✴️ Những biến đổi sinh lý thường gặp ở người cao tuổi

Khi người trưởng thành già đi, mỗi hệ cơ quan trong cơ thể đều trải qua những sự thay đổi khác nhau. Những biến đổi này là kết quả của sự tương tác giữa môi trường sống, bệnh tật, di truyền, stress và rất nhiều yếu tố khác. Những thay đổi này đôi lúc rất dễ nhận thấy như tóc bạc, da nhăn, lưng gù. Tuy nhiên, có  rất nhiều biến đổi âm thầm trong cơ thể mà mắt thường không thể nhận ra được. Những thay đổi này sẽ không bộc lộ cho đến khi người cao tuổi được khám và xét nghiệm. Quá trình lão hóa làm giảm hiệu lực của các cơ chế tự điều chỉnh của cơ thể, giảm khả năng thích nghi, bù trừ do đó không đáp ứng được những đòi hỏi của sự sống.

Những thay đổi sinh lý do tuổi đôi khi được coi là không thể tránh khỏi và không thể thay đổi. Những thay đổi theo tuổi rất đa dạng, khác nhau giữa các cá thể và các cơ quan bộ phận trong cùng một các thể. Ví dụ: có người da nhăn nheo và tóc bạc nhưng cũng có nhiều người khác da căng mịn, tóc đen, có người lưng còng nhưng có người vẫn giữ nguyên vóc dáng như hồi còn trẻ. Sự lão hóa của mỗi cá thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố có thể thay đổi và phòng ngừa được. Sự già hóa sinh học bắt đầu từ giai đoạn trung niên và sau đó sụt giảm một cách tuyến tính theo lứa tuổi cho tới lúc lìa đời. Đặc tính chung nhất của sự lão hóa là không đồng tốc, không đồng thì. Phân biệt giữa thay đổi sinh lý hay bệnh lý của tuổi già là một phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

 

HỆ TIM MẠCH

Quả tim của người già thường to hơn và chiếm một thể tích lớn hơn trong lồng ngực. Đây cũng là một triệu chứng thường gặp của bệnh lý tim mạch như bệnh cơ tim giãn. Do đó, một người già có kích thước tim tăng lên cần được đánh giá tim mạch tổng quát để phân biệt giữa biến đổi sinh lý và bệnh lý. Mặc dù kích thước tim ở người già tăng nhưng kèm theo giảm tổng thể khối lượng cơ tim chức năng. Ngoài ra, áp lực tống máu cũng giảm dẫn tới giảm khối lượng tuần hoàn. Các van tim trở nên xơ cứng hơn do bị calci hóa, ngăn cản khả năng đóng khít của những van này dẫn tới tiếng thổi sinh lý và bệnh lý. Tiếng T4 bệnh lý thường phổ biến ở người già hơn là ở người trẻ do thay đổi về giải phẫu tim.

Hệ thống các nút phát xung điện điều chỉnh nhịp tim cũng thường bị ảnh hưởng bởi những biến đổi giải phẫu của quả tim dẫn tới những nhát bóp sớm và loạn nhịp Bản chất những loạn nhịp này không phải là bệnh lý. Những rối loạn nhịp tim không thường xuyên, không đi kèm với mệt mỏi, thở gấp, khó thở khi gắng sức, tuần hoàn bàng hệ hoặc đau ngực sẽ không đáng ngại. Tuy nhiên khi bất thường nhịp tim kèm với những triệu chứng này thì cần phải quan tâm chặt chẽ.

Hậu quả của giảm lực co bóp cơ tim và đóng mở bất thường các van tim là giảm tốc độ tuần hoàn dẫn đến một loạt các hệ quả cho người già. Đầu tiên, tuần hoàn chậm thường dẫn tới chậm liền vết thương. Ví dụ vết rách da chân của một người già sẽ liền sau vài tuần, chậm hơn so với vết rách da của người trẻ hoặc trẻ em khỏe mạnh liền chỉ sau 1 tuần. Tuần hoàn chậm cũng ảnh hưởng lên thời gian tác dụng của thuốc, cần đặc biệt lưu ý điều này khi kê đơn và đánh giá hiệu quả điều trị ở người già.

