt động; chế độ ăn thiếu calci...

 

Dấu hiệu nhận biết loãng xương

Loãng xương thường không có triệu chứng, cho nên gãy xương thường là dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Gãy xương có thể xảy ra mà không có chấn thương nào. Trong đó, gãy cổ xương đùi, gãy cột sống, cổ tay là hay gặp nhất. Gãy lún cột sống thường gây đau lưng nặng đột ngột, giảm chiều cao. Lâu dần những gãy lún có thể gây ra còng và gù lưng.

Loãng xương có thể được phát hiện bằng cách đo mật độ chất khoáng trong xương (BMD), chụp phim Xquang...

 

Nam loãng xương dễ bị gãy cổ xương đùi.

 

Thuốc điều trị loãng xương ở nam giới khác phụ nữ

Trong điều trị loãng xương cần phối hợp việc dùng thuốc và thay đổi lối sống mới có hiệu quả.

Các thuốc có thể dùng gồm: Bisphosphonat, những thuốc này có thể làm chậm mất xương và tăng mật độ xương ở cột sống và cổ xương đùi. Dùng alendronat (fosamax) là một bisphosphonat đầu tiên cho nam giới được Cục Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) cấp phép. Thuốc này đặc biệt có hiệu quả nếu bạn bị loãng xương do dùng steroid. Các nghiên cứu cho thấy, alendronat làm giảm 50% nguy cơ gãy xương. Thuốc risedronat tuy chưa được FDA cho phép dùng điều trị loãng xương ở nam giới nhưng đã được chứng minh có hiệu quả khi điều trị loãng xương ở phụ nữ.

Dùng calcitonin: hormon này được tuyến giáp tạo ra làm giảm sự mất xương. Nhiều nghiên cứu cho thấy nó làm giảm 40% số ca gãy cột sống. Thuốc được dùng bằng cách xịt vào mũi. Calcitonin đôi khi được dùng để điều trị nam giới có nguy cơ cao bị gãy xương nhưng không thể dùng alendronat.

Sử dụng testosteron: liệu pháp thay thế testosteron (TRT) chỉ có tác dụng đối với nam giới bị loãng xương do nồng độ testosteron thấp. Nếu dùng testosteron ở người có nồng độ testosteron bình thường sẽ không làm tăng mật độ chất khoáng trong xương.

Lưu ý: Một số thuốc dùng điều trị loãng xương ở phụ nữ không nên dùng để điều trị ở nam giới là: estrogen, thuốc này dùng điều trị loãng xương chủ yếu ở phụ nữ và không được khuyến nghị dùng cho nam giới. Bởi estrogen có thể làm cho vú to và giảm ham muốn tình dục ở nam giới. Raloxifen (Evista): là thuốc chỉ được dùng cho phụ nữ bị loãng xương; hiện chưa dùng thuốc dạng estrogen này điều trị loãng xương cho nam giới. Các statin: trong khi có các nghiên cứu cho thấy là những thuốc hạ cholesterol này cũng ngăn ngừa mất xương thì còn một số nghiên cứu khác cho thấy chúng không có tác dụng này. Vì vậy, các statin thường không được kê đơn cho nam và nữ bị loãng xương.

 

Loãng xương ở nam giới có thể phòng ngừa được

Bệnh loãng xương ở nam giới có thể phòng ngừa được bằng các biện pháp sau đây: dùng đủ vitamin C và vitamin D trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, bởi cả hai vitamin này đều rất cần thiết để xây dựng được khối xương lớn nhất khi còn trẻ và ngăn mất xương ở tuổi già. Bộ xương chứa 99% lượng calci của cơ thể. Nếu cơ thể không nhận đủ calci, nó sẽ huy động từ xương ra. Do đó, việc bổ sung calci và vitamin D làm giảm nguy cơ loãng xương và gãy cổ xương đùi, gãy cột sống. Nam giới dưới 65 tuổi cần 1.000mg calci mỗi ngày. Nam giới trên 65 tuổi cần ít nhất 1.500mg calci hàng ngày. Nguồn vitamin D tự nhiên tốt gồm sữa, ngũ cốc, lòng đỏ trứng, cá biển. Luyện tập: tập thể dục thể thao có thể giúp xương tích luỹ calci dự trữ và cải thiện sự nhanh nhẹn, mạnh mẽ và thăng bằng, làm giảm nguy cơ ngã và gãy xương. Bỏ hút thuốc, vì hút thuốc lá đẩy nhanh tốc độ mất xương. Tránh uống rượu quá nhiều. Hạn chế dùng caffein.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top