Dấu hiệu và triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu là gì?

Nội dung

 

Các triệu chứng viêm đường tiết niệu bao gồm:

  • Có cảm giác buồn tiểu rõ và xảy ra với tần suất cao bất thường, hay tiểu đêm
  • Nước tiểu đục, sẫm màu và có mùi khai rất nồng
  • Cảm thấy đau rát khi tiểu
  • Buồn nôn và nôn
  • Đau bụng, đau vùng xương chậu hoặc đau bên mạn sườn.
  • Đau khi quan hệ tình dục.

 

Tuy nhiên, dấu hiệu viêm đường tiết niệu còn có thể khác nhau, tùy thuộc vào tuổi tác, giới tính (nam thường bị đau trực tràng, còn nữ hay bị đau ở vùng chậu), tình trạng sức khỏe của người bệnh cũng như bộ phận bị nhiễm trùng, chẳng hạn như:

Bàng quang

  • Vùng chậu chịu áp lực nặng nề, có thể kéo theo tình trạng co thắt, chuột rút ở bụng và lưng dưới, dẫn đến những cơn đau khó chịu.
  • Tiểu buốt, tiểu nhiều lần và thậm chí tiểu ra máu.

Niệu đạo

  • Có dịch tiết ra từ đây, đi chung với triệu chứng nóng rát khi tiểu.

Thận

  • Nhiễm trùng thận là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhất trong viêm nhiễm đường tiết niệu. Người gặp phải tình trạng này không chỉ bị đau bên hông (vị trí của thận) mà cơn đau còn có thể lan rộng đến lưng trên. Ngoài ra, người bệnh còn bị sốt cao, ớn lạnh, run rẩy và mệt mỏi, suy nhược.

Bác sĩ khuyến cáo mọi người nên đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị ngay lập tức nếu nghi ngờ bản thân bị nhiễm trùng thận.

Niệu quản

Bộ phận này rất khó để các vi sinh vật gây bệnh tấn công nên nhiễm trùng niệu quản rất hiếm khi xảy ra. Do đó, các chuyên gia vẫn chưa rõ các biểu hiện đặc trưng cho trường hợp này.

Triệu chứng viêm đường tiết niệu ở người đang đặt ống thông điều trị cho bệnh lý khác hoặc người cao tuổi thường là thay đổi hành vi (bối rối, kích động), tiểu không kiểm soát tồi tệ hơn bình thường, run. Điều này gây nhiều khó khăn cho bác sĩ trong việc chẩn đoán bệnh.

Sẽ khó để phát hiện nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ. Chúng thường gặp những triệu chứng không điển hình như sốt, cáu gắt, không chịu bú, đổ mồ hôi, tè dầm.

 

Nguy cơ gây bệnh

Theo cấu tạo sinh học, so với nam giới, đường tiết niệu của nữ thường ngắn hơn và gần với hậu môn nên cũng dễ bị nhiễm trùng hơn.

Các chuyên gia đánh giá cao mức độ nghiêm trọng của vấn đề nhiễm trùng đường tiết niệu khi mang thai, vì nó có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Do đó, bác sĩ phụ sản luôn kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn trong nước tiểu của mẹ bầu, ngay cả khi họ không bộc lộ triệu chứng. Nếu nhiễm trùng tiểu xảy ra, bác sĩ sẽ điều trị bằng cách kê toa kháng sinh với liều lượng phù hợp nhằm ngăn ngừa vi khuẩn sinh sôi, lây lan.

Ngoài ra, nhiễm trùng đường tiểu còn có khả năng phát sinh bởi một số yếu tố nguy cơ như:

  • Quan hệ tình dục quá nhiều hoặc thường xuyên thay đổi bạn tình
  • Thói quen vệ sinh cá nhân kém
  • Tiền sử mắc bệnh tiểu đường, hóa trị, xạ trị, bệnh nhân HIV, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, người già, trẻ nhỏ hệ miễn dịch yếu hơn bình thường
  • Gặp khó khăn trong việc đào thải hoàn toàn nước tiểu trong bàng quang (bí tiểu) như sỏi tiết niệu, phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới,…
  • Đang đặt ống thông tiểu
  • Không tự chủ trong việc đại, tiểu tiện
  • Lạm dụng phương pháp tránh thai gồm chất diệt tinh trùng, màng ngăn tránh thai
  • Phụ nữ mãn kinh
  • Đã từng điều trị xâm lấn ở đường tiết niệu
  • Bị liệt, bất động trong một thời gian dài
  • Sử dụng băng vệ sinh, cốc nguyệt san bị nhiễm khuẩn
  • Lạm dụng kháng sinh phá vỡ hệ sinh thái của lợi khuẩn trong ruột và đường tiết niệu

 

return to top