Một số người già có huyết áp tâm trương rất thấp, do khả năng co giãn của cơ tim yếu dẫn tới áp lực buồng tim lúc nghỉ giảm đáng kể. Huyết áp tâm trương thấp là một yếu tố nguy cơ tai biến mạch máu não.

Sức cản của hệ mạch ngoại vi thường tăng nên máu ở các bộ phận xa trung tâm như  ngón tay và ngón chân sẽ khó quay về tim và phổi hơn để lấy oxy và tái tuần hoàn. Các van tĩnh mạch ở chi dưới hoạt động kém hơn dẫn tới ứ trệ tuần hoàn chi dưới. Các yếu tố nguy cơ bệnh tật làm nặng hơn những thay đổi này. Do tác động của di truyền, chế độ ăn và các yếu tố khác, người cao tuổi có nguy cơ cao tiến triển cả xơ vữa và xơ cứng động mạch ở tim và động mạch ngoại vi.

Luyện tập thường xuyên không đủ để ngăn ngừa đồng thời cả lão hóa hệ tim mạch và bệnh tim mạch. Nhưng luyện tập có thể làm giảm cholesterol từ đó giảm xơ cứng và xơ vữa động mạch. Hơn nữa, luyện tập cũng làm giảm huyết áp và giảm cân từ đó giảm mức độ gắng sức cho tim. Người già cũng nên chú ý tưới cường độ vận động nghĩa là nên bắt đầu vận động một cách từ từ cho đến khi cơ thể đã thích nghi với cường độ vận động mới. Các đánh giá thường xuyên về tình trạng tim mạch được khuyến cáo để dự đoán sớm các biến đổi bệnh lý, khi mà họ còn tuân thủ điều trị. Vì hệ tim mạch là một trong những cơ quan trọng trọng nhất của cơ thể nên hoạt động chức năng hiệu quả của nó rất quan trọng.

 

HỆ HÔ HẤP

Giảm dung tích sống (VC), phổi có xu hướng kém đàn hồi, hạn chế chức năng trao đổi khí. Thông khí tối đa giảm rõ ở người cao tuổi phản ánh dự trữ hô hấp giảm, vì vậy thường khó thở, thiếu không khí. Khả năng hấp thụ oxy vào máu động mạch ở người có tuổi cũng giảm, ảnh hưởng tới việc cung cấp oxy cho mô, ảnh hưởng tới hoạt động chung. Mất nước và calci trong xương, sụn sườn vôi hóa, khớp sườn-cột sống co cứng, đĩa đệm đốt sống thoái hóa, cơ lưng dài teo khiến lồng ngực kém di động hơn tạo lực cản lớn làm giảm hiệu quả hô hấp. Giảm sút đáng kể số lượng các lông mao trên bề mặt đường dẫn khí. Những cấu trúc dạng lông này giữ vai trò quan trọng trong việc cảnh báo người già trước các dị vật đường thở như thức ăn. Tình trạng giảm số lượng lông mao thường trầm trọng hơn nếu bệnh nhân có hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói bụi của môi trường (lớp lông mao trên bề mặt đường dẫn khí bị dàn mỏng và hoạt động mất hiệu quả). Hơn nữa, nhiều người cao tuổi có giảm phản xạ ho do thay đổi sinh lý hệ thần kinh. Khi 2 tình trạng trên kết hợp với nhau người cao tuổi sẽ có nguy cơ cao bị nghẹn, hít phải thức ăn cũng như viêm phổi tiến triển hay các bệnh lý khác của đường hô hấp.

 

HỆ DA, LÔNG, TÓC, MÓNG

Da của người già thường mỏng và dễ tổn thương. Số lượng mô dưới da giảm khiến da khô và mất khả năng đàn hồi dẫn tới xuất hiện nhiều nếp nhăn. Sự xuất hiện các nếp nhăn liên quan chặt chẽ với mức thời gian tiếp xúc ánh nắng trong suốt cuộc đời mỗi người đặc biệt là trong những năm đầu của giai đoạn lão hóa. Trên thực thế, những vùng da ít tiếp xúc với ánh nắng  (da mặt trong cánh tay) có thể không có nếp nhăn và nhìn rất trẻ trung.

Bên cạnh đó, khi con người già đi các tuyến mồ hôi cũng giảm hoạt động dẫn tới mồ hôi được tiết ra ít hơn. Lớp cơ và mỡ dưới da bắt đầu teo nhỏ. Những thay đổi này gây ảnh hưởng tới chất lượng sống của người già: trước tiên là khô da, một tình trạng làm người già không thoải mái và có thể dẫn tới rách da dù lực tác động rất nhỏ và khó liền sau đó.

Trong suốt quá trình lão hóa, móng tay và móng chân trở nên dày và giòn vì vậy người già sẽ rất khó khăn trong việc tự chăm sóc móng cho mình.

Một thay đổi bên ngoài thường gặp ở người già là tóc. Đây là một trong những bộ phân chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất của quá trình lõa hóa. Tóc người già có thể bạc màu, mượt và mỏng nhưng mức độ thay đổi của từng người thì rất khác nhau. Một vài người có thể rụng tóc, rụng lông không do di truyền mà do thay đổi hormon. Tóc của phụ nữ thay đổi rõ rệt hơn còn rụng lông thì thường gặp ở cả 2 giới.

 

HỆ TIÊU HÓA

Thay đổi hệ tiêu hóa: người già gặp khó khăn trong nhai và nuốt thức ăn do hậu quả của thiếu nước uống có fluor cũng như ít được chăm sóc răng miệng kĩ lưỡng từ khi còn trẻ. Các vấn đề viêm lợi, bệnh quanh răng, rụng răng và tăng cảm giác răng trở nên rất phổ biến. Giảm nhu động thực quản làm chậm quá trình vận chuyển thức ăn qua ống tiêu hóa dẫn tới người già phải nhai lâu hơn và ăn chậm hơn. Giảm nhu động ruột, giảm tiết dịch vị dạ dày gây giảm hấp thu chất dinh dưỡng. Thay đổi một số giá trị xét nghiệm liên quan đến chức năng hệ tiêu hóa: Albumin toàn phần phản ánh chức năng gan và tình trạng dinh dưỡng giảm, enzyme ALT tăng theo tuổi, Canxi máu giảm, đường máu và kali tăng. Giảm nhu động của đại tràng cản trở thức ăn di chuyển trong phần còn lại của ống tiêu hóa và đi ra ngoài cơ thể. Tăng thời gian lưu thông của khối thức ăn trong ruột làm tái hấp thu nước nhiều hơn dẫn tới tỉ lệ táo bón gia tăng ở người cao tuổi. Có 2 rối loạn đường ruột ở người già là táo bón và són phân, nguyên nhân do các thay đổi sinh lý và do sử dụng nhiều thuốc, ăn ít chất xơ, ít hoạt động thể lực.

Táo bón

Táo bón (khó đại tiện, đại tiện phân khô và rắn) là vấn đề thường gặp nhất ở người cao tuổi (Beers & Jones, 2000). Táo bón thường mạn tính và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe chung, nếu không được điều trị kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng. Bên cạnh các thay đổi theo tuổi, hạn chế vận động cũng là 1 tác nhân chủ yếu gây ra táo bón. Uống đủ nước là một trong những khuyến cáo nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ táo bón ở người già. Những người cao tuổi không bị ốm nặng, lượng nước đưa vào hàng ngày nên là 0 – 35 ml dịch/kg cân nặng (Trung tâm hợp tác quốc gia về chăm sóc khẩn cấp, 2006). Duy trì chế độ ăn với đủ thành phần với các loại rau lá xanh và ngũ cốc cũng rất tốt cho điều trị táo bón. Tập thể dục đem lại hiệu quả nhanh và đáng kể với táo bón. Các thuốc làm mềm phân, thuốc thụt tháo và thuốc nhuận tràng có thể được sử dụng nếu táo bón trở nên trầm trọng.

Són phân

 Són phân là việc rỉ phân ngoài ý muốn. Ở Hoa Kỳ, khoảng 45% người già ốm đau được chăm sóc điều dưỡng tại nhà gặp phải vấn đề này. Rỉ phân có thể xảy ra một phần do tuổi già nhưng cũng có thể do: (1) tiền sử són tiểu, (2) bệnh lý thần kinh, (3) ít vận động, (4) lú lẫn, (5) > 70 tuổi. Theo Trung tâm các rối loạn chức năng tiêu hóa và nhu động ruột, Đại học Bắc Carolina (2006), són phân có liên quan tới trĩ, tiêu chảy, táo bón, chấn thương sơ sinh, tiểu đường, viêm loét đại tràng và sa sút trí tuệ. Giống như với táo bón, chế độ ăn giàu chất xơ và đẩy đủ thành phần, đủ nước và luyện tập thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa và điều trị són phân. Với bệnh nhân không đủ minh mẫn, cần phải luyện tập thói quen đi ngoài. Việc này có thể được thực hiện bằng cách xác định thời gian thường són phân trong ngày thông qua nhật kí đại tiện. Khi mà quy luật thời gian của són phân đã được xác định, người cao tuổi có thể được khuyến khích và hỗ trợ đi đại tiện khoảng nửa giờ trước thời gian són phân bình thường. Với những trường hợp nặng, cơ thắt hậu môn có thể bị rách và cần phẫu thuật để điều trị.  

 

HỆ TIẾT NIỆU

Thay đổi trong hệ tiết niệu là vấn đề thường gặp ở người già. Thận, cơ quan phụ trách nhiệm vụ cô đặc nước tiểu và loại trừ các sản phẩm chuyển hóa sẽ mất đi một lượng lớn các đơn vị lọc (nephron) và cầu thận. Ở người cao tuổi, trương lực và khối lượng bàng quang cũng giảm sút nghiêm trọng từ đó dẫn tới tỉ lệ cao người già mắc chứng són tiểu. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 10 – 58% phụ nữ và 6 – 28% nam giới mắc chứng són tiểu hàng ngày.

Ure, creatinin tăng dần theo tuổi. Ure ở người già thường bị ảnh hưởng mạnh bởi lượng protein trong chế độ ăn. Do chỉ số khối cơ thể giảm theo tuổi nên tổng lượng creatinin được sản xuất tăng lên. Bắt đầu từ tuổi 40, khi con người già thêm 10 tuổi thì độ thanh thải creatinin giảm đi 10%.

Són tiểu

Són tiểu (UI) không phải là một biểu hiện sinh lý của tuổi giả nhưng lại rất phổ biến ở người cao tuổi như một đáp ứng với sự lão hóa. Bởi người già thường ngại ngùng khi nói về biểu hiện này nên chẩn đoán tiểu đêm vẫn còn bị bỏ sót. Theo Gray và cộng sự (2003), són tiểu xảy ra ở khoảng 11% số người cao tuổi trong cộng đồng. Có nhiều loại són tiểu nhưng 2 loại phổ biến nhất là són tiểu do stress và do kích thích (urge). Són tiểu do stress xuất hiện khi cơ thắt niệu đạo (urethral sphincter) giảm trương lực và không còn khả năng hãm dòng nước tiểu. Hiện tượng này xảy ra khi các cơ vùng tiểu khung không còn đủ mạnh để hỗ trợ bàng quang. Người già mắc són tiểu do stress thường són tiểu khi cười, hắt hơi, ho hoặc chạy và loại này thường xảy ra cùng với quá trình lão hóa. Bên cạnh đó, có nhiểu nguyên nhân gây són tiểu do kích thích bao gồm nguyên nhân thần kinh và nhiễm trùng tuy nhiên trong nhiều trường hợp không phát hiện được nguyên nhân. Nguy cơ tiến triển són tiểu tăng lên cùng với tuổi, chứng béo phì, viêm phế quản mạn tính, hen và quá trình sinh nở. Nhiều người cao tuổi bị dạng són tiểu hỗn hợp.

 

HỆ CƠ XƯƠNG KHỚP

Có rất nhiều thay đổi diễn ra trong hệ cơ xương khớp của người già. Những thay đổi này thường tác động lớn đến sức khỏe và các chức năng sống của người cao tuổi. Giảm tổng khối lượng xương và cơ. Giảm khối lượng xương diễn ra dưới dạng mất calci xương làm xương trở nên giòn và yếu, loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương ở người già.

Khối lượng từng đơn vị cơ của các nhóm cơ lớn cũng giảm dần theo thời gian. Cần lưu ý rằng sự giảm khối lượng xương và cơ có thể được hạn chế bởi luyện tập. Tập thể dục rất cần thiết để duy trì sức khỏe tuổi già, có thể tạo ra những ảnh hưởng tích cực lên người cao tuổi bao gồm khả năng duy trì sức mạnh và sức dẻo dai của hệ cơ xương khớp suốt những năm tháng tuổi già. Tất cả người cao tuổi nên được khuyến khích để tìm một chương trình luyện tập mà họ ưa thích và có thể tham gia thường xuyên. Luyện tập thường xuyên giúp làm chậm quá trình lão hóa trên hệ cơ xương khớp.

 

HỆ SINH DỤC/SỨC KHỎE SINH SẢN

Người ta thường quan niệm người già thì ít hoặc không còn ham muốn tình dục. Điều này dẫn tới việc không quan tâm đến những thay đổi sinh lý trong hệ sinh dục – sinh sản của người cao tuổi. Hơn nữa. vấn đề tế nhị này dẫn đến hàng loạt những sai lầm trong đánh giá hệ sinh dục – sinh sản và hệ quả là ít người thực sự hiểu về các thay đổi sinh lý của hệ cơ quan đặc thù này. Rất nhiều các bệnh lý như ung thư phụ khoa hoặc yếu sinh lý đã bị bỏ sót và không được điều trị kịp thời.

Cần nhớ rằng bất chấp những quan niệm phổ biến xưa cũ, tình dục vẫn tiếp tục tỏ rõ vai trò của nó trong đời sống của con người kể cả khi họ đã bước vào tuổi xế chiều. Nhu cầu tình dục của người già cũng cần phải được quan tâm một cách bình đằng như các thay đổi sinh lý khác. Ở cả đàn ông và phụ nữ, sự giảm nồng độ hormon trong cơ thể dẫn tới đáp ứng của mạch máu với các kích thích tình dục trở nên chậm chạp hơn (Master, 1986). Giảm lượng testosterone ở nam và estrogen, progesterone cũng như androgen ở nữ dẫn tới thay đổi trong: (a) đáp ứng với kích thích tình dục, (b) khoái cảm, (c)  hậu khoái cảm và (d) bộ phận sinh dục ngoài (Masters, 1986).

 Nang trứng ở phụ nữ có tuổi teo đét do giảm các hormone hướng sinh dục, do đó dẫn đến sự giảm tiết estrogen và progesterone. Các mô tuyến vú tự nhiên được thay thế bởi mô mỡ, dẫn tới thay đổi hình dạng bên ngoài của vú. Môi lớn và môi bé co lại và có thể có nếp gấp do thiếu tổ chức dưới da. Âm hộ khô và nhợt màu, không có nếp nhăn (rugatation), lỗ âm hộ teo lại (introitus atrophies). Âm đạo ngắn lại, khô ráp và hẹp hơn. Khả năng co cơ để đạt khoái cảm giảm và thời gian kéo dài cơn khoái cảm ngắn lại. Những thay đổi sinh lý của phụ nữ cao tuổi có thể dẫn tới tăng thời gian đáp ứng và bị đau trong quá trình quan hệ. Những phụ nữ này cũng có thể có ít ham muốn hơn, ít đạt khoái cảm hơn và bị co thắt âm đạo do giảm nồng độ hormone sinh dục. Để đối phó với những thay đổi này có thể dùng dung dịch bôi trơn âm đạo khi quan hệ để giảm đau và giảm cảm giác khô rát. Hơn nữa cần phải tăng thời gian cho giai đoạn dạo đầu trước khi thực sự “ lâm trận “ để cơ thể có đủ thời gian đáp ứng một cách trọn vẹn nhất với khoái cảm tình dục.

Một số thay đổi nhất định trên những người đàn ông cao tuổi bao gồm chậm cương cứng và xuất tinh sớm (Ferrie, 2003). Để có thể cương cứng, người đàn ông bị phụ thuộc nhiều hơn vào những kích thích trực tiếp trên dương vật. Lượng tinh trùng giảm và thời gian hồi phục giữa những lần xuất tinh tăng lên. Lông mu ít hơn và tinh hoàn co nhỏ. Nam giới cao tuổi cũng cần một “ khúc dạo đầu “ dài hơn để cơ thể có thể đáp ứng một cách trọn vẹn nhất với các xúc cảm tình dục. Bất lực là một tình trạng phổi biến ở người cao tuổi do bệnh tật gia tăng, sử dụng thuốc và phẫu thuật. Tuy nhiên, bất lực không phải là một biểu hiện bình thường của cơ thể. Nếu không có các vấn đề bệnh lý, người đàn ông cao tuổi vẫn có thể duy trì đời sống tình dục một cách bình thường. Mãn dục nam (andropause hoặc male menopause) là một vấn đề phổ biến, có thể gây thay đổi hành vi và trầm cảm.

 Bênh cạnh những thay đổi theo lứa tuổi, người già cũng phải đối mặt với những rào cản ngăn cách họ quay lại với đời sống tình dục bình thường. Những khó khăn này bao gồm sự mất mát người bạn đời khi về già và các bệnh lý như bất lựng, tiểu đường là những yếu tố tác động rất xấu lên chức năng tình dục của người già. Với vai trò của những điều dường viên, một điều rất quan trọng là phải nhận thức được sự quan trọng của tinh dục cũng tương đương như các vấn đề sức khỏe khác cần được chăm sóc. 

 

NGŨ QUAN

Cả 5 giác quan đều trải qua quá trình lão hóa. Thị lực giảm sút, khả năng phân biệt màu sắc cũng kém hơn, khả năng co nhỏ đồng tử tức thì đáp ứng với các kích thích giảm và thị thường ngoại vi cũng giảm. Thủy tinh thể trở nên vàng dẫn tới đục thể thủy tinh tiến triển ở người già. Người cao tuổi có nguy cơ bị những bệnh như đục thể thủy tinh hay tăng nhãn áp. Người cao tuổi nên khám mắt thường quy lúc về già đinh kì ít nhất 1 năm 1 lần. Một biến đổi sinh lý thường thấy ở người già là một vòng nhẫn bao quanh mống mắt nhưng không ảnh hưởng tới thị lực và do đó không cần quan tâm đến biểu hiện này.

 Hệ quả của giảm lượng nước trong cơ thể người già là tích tụ ráy tai do đó ảnh hưởng tới thính lực. Công việc lấy ráy tai cho người già luôn cần được thưc hiện bởi một nhân viên y tế chuyên nghiệp và lấy ráy tai có thể cải thiện thính lực. Giảm khả năng nghe không phải là một thay đổi sinh ý nhưng vẫn thường diễn ra ở người già do phơi nhiễm với các tác nhân của môi trường như ô nhiễm tiếng ồn hoặc do yếu tố di truyền. Tỉ lệ phổ biến của điếc tuổi già hay ù tần số cao cũng tăng theo tuổi. Người cao tuổi nghe kém nên được tư vấn bởi một chuyên gia về thính học. Các công cụ hỗ trợ thính lực tỏ ra hiệu quả trong cải thiện khả năng nghe của người già. Rất nhiều các phương pháp hỗ trợ cải thiện thinh lực mới và tiên tiến đã và đang được nghiên cứu gần đây

Người cao tuổi giảm vị giác và khứu giác do số lượng các nụ lưỡi giảm khoảng 30%.

Nếu hiện tượng giảm nụ lưỡi là bình thường thì hiện tượng đột ngột giảm khả năng nếm hoặc ngửi có thể là biểu hiện bệnh lý. Viêm lợi, bệnh quanh tăng và các rối loạn khác phổ biến ở người già có thể làm giảm khả năng nếm và ngửi đồ ăn. Thay đổi này thường gây khó khăn cho người cao tuổi bởi họ thường chỉ ăn được nếu cảm nhận hương vị của đồ ăn. Điều này cũng giải thích vì sao người cao tuổi thường không nhận ra những mùi vị mà mọi người đều ngửi thấy như mùi thức ăn được đun sôi hoặc bị cháy. Giảm khả năng ngửi và nếm có thể dẫn tới việc người cao tuổi cố gắng gia tăng đậm độ của thức ăn bằng cách nêm thêm muối và đường. Tuy nhiên việc gia giảm này sẽ gây rắc rối nếu người cao tuổi có các bệnh như tăng huyết áp hay tiểu đường. Malazemoff (2004) đã khuyến nghị một quy trình tổng thể bao gồm khai thác tiền sử về vị giác và khứu giác cũng như khám lâm sàng mũi và miệng để chẩn đoán phân biệt các thay đổi sinh lý và bệnh lý ở người già. Thêm vào đó, rất cần một đánh giá xác thực về chế độ ăn bắt đầu từ ghi đo khẩu phần ăn 24 giờ để xác định ảnh hưởng của thay đổi vị giác và khứu giác lên tình trạng bữa ăn của người già.

       

NHỮNG THAY ĐỔI TRONG HỆ THẦN KINH

Rất nhiều người tin rằng kém minh mẫn là vấn đề khó tránh khỏi khi mỗi người già đi. Trong khi trên thực tế có nhiều thay đổi của hệ thần kinh trên người già nhưng những thay đổi đó không gây ra kém minh mẫn. Sa sút trí tuệ là một bệnh lý thường gặp của người cao tuổi, do tổn thương não, do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Một vài thay đổi sinh lý của tuổi già bao gồm giảm trọng lượng của não, thay đổi tỉ trọng của chất xám với chất trắng, tổng lượng neuron cũng giảm mạnh và số lượng mảng lão hóa cũng tăng lên. Những người già cũng thường có giảm tưới máu não. Ảnh hưởng của những thay đổi giải phẫu này lên hành vi của con người rất đa dạng. Một số người cao tuổi bị cho là “ lẩm cẩm “ và “ chậm chạp “. Suy giảm trí nhớ cũng phổ biến ở người cao tuổi nhưng lại bị nhầm lẫn thành sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, sa sút trí tuệ là một bệnh lý của hệ nhận thức. Nhiều người cao tuổi sống khỏe mạnh tới 100 tuổi vẫn minh mẫn như khi họ mới” mười tám đôi mươi “. Người già nên được khuyến khích để tham gia và các hoạt động nhận thức như làm việc, chơi trò chơi hoặc học một khóa ngắn hạn. Duy trì trí tuệ minh mẫn  được cho là một tiêu chí đánh giá sự thành công của tuổi già.

 

CÁC THAY ĐỔI TRONG HỆ NỘI TIẾT

Hoạt động nội tiết gắn liền với hoạt động thần kinh. Nội tiết là một khâu thực hiện lệnh của thần kinh, đồng thời cũng tác động trở lại hệ thần kinh. Trong quá trình điều hòa mọi chức năng của cơ thể có sự kết hợp chặt chẽ giữa thần kinh và nội tiết, tạo thành hệ thống thần kinh nội tiết hoặc thần kinh thể dịch.  Quá trình lão hóa hệ nội tiết diễn ra không đồng tốc, không đồng thì. Bắt đầu sớm nhất là suy giảm hoạt động của tuyến ức, sau đó đến tuyến sinh dục, tuyến giáp, tuyến tụy, cuối cùng là tuyến yên và thượng thận. Dễ nhận thấy nhất là thời kỳ mãn sinh dục.

Thay đổi chức năng nội tiết làm thay đổi khả năng phản ứng và thích nghi của cơ thể đối với các stress thông thường.

 

TÓM TẮT

Rõ ràng là khi con người ta già đi, mỗi hệ cơ quan trong cơ thể đều trải qua những thay đổi nhất định. Nhưng thay đổi đó gây ra bởi nhiều yếu tố bao gồm sự tiếp xúc với các tác động từ môi trường, bệnh tật, di truyền, stress và rất nhiều yếu tố khác. Phần lớn những thay đỏi này xảy ra âm thầm qua nhiều năm và được mặc nhiên là bình thường ở người già. Tuy nhiên những biến đổi này thường dẫn đến nguy cơ tiến triển các bệnh lý. Một điều rất quan trọng là phải phân biệt được những thay đổi sinh lý với các biến đổi bệnh lý để tránh điều trị nhầm sang các thay đổi sinh lý và bỏ sót các biến đổi bệnh lý dẫn tới hậu quả bệnh tật trầm trọng.

Tư vấn để giúp người già nhận biết được đâu là những thay đổi sinh lý còn đâu là những biến đổi bệnh lý nên là ưu tiên hàng đầu trong các can thiệp hỗ trợ người cao tuổi để có thể giúp họ hiểu được những gì đang diễn ra trong cơ thể mình. Bên cạnh đó, rất nhiều các can thiệp khác cũng rất hữu ích trong việc giúp bệnh nhân làm quen với những thay đổi này cũng như phòng ngừa sự tiến triển của bệnh tật.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top